Năm 2001, Nguyễn Thị Vân cùng anh trai lần đầu tiên được nhìn thấy và sử dụng máy vi tính. Cũng từ đấy, cuộc sống của hai anh em bắt đầu thay đổi. Cảm thấy bản thân là người vô cùng may mắn nên khi nhìn những bạn khuyết tật khác không có điều kiện như mình, chị Vân và anh trai quyết định rủ bạn bè đến chơi cùng. Cứ thế, ngôi nhà bé nhỏ ở làng quê Nghệ An lần lượt chào đón nhiều người khuyết tật từ trong làng, ngoài làng và các tỉnh khác đến chơi, ăn, ở, thậm chí sống cùng gia đình.
Có giai đoạn, nhà chị có hơn 20 người khuyết tật cùng sống và sinh hoạt, mọi người có cá góp cá, có rau góp rau. Từ vui chơi, chia sẻ kiến thức tin học, họ bắt đầu cùng tìm kiếm việc liên quan đến tin học để có thu nhập. Khi số lượng người khuyết tật đến ở tăng lên, chị Vân và anh trai bắt đầu gọi đó là trung tâm tin học nhân đạo Công Hùng, nơi hướng dẫn và dạy nghề cho những người kém may mắn.
"Ở quê, việc người khuyết tật tìm được việc làm là rất khó, có thể sau khi học xong, họ làm một số việc cho gia đình, trên xã hay huyện. Thế nhưng đó chỉ là những công việc đơn giản, còn khả năng để được nhận làm ở các doanh nghiệp lớn gần như là không có. Tôi cảm thấy người khuyết tật còn làm được nhiều hơn thế, vậy nên khi học hết lớp 12, tôi quyết định tạm biệt cha mẹ và nam tiến để đi tìm việc làm", chị Vân tâm sự.
Ngồi nhớ về lần đầu xa quê nhà để lập nghiệp, chị cho rằng chính quyết định táo bạo khi đó đã giúp chị thay đổi cuộc đời và có được thành công ngày hôm nay.
Rời quê nhà Nghệ An đi lập nghiệp, chị đã xoay sở cuộc sống trong giai đoạn đầu thế nào?
Năm lớp 10, tôi có mở một tiệm Internet ở quê và thấy đây là nghề “hốt bạc”, kiếm được tiền. Sau khi học xong cấp 3, tôi tiếp tục chọn con đường này để tự tạo sinh kế cho bản thân. Mang trong mình suy nghĩ nghề này muốn làm ăn thuận lợi thì phải đến những nơi xa xôi, công nghệ còn chưa phổ biến nên tôi chạy tuốt vào miền tây để xem có kinh doanh được không.
Xa nhà, tôi phải tự mình lo đủ thứ từ nhà cửa, đồ ăn, công việc… Lúc đó, tôi ở trong một khu trọ giá rẻ, nơi dành cho những kẻ cùng đời mạt hạng. Cảm thấy môi trường không phù hợp, tôi đến chỗ chị gái ở là thành phố Hồ Chí Minh xem sao nhưng thành phố này lại quá năng động với tôi. Số tiền tiết kiệm ngày một vơi đi còn tôi vẫn không tìm được việc làm. Sau nhiều ngày nghĩ ngợi, tôi cảm giác đây không phải nơi mình thuộc về nên lại khăn gói ra thủ đô để thử. Đặt chân đến đây, tôi cảm thấy có cái gì đấy rất gần gũi và gắn kết với mình nên quyết định dừng chân tại nơi này.
Rồi khởi đầu ở Hà Nội khi ấy có thuận lợi hơn không?
Chỗ đầu tiên mà tôi ở là khu tập thể giáo viên trường đại học QG. Ngày xưa cứ ăn cơm xong là phải ra ngoài vì ngồi trong phòng sợ tốn điện, chỉ có tối mới về ngủ. Ngày nào, tôi cũng đợi tới 1 giờ chiều mới đi chợ. Lúc đó chợ tan, chỉ còn những đồ hỏng và dập. Tôi chuyên đi “quét chợ”, có khi mua, có khi được cho hoặc cũng có khi họ đổ cả đống đồ thừa, thấy cái gì còn tốt thì tôi nhặt về.
Thời gian đó có những món ăn mà đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh là lạc rang muối và cá khô vì phải ăn suốt năm suốt tháng. Những lúc hết tiền, tôi lại bảo mẹ là thèm ăn để mẹ gửi ra chứ không dám kể khổ. Tôi sống như thế ngày này qua tháng nọ. Khi có quá nhiều khó khăn kéo đến cùng một lúc thì tôi lại thấy những khó khăn đó đều trở nên bình thường và cứ thế đối mặt. Mãi đến sau này khi nhìn lại, tôi mới thấy bản thân đã rất kiên cường.
Trong muôn vàn khó khăn đó, Trung tâm Nghị lực sống đã ra đời trong hoàn cảnh nào?
Ở Hà Nội một thời gian, dần dần, mọi thứ tốt đẹp lên, anh trai tôi cũng chuyển ra ngoài này sống. Đến khi tôi làm việc ở một công ty của Đan Mạch, thu nhập khá tốt nên mới bảo anh trai về hẳn khu này. Sau đó, chúng tôi đưa các bạn khuyết tật ở quê ra đây để tiếp tục duy trì trung tâm hồi còn ở quê, cùng ở chung 13-14 người trong 1 căn hộ nhỏ.
Tôi và anh trai dạy nghề cho mọi người, người có nghề rồi sẽ chuyển ra ngoài, được giới thiệu hoặc tự tìm việc. Còn chúng tôi lại tiếp tục đưa những nhóm khác ra đây và đào tạo. Sau 6 tháng ở Hà Nội, chúng tôi thuê thêm nhà. Khi có thêm những người khác tham gia vào với tư cách đồng sáng lập, chúng tôi đổi tên trung tâm cũ thành Trung tâm Nghị lực sống.
Lúc đó, khó khăn rất nhiều, không có tiền cũng không có nhiều mối quan hệ, gánh nặng về tài chính và cả chỗ ở rất lớn vì đi đến đâu cũng bị xua đuổi.
Ngoài một phần tiền được sự hỗ trợ từ gia đình học viên, một phần đến từ những người gây quỹ trên mạng là Crowdfunding, chúng tôi từng phải thử đủ mọi cách như đi làm thêm, làm đồ handmade để bán, thiết kế website, quản trị web hay viết bài cho các công ty… làm đủ mọi thứ để có tiền duy trì trung tâm.
Đang vận hành trung tâm Nghị lực sống, động lực nào khiến chị quyết định thành lập thêm công ty Imagtor?
Lý do đầu tiên xuất phát từ vấn đề tài chính, tôi gặp khó khăn trong việc gây quỹ. Nhiều lúc, tôi cảm thấy rất chạnh lòng khi lúc nào mình cũng rơi vào trạng thái túng quẫn. Tôi muốn giúp mọi người nhưng lại không có tiền. Khi đó, tôi tự nhiên nảy ra suy nghĩ hay là mình kinh doanh hoặc làm một cái gì đó để có thu nhập, có tiền thì có thể giúp được nhiều người.
Một vấn đề khác là còn nhiều rào cản đối với người khuyết tật trong doanh nghiệp. Có những trường hợp dù người khuyết tật làm rất giỏi nhưng họ vẫn bị các công ty từ chối vì khuyết tật của họ nặng, không phù hợp với môi trường công sở. Không chỉ khó hòa nhập với xã hội, họ còn chịu đựng trăm nghìn sự ghẻ lạnh, hắt hủi của cộng đồng. Điều này khiến tôi rất đau lòng và thôi thúc bản thân xây dựng một doanh nghiệp để là nơi họ có thể phát huy được giá trị của mình.
Trong giai đoạn khó khăn, chị lấy vốn ở đâu và sử dụng nguồn vốn đó để thành lập Imagtor như thế nào ?
Lúc đấy, tôi và một số bạn bè cùng nhau góp vốn để mở công ty. Tôi tích góp được 100 triệu, anh Phan Đình Bình cũng góp 100 triệu, còn những người khác sẽ góp công góp sức để cùng xây dựng công ty.
Bản thân tôi cũng đi làm nhiều năm và tiết kiệm được một ít phòng khi ốm yếu để dùng. Nhưng mà đến lúc đó tôi lại nghĩ ốm đau bệnh tật đều có số, tới đâu thì tới nên quyết định dùng số tiền đó để thành lập công ty.
Điểm khác biệt giữa Imagtor và các công ty khác là gì?
Cái khác biệt rõ ràng nhất là Imagtor sử dụng lao động là những người khuyết tật. Lúc đầu số lượng người khuyết tật chiếm 60%, còn thời điểm hiện tại là 40%. Imagtor luôn cố gắng duy trì lực lượng lao động này ở mức 40%.
Bản thân những bạn khuyết tật nhiều lúc họ không tự tin về bản thân, chị đã làm như thế nào để họ vượt qua mặc cảm và vững tin hơn?
Hầu hết các bạn khuyết tật đều rất tự ti và mặc cảm. Thậm chí, nhiều người còn tự kỳ thị chính mình. Nếu chỉ dùng lời nói thì rất khó để thuyết phục, chỉ khi mình thể hiện bằng hành động thì mới có thể giúp họ thoát ra cái vỏ bọc tự ti đó. Nói thương họ, muốn giúp đỡ họ là chưa đủ mà phải thể hiện bằng cách mình đối xử với họ hằng ngày để họ tự cảm nhận được điều đấy. Không thể chỉ khuyên họ cố lên, tự tin lên, mà bản thân tôi cũng phải là người tích cực để các bạn ấy nhìn vào mình mỗi ngày và lan truyền được sự tích cực đó.
Bên cạnh đó, Imagor còn có những chương trình thiết kế liên quan đến tâm lí, kĩ năng sống, có các chuyên gia đến để hỗ trợ. Ví dụ bên PWC - công ty kiểm toán lớn đã gửi qua Imagtor 20 chuyên gia làm tình nguyện viên dạy kỹ năng sống cho các bạn xuyên suốt 1 năm, giúp các bạn tự tin và hòa nhập hơn.
Trong lúc công ty mới thành lập, quy mô còn nhỏ và chưa có nhận diện, dịch vụ của Imagtor có ưu thế gì nổi trội để có thể nổi bật trên thị trường và cạnh tranh với những đối thủ khác?
Lúc mới thành lập, trên thị trường có 3-4 công ty lớn cùng lĩnh vực, còn công ty nhỏ thì không có. Nếu nói về ưu thế cạnh tranh thì Imagtor chẳng có gì nhiều ngoài việc biết tận dụng những kinh nghiệm mình có để tự đào tạo được nhân lực cho mình và nhân sự cho các doanh nghiệp, công ty đối tác khác.
Còn lại, Imagtor quá bé nhỏ, thiếu thốn về mặt tài chính đến máy móc, công nghệ cũng chẳng có gì hiện đại. Số vốn 200 triệu phải chi cho việc đầu tư thiết bị đắt đỏ và “nuôi” một đội ngũ nhân sự sẵn sàng để khi có đơn hàng là có thể chạy kịp deadline.
Khách hàng của Imagtor phần lớn ở Mỹ và Châu Âu. Bên mình dùng mạng xã hội và các kênh miễn phí để tiếp cận với khách hàng. Bên cạnh đó, tôi có tham gia các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp và đạt khá nhiều giải thưởng. Đây cũng là một cách quảng bá hình ảnh của công ty tới mọi người, giúp công ty xây dựng được uy tín một cách hiệu quả bên cạnh việc chạy truyền thông.
Bao lâu sau khi thành lập thì công ty của chị có đơn hàng đầu tiên và có một lượng khách hàng ổn định?
Sau 7 tháng thì Imagtor có đơn hàng đầu tiên trị giá 100 USD. Thời gian đầu bên mình tập trung vào đào tạo, xây dựng thương hiệu và đi tìm các kênh truyền thông để quảng bá. Và sau hơn 1 năm thì công ty hoạt động ổn định.
Khoảng thời gian từ có được đơn hàng đầu tiên đến khi đi vào hoạt động ổn định là 4-5 tháng. Imagtor phát triển rất nhanh, tôi nhớ chỉ sau 1 năm thì hòa vốn. Đặc biệt là sau khi tôi đạt được những giải thưởng về khởi nghiệp thì Imagtor cũng được biết đến nhiều hơn và tạo được uy tín trên thị trường.
Sau 2 năm thành lập, đến năm 2018, Imagtor đã được một tổ chức tại Singapore định giá 2,4 triệu USD, gấp 480 lần giá trị ban đầu.
Cột mốc nào của Imagtor mà chị thấy tự hào nhất?
Đó là khi mà tôi tham gia cuộc thi do ngân hàng DBS bank của Singapore tổ chức dành cho các công ty khởi nghiệp. Imagor đã vượt qua các công ty trong khu vực và vinh dự nhận về 3 giải thưởng cùng một lúc. Thực tế, đây không phải giải thưởng đầu tiên tôi nhận được, thế nhưng khi được ban tổ chức gọi tên “Imagtor Việt Nam”, Imagtor đi liền với tên đất nước thì tôi đã òa khóc vì hạnh phúc và tự hào.
Lần đó, Imagtor nhận được hơn 1 tỷ tiền thưởng, lúc mang tiền thưởng về, tôi đã thay văn phòng sang chỗ lớn hơn, đẹp hơn. Đó là kỷ niệm để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, cũng là cột mốc đáng nhớ đánh dấu sự phát triển của Imagtor.
Xác định Imagtor là doanh nghiệp xã hội, trong tương lai, chị và các cộng sự đã có kế hoạch gì để tiếp tục theo đuổi sứ mệnh này?
Tôi và các cộng sự vẫn đang nghiên cứu thêm những ngành nghề khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin phù hợp với người khuyết tật để tiếp tục phát triển sứ mệnh này. Ai cũng muốn công ty mình gây dựng phát triển lớn hơn, bản thân tôi cũng vậy nhưng điều tôi mong muốn nhất vẫn là đem lại cho nhân viên những lợi ích tốt nhất từ công việc, giúp họ có thể phát huy khả năng và chứng minh bản thân họ không có sự khác biệt nào trong xã hội.
Trong thời gian tới, tôi cùng các thành viên trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ cũng có một dự án doanh nghiệp xã hội mới lớn hơn để tiếp tục theo đuổi sứ mệnh này.
Ý tưởng thành lập doanh nghiệp mới đến từ đâu và ai là người khởi xướng?
Năm 2019, tôi là người duy nhất và đặc biệt nhất được CLB Doanh nhân Sao Đỏ trao giải thưởng Doanh nhân sao đỏ danh dự. Trong CLB đó, các anh chị đều là người rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh, là chủ tịch, giám đốc của các công ty lớn.
Qua 3 năm sinh hoạt, tôi tâm sự với các anh chị rằng tôi có 1 tâm nguyện rất lớn là làm sao để phát triển trung tâm Nghị Lực Sống, giúp đỡ và thay đổi cuộc sống của nhiều người khuyết tật hơn nữa. Mong ước của tôi được các anh chị thành viên trong CLB rất ủng hộ.
Chúng tôi cùng lên kế hoạch lập ra 1 doanh nghiệp xã hội và lấy thương hiệu là Nghị Lực Sống với mục tiêu sử dụng phần lớn lợi nhuận của công ty để hỗ trợ và sử dụng tối đa nhân sự là người khuyết tật và người yếu thế. Doanh nghiệp mới này vừa là trung tâm đào tạo, vừa sản xuất kinh doanh và vừa trở thành nhà đầu tư, lấy lợi nhuận kinh doanh để tái đầu tư tiếp vào các trung tâm dạy nghề.
Chúng tôi hy vọng rằng doanh nghiệp mới sẽ giúp người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận giáo dục công bằng, được sống có ích cho đời và thay đổi định kiến của xã hội rằng người khuyết tật yếu đuối chỉ sống được nhờ tiền từ thiện.
Nhìn lại hành trình đã trải qua, con đường chị đang đi hiện tại có diễn ra theo đúng tưởng tượng của chị không?
Có, tôi vẫn đi đúng con đường đó và thậm chí, con đường mà tôi đang bước còn lớn hơn những gì tôi đã tưởng tượng. Ngày trước, tôi từng nghĩ đến viễn cảnh sau này đi đến đâu cũng có Trung tâm Nghị lực sống ở đấy, và thực sự, viễn cảnh đó sắp trở thành hiện thực khi tôi vào sinh hoạt trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ và gặp những con người tài giỏi và nhiệt huyết ở đó. Chúng tôi cùng nhau thành lập doanh nghiệp xã hội mới với hy vọng mở rộng chuỗi Trung tâm Nghị Lực Sống và cơ sở ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nghĩ đến việc đi đâu cũng thấy như đi về nhà, trong lòng tôi rất hạnh phúc và sung sướng.
Điều hành một doanh nghiệp tạo tác động xã hội, phải cân bằng giữa cả yếu tố doanh thu và giá trị đem lại cho cộng đồng. Theo chị, phẩm chất nào đã giúp chị làm tốt cương vị người lãnh đạo của mình?
Thực ra bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Có lẽ điều giúp tôi có thể tạo ra những giá trị như hiện tại là do bên trong tôi luôn có một khao khát là muốn giúp đỡ mọi người. Hơn nữa với tôi, hai từ trách nghiệm đã gắn chặt với tôi từ lúc nào. Tôi luôn cảm thấy rằng bản thân là một người khuyết tật may mắn trong cộng đồng khuyết tật, vậy nên tôi lại càng phải có trách nghiệm chia sẻ may mắn đó tới những người khác, đó là trách nghiệm mà tôi luôn mang trong mình.
Khi làm công việc này thực ra luôn cần sự kiên trì và kiên định với niềm tin của mình, sẽ có những lúc mọi thứ ập đến bắt tôi phải đặt ra câu hỏi là có nên làm hay không, hoặc thậm chí có những cám dỗ để lòng tham xuất hiện. Thế nhưng tôi vẫn luôn kiên định với những giá trị ban đầu, bất cứ lúc nào cảm thấy khó khăn, tôi lại quay lại với câu hỏi “tại sao tôi bắt đầu” để nhắc nhở lòng mình, nhắc nhở bản thân mình phải kiên định với con đường mà mình đã lựa chọn.
Bản thân tôi khá tâm linh, lúc nào tôi cũng luôn tin tưởng rằng mình cứ làm điều tốt thì vũ trụ sẽ giúp sức cho mình. Còn tất cả những khó khăn, thách thức là những cứ cần có để mình học được những bài học và càng ngày càng trưởng thành hơn.
Cảm ơn chị!