Hai cỗ quan tài trong mái nhà xiêu vẹo
Ngày 25/10, không khí tang thương bao trùm vùng quê nghèo miền núi heo hút khu vực ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), giáp biên giới Campuchia.
Thi thể nạn nhân Thị Hân cũng là nạn nhân cuối cùng trong vụ lật thuyền làm 7 người chết xảy ra tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã được tìm thấy và đưa về đến nhà. Sau khi làm xong thủ tục pháp y, thi thể nạn nhân được công an bàn giao cho gia đình mai táng.
Chứng kiến hình ảnh căn nhà gỗ xiêu vẹo được ghép lại bởi những mảnh ván mục nát, nền đất phủ bụi, trước cửa dán 2 cáo phó, bên trong hai chiếc quan tài của bà Thị Hân (56 tuổi) đặt cạnh con gái là chị Thị Cươi (32 tuổi) làm những người đi cùng không thể cầm lòng
Trong số 7 nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ lật thuyền thì hoàn cảnh của hai mẹ con bà Thị Hân và Thị Cươi là khó khăn hơn cả. Bà Hân từng là du kích cùng bộ đội lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại bà cùng chồng hăng hái làm kinh tế, chăm lo con cái gia đình. Nhưng cuộc sống vất vả, dù đã đứng tuổi nhưng hàng ngày bà Hân vẫn cùng con và những người trong ấp đi làm thuê kiếm sống. Ai thuê gì thì làm đó có khi ở Việt Nam nhưng có lúc chủ lại lấy thuyền chở sang Campuchia làm. Vất vả là vậy nhưng những lao động như bà và chị em phụ nữ mỗi ngày cũng chỉ được chủ trả công 110 000 ngàn/ngày.
Trên chuyến thuyền mưu sinh định mệnh chiều tối ngày 23/10 từ Campuchia về Việt Nam riêng gia đình bà Hân có 3 mẹ con. Khi chiếc thuyền bị lật bà đã bơi được vào bờ nhưng trong lúc hỗn loạn thấy con gái mình là Thị Cươi chới với giữa dòng nước bà lại bơi ra cứu con. Do dòng nước chảy xiết cả hai mẹ con đều bị cuốn trôi.
Anh Điểu Sươn người đi cùng thuyền và cứu được vợ sống xót kể lại: “Lúc tôi và vợ bám ở cành cây thì thấy bà Hân đã lên bờ nhưng thấy con gái kêu cứu bà quay lại”.
Đau đớn trước sự ra đi đột ngột của vợ, người chồng ngồi ngoài thềm cầm chứng minh vợ xem đi xem lại nhiều lần
Còn Thị Cươi (con gái bà Thị Hân) do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ít đất sản xuất (thuộc hộ nghèo của xã), con nhỏ, chồng bị bệnh nên hàng ngày chị cũng cùng với những người trong ấp đi làm thuê kiếm sống. Là lao động chính trong gia đình nên chị ra đi lại chồng và 3 đứa con thơ dại chưa biết trông cậy vào ai.
Trong căn nhà chỉ có ánh nến mờ mờ, ngồi lặng lẽ trong góc nhà anh Điểu Nanh (29 tuổi, con của nạn nhân Thị Hân và em của Thị Cươi cùng đi trên chuyến thuyền) với đôi mắt thất thần, mặt buồn rười rượi như đang tự trách bản thân đã không cứu được chị và mẹ.
Thắt lòng cảnh con thơ đưa tang mẹ
Chiều muộn ngày 25/10 lần lượt 7 chiếc quan tài được đưa đi an táng. Trong 7 nạn nhân của vụ lật thuyền, có những bà mẹ trẻ ra đi để lại chồng và con thơ trong cơ cực, nghèo nàn. Lẫn trong dòng người đưa tiễn là hình ảnh 3 đứa trẻ: Thị Tâm (12 tuổi) Điểu Chung (10 tuổi) và Thị Tam (7 tuổi) con của nạn nhân Thị Cươi mặt khắc khổ, tóc xoăn, dính như muốn bện vào nhau ôm di ảnh mẹ lầm lũi bước.
Ngôi nhà bên cạnh khi chiếc quan tài của vợ chuẩn bị được đưa đi an táng thì người chồng vẫn ngồi xổm ngoài thềm, tay run run cầm chứng giấy chứng minh vợ nấc nghẹn không thành lời. Người mẹ già mặt nhăn nheo, đội khăn trên đầu ngồi ngoài thềm không dám nhìn theo dòng người đưa tiễn con mà quay mặt lại khóc thầm một mình.
Theo chính quyền địa phương, hầu hết kinh tế gia đình các nạn nhân đều khó khăn, thiếu thốn. Họ sống phụ thuộc vào việc đi làm thuê để kiếm sống. Nhiều chị em là lao động chính trong gia đình, các chị ra đi con cái đối mặt với nguy cơ bỏ học.
Người mẹ già không dám nhìn dòng người ưa tiễn con mà quay mặt lại khóc thầm một mình
Trước đó, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, bộ trưởng Bộ GTVT gửi lời chia buồn, động viên đến các gia đình nạn nhân. Đồng thời, phó thủ tướng, lãnh đạo Bộ đề nghị ngành chức năng Bình Phước khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân, tăng cường quản lý các bến sông, suối, các phương tiện giao thông đường thủy.