Vùng đất lạ lùng ở Bắc Giang: "Điện làm gì ăn được"

Long Nguyễn - Như Hòa |

Một ngày trọn vẹn, sống chung với cái "3 không" của những người dân tận khổ ở Khuôn Thần đã khắc lại trong tâm khảm chúng tôi những cảm xúc khó diễn tả...

Bài 1: Một nơi mà ai cũng sợ bước chân đến ở Bắc Giang

Tách biệt với thế giới văn minh

Mặt trời khuất dần trên đỉnh núi phía Tây, những tia nắng hình rẻ quạt xiên chéo hắt lên nền trời xanh thẳm là lúc Khuôn Thuần rơi tõm vào bóng tối mênh mang, và cũng là cũng là lúc chúng tôi quyết định ở lại với bà con dân bản.

Con đường đất đưa chân chúng về nhà trưởng thôn Thương (thôn Khuôn Thần, xã Kiên Lao, Lục Ngạn, Bắc Giang) càng khó khăn gấp bội trong bóng đêm quánh đặc. Chiếc xe máy dính đầy bùn đất bò từng mét trước những con dốc dựng đứng.

Tiếng đất đá đập vào lốp xe, tiếng động cơ gầm rú vang ra xa rồi dội lại trong khoảng không gian tĩnh mịch. Xa xa, từng bụm sáng vàng vọt, leo lét hắt ra từ những ô cửa sổ dột nát, báo hiệu chặng đường về của chúng tôi không còn xa nữa.

Những ngôi nhà thiếu thốn và dột nát thế này xuất hiện khắp nơi ở Khuôn Thần.

Những ngôi nhà thiếu thốn và dột nát thế này xuất hiện khắp nơi ở Khuôn Thần.

Lúc này, vợ chồng anh Thương đang lúi húi bên bếp lửa, thấy chúng tôi đến, như chiếc xe đạp không phanh, anh hăm hở lao đến tay bắt mặt mừng.

“Sao các anh đi nhanh thế, mình tưởng phải tối muộn mới vào đến nơi vì đường đi hãi thế mà”, anh Thương vừa lau mồ hôi vừa thật thà nói với chúng tôi.

Vừa nói chuyện, anh vừa khó khăn thả chiếc thùng nhỏ được nối với dây thừng xuống cái giếng khơi sâu hoắm để cố vét từng giọt nước còn sót lại tiếp khách.

Anh Thương bảo, chiếc giếng khơi này là “từ đời ông nội còn, ông nội đào đến giờ”.

Váng nước nổi lên trong thùng nước đục ngàu, cố chắt lấy phần nước trong bên trên, anh Thương dùng tay hất lên mặt xoa vài cái để rửa qua bụi bặm.

Cách cái giếng chừng 2 mét là căn nhà ba gian tuềnh toàng được xây trên một mảnh đất bị khoét sâu vào núi. Đây là chốn mưu sinh bao năm qua của vợ chồng trưởng thôn Thương và bà nội anh.

Như thấy ái ngại khi chúng tôi về muộn nên không sắp xếp bữa cơm được tươm tất, anh chỉ về phía quả đồi trước mặt:

“Các anh về muộn quá, thực phẩm ở đây khó tìm lắm. Kể các anh về sớm hơn, tôi chủ động nhốt con gà thì có đồ ăn ngay. Thôi thì mình lên núi đuổi con gà xuống, bắt giết thịt với bảo vợ xuống chân núi kiếm cái rau về ăn”.

Chẳng mấy khi nhà có khách, anh Thương tiện đường rẽ sang nhà phó thôn Trần Văn Hỷ mời ông tới chung vui.

bữa cơm khách đầy khó khăn của gia đình trưởng thôn Thương

Bữa cơm khách đầy khó khăn của gia đình trưởng thôn Thương

Thế nhưng, công cuộc nấu nướng cũng không hề đơn giản ở vùng đất "3 không" này.

Chỉ vào chiếc can nhựa đã ngả màu vàng vì dùng lâu năm, anh Thương bảo: “Mình chạy xuống nhà chú dưới kia xin ít nước về dùng”, rồi tất tả ngược núi, xin nước về nấu nướng.

Cuối cùng bữa cơm khách ấm cúng cũng được diễn ra. Chúng tôi vừa ăn vừa cảm nhận được vị đắng của rau rừng, trong mùi khét khét của muội, tỏa ra từ ánh đèn dầu leo lét.

"Điện làm gì ăn được"

Ban đêm, Khuôn Thần như vây chính mình trong thế giới bóng tối và những âm thanh liên hồi của cóc, nhái. Thi thoảng có ánh đèn dầu lòng vòng trong đêm giống ma chơi đang trêu đùa khách qua đường.

Cầm hộp diêm méo xẹo, bà Hoàng Thị Hỷ - bà nội anh Thương – tay run run quẹt lửa châm vào chiếc đèn dầu cũ. Trong ánh đèn leo lét, phập phù trước gió, khuôn mặt nhăn nheo, già nua của bà hiện lên như chứng minh cho cuộc đời lam lũ, nghèo khổ.

Câu chuyện về điện, đường, trường, trạm giữa chúng tôi và hai đồng chí trưởng, phó thôn như kéo dài vô tận. Bất giác, chúng tôi quay lại hỏi bà Hỷ:

“Giờ bà có muốn điện lưới về ngay với thôn mình không?”. Nghếch tai về phía chúng tôi, cụ ngạc nhiên và trả lời “Điện làm gì ăn được”.

Học sinh khuôn thần từ khi sinh ra đến nay, đều phải học trong ánh đèn tù mù này

Học sinh Khuôn Thần từ khi sinh ra đến nay, đều phải học trong ánh đèn tù mù này

Trong mâm cơm chỉ có ánh đèn dầu thắp sáng, ai cũng nhường nhịn nhau từng miếng thức ăn, người này gắp cho người kia. Chị Lấm, vợ anh Thương, từ đầu đến cuối chẳng gắp miếng thức ăn nào.

Không phải chị e thẹn hay giữ ý như nhiều người con gái thành phố khi nhà có khách, mà có lẽ sống quá lâu trong bóng tối, trong cái khổ nên chị đã quen như thế rồi. Gương mặt chị đượm buồn.

Mặc dù đã đến tháng thứ 7 của thai kỳ, cần bồi bổ nhiều chất dinh dưỡng nhưng trong bữa cơm, chị Lấm chỉ chậm rãi gắp từng cọng rau muống và cúi đầu xuống nuốt.

Cái hình ảnh ấy cứ ám ảnh chúng tôi mãi, cho đến tận bây giờ.

Xong bữa cơm, hai anh Thương, Hỷ dẫn chúng tôi đến thăm từng nhà trong thôn. Màn đêm đen đặc khiến đoạn đường chúng tôi di chuyển thêm lâu và khó khăn hơn.

Ở Khuôn Thần có một điều đặc biệt, đã vào đến Khuôn Thần, điện thoại xịn đến mấy cũng chỉ như chiếc đèn pin chiếu sáng. Ở đây không có sóng điện thoại, khiến việc liên lạc ra bên ngoài càng khó khăn.

Khuôn Thần vốn đã bị cách biệt, lại càng như rơi tõm giữa bịt bùng tăm tối.

Sóng điện thoại không hề tồn tại ở Khuôn Thần

Sóng điện thoại không hề tồn tại ở Khuôn Thần

Đã thế, khi nghe bà con còn kháo nhau, mai con nhà nọ, con nhà kia thay ca chèo thuyền chở học sinh qua hồ đi học, chúng tôi rất háo hức nhưng cũng chạnh lòng đau xót.

Các học sinh còn rất nhỏ, nhưng vì đường xá xa xôi đã lựa chọn cho mình cách chèo đò để đi học, không hề có phương tiện bảo hộ nào được trang bị.

Các em học sinh ở Khuôn Thần phải luân phiên chèo thuyền qua dòng sông rộng lớn để đi học

Các em học sinh ở Khuôn Thần phải luân phiên chèo thuyền qua dòng sông rộng lớn để đi học

Trên đoạn đường trở lại nhà trưởng thôn, anh Thương tâm sự rằng, do cuộc sống quá khó khăn nên nhiều người dân ở Khuôn Thần đã làm đơn kiến nghị lên các cơ quan cấp trên để xin... điện, nhưng tất cả những gì nhận được chỉ toàn là những lời hẹn hứa.

Xa xa, tiếng một đứa trẻ đang dạy em đọc chữ ê a bên chiếc đèn dầu cứ văng vẳng bên tai. Chúng tôi nhìn nhau và thở dài, trong đầu đều chung một suy nghĩ: Khuôn Thần bao giờ mới có điện?

Đem những thắc mắc này tới lãnh đạo UBND xã Kiên Lao, ông Phó Chủ tịch xã Ninh Hồng Dự cho biết:

“Cái vấn đề chính ở đây là kinh tế. Không phải chúng tôi thất hứa với bà con Khuôn Thần mà chúng tôi còn phải chờ sự hỗ trợ từ các cơ quan cấp trên.

Kiên Lao có 10 thôn, Khuôn Thần là thôn còn lại duy nhất không có điện khiến chúng tôi rất đau đầu. Trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, bà con đã chất vấn hỏi tại sao hứa mãi mà chưa làm đường điện cho chúng tôi.

Cái này chúng tôi không thể tự quyết định được vì vốn xây dựng quá lớn, bản thân nội lực của xã không đủ để thực hiện nên phải chờ vào cấp trên.

Chúng tôi trả lời bà con đều theo những văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, huyện”.

>>Hàng trăm con rắn đu mình trên cây tại "vương quốc" độc xà
>> Thanh sắt rơi suýt đè người: Thu dọn hiện trường trong 30 phút

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại