Sau buổi họp làng trở về, trưởng thôn Lê Toan (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, Kon Tum) bỗng dưng bỏ đi biệt tích vào rừng sâu. Nhiều ngày sau đó, vợ con ông gào khóc, nhờ cả làng cùng vào rừng tìm kiếm nhưng vô vọng.
Khi tất cả đã dần lãng quên chuyện năm cũ thì đột nhiên, một nhóm người đi rừng phát hiện và đưa ông Toan trở về. Nhưng sau đó vài ngày, ông lại âm thầm bỏ vào rừng. Đến giờ, vợ con, dân làng không một ai lý giải được chuyện gì đã xảy ra với người đàn ông kỳ lạ này.
Xuyên rừng tìm kiếm trưởng thôn “bỗng dưng mất tích”
Chuyện ông A Ép (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, Kon Tum) đột ngột bỏ nhà vào rừng xảy ra cách đây đã gần một năm. Nhưng khi già làng A É kể chuyện cho chúng tôi bên ánh lửa nhà rông bập bùng, những người làng ngồi xung quanh vẫn thể hiện rõ nét mặt hoang mang, kinh ngạc.
Hôm ấy, sau buổi họp làng, ông A Ép (khi ấy là trưởng làng Lê Toan) đã bỏ nhà vào rừng sâu biệt tích. Theo lời già làng A É thì sau buổi họp làng hôm ấy, mọi người đều tỏa đi lên rẫy làm việc. Riêng A Ép, lấy lý do mệt nên ở nhà với bọn trẻ. Khi mặt trời vừa lên đến đỉnh núi, lũ trẻ đã thấy ông A Ép mặc quần áo rồi đi thẳng một mạch vào khu rừng trong thung lũng Ngọc Linh. Lúc ra đi, ông A Ép còn quay lại chào tạm biệt ngôi làng.
Đến chiều tối, bà Y Noi (vợ ông A Ép - PV) đi làm về thì phát hiện sự việc. Nhưng nghĩ chồng chỉ đi uống rượu loanh quanh đâu đó, bà cũng không đi tìm. Hết buổi tối rồi cả ngày hôm sau không thấy A Ép trở về, bà mới bắt đầu thấy bồn chồn, lo lắng. Nằm vắt tay lên trán, bà chẳng thể nào chợp mắt được. Linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra với chồng, bà bật dậy, chạy đến đập cửa già làng, giọng hốt hoảng: “Ới già làng A É, chồng mình đi đâu giờ vẫn chưa thấy về! Già làng A É cho người đi tìm chồng mình với!”.
Nghe chuyện, già làng A É liền cho gọi đám thanh niên cường tráng nhất làng lại, người đốt đuốc lồ ô, người cầm nỏ, người mang mác đi tìm ông trưởng thôn, náo động cả một góc rừng. Nhưng thung lũng Ngọc Linh thì rộng mà người làng Lê Toan chỉ ít như những hạt lúa ngày giáp hạt, biết đâu mà tìm! Nhiều ngày ròng rã, đoàn người tỏa ra hết các hướng núi, lùng hết từng hốc cây, đạp từng khóm cây rừng, gian khổ còn hơn cả đi tìm củ ấu nhưng bóng trưởng thôn A Ép vẫn biền biệt.
Ngày thứ chín, gạo mang theo đã hết, đuốc lồ ô đã tàn, chân cũng đã mỏi, áo quần thì rách toét vì gai rừng, lũ thanh niên bước lả vì mệt lần lượt trở về làng, chấm dứt hành trình tìm kiếm trưởng thôn xuyên ngày đêm.
Người làng Lê Toan lúc đó đã thuận theo ý Yang (trời) và không tìm ông A Ép nữa. Nhiều người nói với bà Y Noi: “Chắc chồng bà đã ngã núi chết rồi. Chứ nếu còn sống thì ông đã trở về”. Khi ấy, không chỉ bà Y Noi mà cả người làng Lê Toan đều hoang mang, lo lắng.
Cuối cùng, già làng A É đã phải họp làng lại, nói rõ cái chuyện ông A Ép bỏ làng vào núi sâu để mọi người thôi không bàn tán. Ngồi dự cuộc họp đó, bà Y Noi và mấy đứa con nước mắt lưng tròng vì không biết phải tìm chồng, tìm cha ở nơi đâu giữa bốn bề rừng núi mênh mông này.
Ám ảnh ngôi nhà trên đỉnh núi
Giữa lúc bà Y Noi và người dân làng đã hết hy vọng, mọi người dần chấp nhận sự thật này thì bỗng dưng chuyện ông A Ép được tìm thấy khiến làng Lê Toan lại được một phen xôn xao.
Sau một thời gian trưởng thôn A Ép bỏ làng đi, người làng tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) đang đi bắt thú rừng bỗng thấy một người đàn ông trong bộ dạng lem luốc, đang nhai cành cây mục dưới đám cây lớn. Biết là người Xê Đăng, nhóm thợ săn đã truy đuổi và bắt lại được.
Khi dò hỏi, họ mới biết đó là trưởng thôn A Ép của làng Lê Toan ở Ngọc Linh mà dân làng đã tìm kiếm nhiều ngày nay. Điều lạ là từ làng Lê Toan tới đây xa tới vài chục cây số đường núi, cách xa một huyện vậy mà ông A Ép vẫn đi tới được, dù núi rừng nơi này đầy rẫy những loài thú nguy hiểm, đặc biệt là có “chăm mơ năm”, một loại đười ươi lớn ngự trị.
Thông tin người làng Măng Ri tìm thấy trưởng thôn A Ép nhanh chóng được báo về làng Lê Toan. Nhưng cũng phải mất 3 ngày đường, người làng Lê Toan mới tìm đến được Măng Ri để đưa người đàn ông bỏ nhà trở về.
Lúc ấy, bà Y Noi đang đi làm trên rẫy, nghe người làng chạy lên báo tin thì bật khóc, lật đật chạy về. Đêm đầu tiên ông A Ép trở về, cả làng Lê Toan thắp đuốc sáng rực. Làng không ngủ để nghe ông kể về hành trình một mình đi trong núi. Nghe chuyện nhiều người nghĩ ông bị điên, nhưng già làng A É thì chắc chắn ông trưởng thôn hoàn toàn bình thường: “A Ép không bị điên đâu. Nó vẫn tỉnh táo và kể về những ngày ở rừng của nó một cách rành rọt. Nó nói rằng nó đi giữa rừng cũng có người dẫn đi, có cái cơm để ăn và còn có cái nhà để ở. Nhưng nhà đâu giữa rừng núi thâm u như thế? Thật không thể hiểu nổi!”.
Sau đêm đó, già A É cho làm cái lễ cúng lớn ngay đầu làng. Người làng uống rượu, ăn thịt nướng hào hứng lắm, nhưng vẫn sợ một ngày nào đó trưởng thôn A Ép lại đi như trước. Trong lễ cúng ấy, ông A Ép uống rượu mặt đỏ phừng phừng rồi nói: “Trên đỉnh núi có một ngôi nhà và một con heo rừng đang đợi mình nên có thể vài ngày tới mình sẽ lên đó ở!”.
Người làng bất ngờ lắm. Mọi người đều cho rằng, ông A Ép vì say nên mới nói vậy. Ba ngày sau, ngày nào người làng cũng thấy ông trưởng thôn ngồi buồn, mặt hướng về trái núi xa kia. Rồi một buổi sáng thức dậy, bà Y Noi tỉnh dậy lại không thấy chồng đâu. Người Lê Toan bán tín bán nghi rằng “ông A Ép đã bị nhân hình “chăm mơ năm” lấy mất cái hồn rồi”.
Chính vì thế, không ai còn dám nhắc tới chuyện nhân hình “chăm mơ năm” nữa. Có người còn nói rằng, ông A Ép chẳng phải bị “ma núi” dẫn đi mà bị Yàng núi (thần núi – PV) phạt vì đã lấy hạt lúa cử trộn chung với hạt lúa gieo đầu mùa để nấu cơm ăn. Đây là điều cấm kỵ nhất đối với người Xê Đăng trên núi Ngọc Linh. Chiều hôm ấy trong làng Lê Toan mưa rừng ào ạt đổ về như trút nước. Những người đàn ông, trai tráng của làng lại ngồi trong nhà của già A É để bàn kế hoạch lội rừng đi tìm ông A Ép. Nhưng họ cũng lo lắng, chẳng biết khi tìm được rồi thì ông trưởng thôn có còn bỏ đi nữa hay không.
Chuyện ông trưởng thôn của làng Lê Toan nhiều lần bỏ đi rồi được tìm về nhưng lúc nào ông cũng mang nỗi ám ảnh về một căn nhà, một ngôi làng trên núi đang chờ đợi mình, khiến người dân nơi đây hoang mang lắm. Rõ ràng việc ông A Ép “bị con ma núi bắt mất linh hồn” chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thế mới thấy những ý nghĩ cổ hủ của người dân Xê Đăng ở vùng đất này vẫn còn nặng nề lắm.
>> Xem thêm clip: Mục sở thị giếng nước chứa đầy xăng ở Bình Phước (Nguồn: VTC14)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA