“Xây cầu vượt mà phải phá bỏ cầu đi bộ là sự lãng phí”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Xây cầu vượt là cần thiết, đó là một trong những giải pháp để giải tỏa ùn tắc giao thông ở các ngã tư hiện nay. Tuy nhiên xây cầu vượt mà phải phá bỏ cầu đi bộ là một sự lãng phí”, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết.

Giải pháp chống ùn tắc giao thông

Ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã, (Đống Đa, Hà Nội) từ lâu là nút giao thông cực kỳ quan trọng tại Thủ đô vì là điểm giao cắt của 2 tuyến phố được xem là “xương sống”. Tuy nhiên tại ngã tư này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, đèn đỏ tại ngã tư này cũng được thiết kế với thời gian chờ đợi rất lâu, trong giờ cao điểm, xe hơi có thể phải mất vài chục phút mới qua được ngã tư này.

Dự án cầu vượt ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đang được triển khai. Đây được xem là giải pháp sẽ giảm tải ùn tắc giao thông tại đây trong những giờ cao điểm.

Dự án cầu vượt ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đang được triển khai. Đây được xem là giải pháp sẽ giảm tải ùn tắc giao thông tại đây trong những giờ cao điểm (Ảnh: Hoàng Dung).

Với kinh phí 360,5 tỉ đồng, dự án xây dựng cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã đã được triển khai từ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Theo kế hoạch, cầu vượt sẽ hoàn thành vào dịp giải phóng thủ đô 10/10.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì tiến độ sẽ phải đẩy nhanh để phấn đấu hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9, vì vậy hiện nay dự án này đang được nhà thầu tăng cường hoạt động hết công suất.

Việc sử dụng cầu vượt tại ngã tư được đánh giá là sẽ giải tỏa nút giao thông quan trọng và khiến tình hình ùn tắc trong Thủ đô được giải quyết đáng kể.

Bên cạnh dự án xây dựng cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã, trong quý I/2013, Hà Nội cũng sẽ thực hiện dự án đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 2km, rộng 53,5 – 57,5m. Công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2015.

Ngoài ra, hàng loạt dự án trọng điểm khác của thành phố cũng đang được đốc thúc chuẩn bị thực hiện, như đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, nút giao thông Ô Chợ Dừa (khởi công 2013, hoàn thành 2017), đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (khởi công 2015, hoàn thành 2018).

Quy hoạch thiếu tầm nhìn xa

Theo thiết kế, cầu vượt tại nút giao Daewoo sẽ được xây dựng theo hướng đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, dài khoảng 276m, rộng 17m, dành cho 4 làn xe, có dải phân cách ở giữa rộng 1m để bố trí kết cấu kiểu dáng kiến trúc.

Tuy nhiên, dự án này lại cũng đang khiến nhiều người lo ngại sẽ gây ra lãng phí do những bất cập gây ra khi thi công. Cụ thể: ngay đầu đường Nguyễn Chí Thanh vẫn đang tồn tại cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường. Cầu vượt đi bộ có tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng này cũng mới được xây dựng và đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn.

Theo thiết kế, cầu vượt tại nút giao Daewoo sẽ được xây dựng theo hướng đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, dài khoảng 276m, rộng 17m, dành cho 4 làn xe, có dải phân cách ở giữa rộng 1m.
Theo thiết kế, cầu vượt tại nút giao Daewoo sẽ được xây dựng theo hướng đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, dài khoảng 276m, rộng 17m, dành cho 4 làn xe, có dải phân cách ở giữa rộng 1m.

Trước đó, khi dự án xây dựng cầu vượt ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh sắp được triển khai cũng đã có ý kiến cho rằng nên tính toán kỹ hơn trong việc xây dựng cầu vượt theo hướng nào cho hợp lý bởi cả 2 đường Kim Mã và Nguyễn Chí Thanh đều được xem là những tuyến đường chính của Thủ đô với lưu lượng người tham gia giao thông khá đông.

Một số người cho rằng nếu triển khai xây dựng cầu vượt theo hướng đường Kim Mã (vượt qua đường Nguyễn Chí Thanh) thì sẽ không phải phá bỏ cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh, tránh được lãng phí.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng: “Xây dựng cầu vượt là cần thiết, đó là một trong những giải pháp để giải tỏa ùn tắc giao thông ở các ngã tư hiện nay. Tuy nhiên xây cầu vượt mà phải phá bỏ cầu đi bộ là một sự lãng phí”.

Theo KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên nhân sâu xa của sự bất cập và có thể dẫn đến việc phải phá bỏ cầu vượt dành cho người đi bộ nói trên là do đã thiếu tầm nhìn xa trong khâu quy hoạch tổng thể giao thông đô thị trước đó.

Cầu vượt đi bộ đầu đường Nguyễn Chí Thanh có tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng này cũng mới được xây dựng và đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn.
Cầu vượt đi bộ đầu đường Nguyễn Chí Thanh có tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng này cũng mới được xây dựng và đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn.

KTS Nguyễn Trực Luyện cho biết: “Khi quy hoạch giao thông đô thị tổng thể trước đó chúng ta đã không tính toán kỹ đến các phương án, cụ thể là việc phải xây dựng các cầu vượt sau này.

Nếu biết xây dựng cầu vượt giao thông ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh thì cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh trước đó có thể triển khai ở vị trí khác, tránh được bất cập như hiện nay”.

“Cầu vượt dành cho người đi bộ cũng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu, giờ nếu phá bỏ đi thì rất lãng phí. Còn nếu không phá bỏ thì tất nhiên sẽ gây cản trở khi thi công dự án cầu vượt ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh rồi.

Ngoài ra, theo tôi thì trước lúc triển khai dự án nếu nghiên cứu kỹ việc xây dựng cầu vượt theo hướng đường nào là hợp lý nhất thì có lẽ đã tránh được sự ‘dẫm chân dự án’ như hiện nay”, KTS Nguyễn Trực Luyện nói.

Hiện vẫn chưa biết số phận của cầu vượt này có bị “khai tử” hay tiếp tục tồn tại, nhưng rõ ràng sự ‘dẫm chân’ lên nhau giữa dự án cầu vượt ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh (đang triển khai) với cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh (đang sử dụng) là điều mà ai cũng có thể nhận ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại