LTS: Mời quý độc giả bình luận nhiều chiều về "hiện tượng" Đinh La Thăng. Xin gõ vào ô Viết bình luận dưới cuối bài hoặc gửi ý kiến vào email btv@soha.vn. Những bình luận công phu, sắc sảo sẽ được đăng tải và trả nhuận bút. Trân trọng!
Từ “hiện tượng" Đinh La Thăng…
Một thời gian ngắn sau khi về Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng được báo giới gọi là “hiện tượng”, cũng có người gọi ông là “hot man” nghị trường. Bộ trưởng thể hiện tính quyết liệt, thẳng thừng, dám nói dám làm, không ngại đụng chạm, nhiều vướng mắc trì trệ được ông xử lý đâu vào đấy. Từ chuyện thẳng tay “trảm tướng” ngay tại công trường, đến việc cải cách ngành đường sắt, chuyện xử phạt xe chở quá tải trọng, đến việc xử phạt các nhà thầu chậm tiến độ hay những phát ngôn trứ danh với chủ đầu tư như: “Không có tiền thì giải tán”…
Bộ trưởng Thăng đi thị sát ở Thanh Hóa - Ảnh: Đất Việt
Nhưng Bộ trưởng Thăng cũng nhận được khá nhiều phản hồi ngược chiều cho rằng Bộ trưởng đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị cấp dưới: từ việc cấm cán bộ cấp dưới đi đánh Golf, đến việc giá cả của những tô mỳ ở sân bay, nay lại đến việc buộc VNA phải dừng hoạt động dịch vụ cho thuê buồng ngủ ở sân bay Nội Bài...
Báo điện tử Trí thức trẻ đã gặp các chuyên gia kinh tế, truyền thông có uy tín để giải mã "hiện tượng Đinh La Thăng".
Bộ trưởng có mặt tại hiện trường sập cầu Chu Va
Chuyên gia truyền thông Trần Chiến Bình - CEO Teamwork PR chia sẻ: “Thời gian đầu tôi và rất nhiều bạn bè nghi ngờ năng lực và những phát ngôn của Bộ trưởng Thăng vì nhiều khi nó quá mạnh mẽ so với bình thường. Tuy nhiên, đến nay nhìn vào những thay đổi tích cực của giao thông đô thị so với hai năm trước, nhìn vào cách những vấn đề nóng của ngành giao thông được giải quyết được phản ánh qua báo chí, chúng tôi đã thay đổi cách nhìn của mình”.
Chuyên gia truyền thông Trần Chiến Bình
Trong mắt ông , bằng những quyết sách và phát ngôn quyết liệt của mình, Bộ trưởng Thăng đã rất thành công trong việc xây dựng một hình ảnh một tư lệnh ngành "đầy năng lượng, dám nói, dám làm”.
“Đây là lần đầu tiên có một hình ảnh tích cực rõ nét đến như vậy của vị Bộ trưởng Giao thông trước công chúng” – chuyên gia Bình đưa ra quan điểm.
Dưới góc nhìn chuyên môn của một người làm nghề tư vấn chiến lược thương hiệu, ông Bình cho rằng thương hiệu “Bộ trưởng Thăng” được xây dựng dựa trên nền tảng ba “trụ cột” chính: Một là hành động và quyết định hướng đến lợi ích của công chúng, người dân. Hai là, kiên trì và cương quyết theo đuổi những thay đổi tích cực của ngành. Ba là lắng nghe phản hồi từ công chúng và cởi mở với truyền thông.
“Thương hiệu và cách làm thương hiệu hiệu quả của vị Bộ trưởng này ít nhiều đã trở thành một động lực tác động đến các vị lãnh đạo các ngành khác như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ” – ông Bình nhận định.
… Đến câu chuyện “Chính khách và thương hiệu”
Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng biên tập báo Gia Đình & Xã Hội, đồng thời cũng là giảng viên bộ môn PR- Quan hệ công chúng tại khoa Báo chí và Truyền thông – ĐH KH-XH-NV Hà Nội cũng có góc nhìn tương tự chuyên gia Trần Chiến Bình.
“Với con mắt của cử tri, tôi thấy ông Thăng có nhiều nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ của mình. Với tư cách là người làm truyền thông, tôi thấy ông Thăng áp dụng nhiều biện pháp truyền thông tốt, góp phần đem lại hiệu quả tích cực đối với hình ảnh của ông ấy. Tuy không phải biện pháp nào cũng thành công, nhưng cũng cần phải tiến hành thì mới biết được phản ứng thực sự của dư luận đối với biện pháp này hay biện pháp khác, để từ đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết”.
Trước luồng ý kiến: Có phải vì nhiều ‘biện pháp không thành công” đó đã tạo ra nhiều luồng ý kiến cho rằng Bộ trưởng Thăng đang sa đà vào những chi tiết quá vụt vặt để “sốt sắng làm đẹp hình ảnh”; thậm chí nhiều người quan ngại thay cho ông Đinh La Thăng vì đã xuất hiện với tần suất quá dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là một điều không có lợi cho con đường thăng tiến của ông?, chuyên gia truyền thông Trần Chiến Bình nhận xét: “Tôi không đồng tình với quan điểm của ai đó cho rằng Bộ trưởng Thăng “quá đà” trong việc xây dựng hình ảnh một người sốt sắng. Mà tôi cho là vị Bộ trưởng này làm khá tốt khi liên tục có mặt tại các điểm nóng dư luận. Điều duy nhất, tôi lo ngại là với một quỹ thời gian có hạn ông làm thế nào để điều phối phân bổ thời gian cho các vấn đề nóng khác trong ngành mà thôi”.
Nhà báo Vũ Mạnh Cường
Tiếp cận từ góc nhìn là một Giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng của khoa Báo chí & Truyền Thông, ông Vũ Mạnh Cường cũng cho rằng “không có một quy định cụ thể nào về việc các chính trị gia nên tính toán hành động để xuất hiện bao nhiêu lần trên báo thì là vừa phải.”
Cụ thể, với bất kỳ một bộ ngành nào, Bộ trưởng cũng cần xuất hiện trên truyền thông khi lĩnh vực của mình phụ trách xuất hiện vấn đề nóng mà dư luận muốn được nghe sự đánh giá/đưa ra giải pháp/bày tỏ thái độ... của ông ta đối với vấn đề đó. Bộ trưởng cần làm những việc đó với tinh thần tích cực và chân thành, chứ không phải diễn cho dư luận thấy rằng “à tôi rất kịp thời đây/tôi rất thông minh đây/tôi rất cảm thông”.
“Đối với Bộ trưởng Thăng, tôi thấy ông ấy luôn xuất hiện đúng lúc tại những điểm nóng của ngành và đa phần sự xuất hiện của ông đáp ứng được những nhu cầu đó của dư luận".
Đặt câu hỏi với ông Cường từ góc nhìn của một nhà báo có bề dày theo dõi mảng chính trị- xã hội: “ Sự thẳng thắn quyết liệt và thu hút sự chú ý của giới truyền thông một cách mạnh mẽ của Bộ trưởng Thăng có phải là khôn ngoan với con đường chính trị mà ông theo đuổi?”
Ông Vũ Mạnh Cường thẳng thắn: “Sự quyết liệt này khôn ngoan hay không thì có lẽ chỉ Bộ trưởng mới biết. Từ góc độ của một công dân, tôi chỉ cần biết là những vấn đề nóng của giao thông được ông xử lý tương đối hiệu quả. Một bộ trưởng cần đặt ra trách nhiệm lương tâm của mình rằng mình thực thi công việc là vì dân hay để được thăng tiến. Trả lời được câu hỏi đó thì bộ trưởng sẽ xác định được ngay những việc mình cần làm. Còn truyền thông bao giờ cũng là con dao hai lưỡi.”
Cụ thể hơn, theo nhà báo này, mỗi chính khách bao giờ cũng đã có sẵn một hình ảnh tự nhiên phản chiếu từ chính con người thật của họ. Việc”xây dựng hình ảnh” cần phải được hiểu là “hình ảnh mà họ cần phải có khi xuất hiện trước công chúng và trên truyền thông. Hình ảnh ấy phải phù hợp với con người thật của chính khách và tồn tại hài hòa một cách hữu cơ với những công việc mà người đó đảm trách. Nếu không thì mọi nỗ lực xây dựng hình ảnh đều không đem lại kết quả như mong muốn.
“Một chính khách mà mọi lời nói việc làm chỉ để tô vẽ làm thương hiệu cho bản thân thì rất dễ dẫn đến những sai sót hoặc bất cập. Khi đó, họ sẽ phải hứng chịu "hiệu ứng boomerang" (ném một vật đi, nó sẽ quay trở lại chính nơi xuất phát) không sớm thì muộn” – nhà báo Mạnh Cường nhấn mạnh.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA