Vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất cắm biển đón trả khách dọc đường. Lý giải việc đưa ra đề xuất này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: "Việc xoá bỏ hầu hết các điểm đón trả khách dọc đường Quốc lộ đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Hành khách lên xe giữa đường phải đón và vẫy xe rải rác dọc tuyến làm ảnh hưởng đến ATGT.
Dừng đón trả khách nhiều điểm làm ảnh hưởng đến hành trình của xe. Từ đó, lái xe buộc phải tăng tốc ở những chặng sau để xe về bến đúng giờ, đó là nguy cơ xảy ra tai nạn do phóng nhanh vượt ẩu.
Mặt khác, các đơn vị tham gia vận tải không được dừng đỗ trả khách tại các tụ điểm dân cư dọc đường, cho nên không được phát hành vé cùng chặng. Đối với khách hàng có nhu cầu xuống xe dọc đường, muốn đi xe phải mua vé trả tiền cho toàn tuyến, gây thiệt thòi cho hành khách".
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
Việc cắm biển đón trả khách không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu đi lại theo cung chặng, gom khách dọc tuyến tại những điểm đón trả khách an toàn còn giúp chủ xe bán thêm vé, tăng thêm doanh số và chống thất thu thuế.
Cũng theo ông Liên, tại cuộc hội thảo tham gia ý kiến xây dựng Thông tư 14/2010/TT-BGTVT năm 2009 bao gồm các Sở GTVT và các hiệp hội vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền - phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam kết luận:
"Đề nghị Bộ cho cắm biển dừng đỗ xe trên các tuyến quốc lộ (trừ nội thành) không để khách từ các vùng lân cận phải về bến xe Hà Nội rồi lên xe đi ngược trở lại cùng tuyến. Đồng tình với quan điểm trên, ông Khuất Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ vận tải - Bộ GTVT cho rằng, cần phải quy hoạch các vị trí cắm biển đón trả khách để phục vụ hành khách và các doanh nghiệp vận tải".
“Qua 3 năm theo dõi, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cho nhổ hết các biển đón trả khách dọc đường Quốc lộ, chúng tôi nhận thấy: Trước đây khách thường tập trung vào 1 số điểm có biển cắm, còn bây giờ họ đứng vẫy xe khắp nơi dọc đường, lại có những điểm “cò gom khách”.
Ý tưởng xe không được đón khách dọc đường không đi vào cuộc sống, không được các doanh nghiệp và nhân dân đồng tình. May ra, chỉ có hiệu quả việc khoán phạt năm sau cao hơn năm trước” - ông Bùi Danh Liên cho biết thêm.
Cũng theo người đứng đầu Hiệp hội vận tải Hà Nội thì Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT) cần quy hoạch toàn bộ các tuyến Quốc lộ để quy định các điểm đón trả khách dọc đường tại những địa điểm bảo đảm an toàn (có sự tham gia ý kiến của các Sở GTVT địa phương). Không đợi phải làm tất cả cùng một lúc, tuyến nào thuận lợi thì cho làm ngay. Khi thiết kế làm đường cao tốc và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, cần đưa vào thiết kế, dự toán, quỹ đất làm trạm dừng đỗ xe.
Trạm dừng đỗ xe ngoài các dịch vụ: Phục vụ hành khách, bảo dưỡng, cứu hộ cứu nạn và cung cấp nhiên liệu, cần bố trí diện tích cho cơ quan chức năng thường trực kiểm soát giao thông, điều hành giao thông. Các trạm dừng nghỉ được bố trí lệch nhau giữa 2 phía để tăng cường sự có mặt của các cơ quan chức năng kiểm soát giao thông.
Trước những đề xuất của Hiệp hội vận tải Hà Nội, trao đổi với PV, Trung tá Bùi Văn Sử - Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) cho hay: “Việc Hiệp hội vận tải Hà Nội đề xuất cho phép cắm biển đón trả khách dọc đường là không khả thi, vì sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Bởi lẽ, chỉ cần một xe khách dừng lại để đón, hoặc trả khách là có thể gây ùn tắc giao thông, chưa nói đến nhiều xe khách dừng cùng một lúc”.
“Nếu cắm biển đón trả khách dọc đường mà có bến bãi để xe khách ra vào thì chấp nhận được còn nếu không thì không khả thi vì sẽ tạo ra tình trạng hỗn loạn và ách tắc giao thông” - Trung tá Sử nêu ý quan điểm của mình.
Lực lượng Thanh tra giao thông xử lý lỗi xe bắt khách dọc đường.
Ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh văn phòng UBATGT Quốc gia cho hay: Chính sách có thể đề xuất thế này thế kia nhưng phải bắt nguồn từ việc quản lý kinh tế, hạ tầng xã hội. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã ra quân dẹp bỏ xe dù bến cóc nhưng phải tạo ra nhiều điểm đón trả khách, chính vì không có điểm đón trả khách nên mới sinh ra hiện tượng xe dù, bến cóc như hiện nay.
“Nhà nước cần quy định dọc tuyến đường có bao nhiêu điểm đỗ đón trả khách và điểm đỗ ấy phải đảm bảo an toàn, chứ không thể dừng đỗ dọc đường được. Còn việc quy định như hiện nay, hành khách lên xe phải đi hết hành trình, sau đó lại phải bắt xe ngược lại để xuống địa điểm mình cần đến là bất hợp lý, rất bất tiện cho người dân. Cần phải tạo ra nhiều bến cóc, để cho đơn vị vận tải ra vào đón trả khách, nhằm đảm bảo an toàn, thời gian cho nhà xe cũng như hành khách” - ông Khương Kim Tạo nói.