Hiện đang có sự khúc mắc giữa đơn vị bảo hiểm và chủ tàu (?), trong khi cơ quan điều tra được khẳng định là sẽ vào cuộc xác minh nguyên nhân vì sao thủy thủ lại bỏ tàu?
Ngày 5.2, liên quan đến việc con tàu Hải Đông 27 (thuộc Cty TNHH Hải Đông - có trụ sở tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) bị trôi dạt tự do giữa vịnh Bắc Bộ, được các ngư dân lai kéo về khu vực xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kiên Cường - Trưởng phòng Hàng hải, Cty bảo hiểm quân đội chi nhánh Hải Phòng (MIC Hải Phòng) - đơn vị ký hợp đồng bảo hiểm thân tàu với Cty TNHH Hải Đông.
Số phận con tàu Hải Đông 27 chưa được định đoạt.
Ông Cường cho biết: Tàu Hải Đông 27 có trọng tải 3.071,5 tấn, được đóng mới năm 2009. Cty TNHH Hải Đông đã ký hợp đồng bảo hiểm thân tàu với MIC Hải Phòng trị giá 35 tỉ đồng, hợp đồng đã được thực hiện tái tục ở năm thứ hai.
Tuy nhiên, sau khi tàu Hải Đông 27 xảy ra sự cố, thủy thủ đoàn bỏ tàu khiến tàu trôi dạt tự do trên biển, giữa Cty Hải Đông và phía bảo hiểm quân đội đã xảy ra khúc mắc.
Nguyên nhân là do phía Cty Hải Đông còn thiếu tiền bảo hiểm của phía MIC Hải Phòng số tiền 18 triệu đồng (Cty Hải Đông đã nộp 30 triệu đồng).
Ngày 18.1, Cty Hải Đông có công văn gửi MIC Hải Phòng đề nghị xin gia hạn thời gian trả nợ đến 22.1. Phía MIC Hải Phòng cũng đã có công văn gửi TCty Bảo hiểm Quân đội (MIC) đề nghị gia hạn cho Cty Hải Đông.
Tuy nhiên, do hai ngày sau đó là ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nên TCty chưa kịp quyết định có gia hạn hay không, thì tối chủ nhật - ngày 20.1, tàu xảy ra sự cố. Vì vậy, đến nay MIC vẫn chưa ra quyết định có đồng ý gia hạn trả nợ hay không.
Theo ông Cường, sau khi có kết quả giám định sự cố, nếu giữa chủ tàu và bảo hiểm không tự thỏa thuận được với nhau mức bồi thường, vụ việc sẽ được đưa ra tòa phán xét.
Ông Cường cũng cho biết, phía MIC Hải Phòng đã cử giám định viên vào Thanh Hóa, phối hợp với chủ tàu để xác định sự cố, đồng thời thuê giám định độc lập (Cty CP thẩm định giá VN) để giám định. Còn về việc có bồi thường hay không, phải đợi kết quả giám định.
Tuy nhiên, vướng mắc nhất là hiện tại chủ tàu (Cty Hải Đông) đang khó khăn về tài chính, không có tiền trả cho ngư dân nên không thể kéo tàu vào bờ để giám định được.
Tàu Hải Đông 27 bị bỏ hoang tại vùng biển Thanh Hoá.
Còn ông Trần Khoa Bình - Giám đốc Cty bảo hiểm Hải Phòng (Bảo Việt Hải Phòng), đơn vị bảo hiểm hàng hóa trên tàu Hải Đông 27 - cho biết: Theo đó, phía Bảo Việt Hải Phòng ký hợp đồng bảo hiểm với 2 đơn vị, tổng số lượng là 1.100 tấn/2.200 tấn dầu cọ khô (cám cọ) trên tàu Hải Đông - trị giá khoảng 4 tỉ đồng.
Sau khi tàu xảy ra sự cố, Bảo Việt Hải Phòng đã cử giám định viên đến khu vực tàu neo đậu để kiểm tra.
Tuy nhiên, những hình ảnh báo về cho thấy, phía hầm hàng đã bị nước tràn vào. Như vậy, lô hàng trên tàu hầu như đã bị hỏng.
Do tàu đang neo đậu ở khu vực nguy hiểm nên chưa thể mở nắp hầm hàng để kiểm tra hàng hóa được; tuy nhiên - theo Bảo Việt Hải Phòng, sau các cuộc họp với cơ quan chức năng, bảo hiểm… phía chủ tàu đã không đưa ra được phương án giải quyết cụ thể.
Bảo Việt Hải Phòng đã tư vấn cho khách hàng, sẵn sàng phương án bồi thường thiệt hại cho chủ hàng rồi sẽ có dự kháng, yêu cầu chủ tàu phải bồi thường thiệt hại.
Theo ông Bình, cần phải có một cuộc họp thống nhất cách giải quyết để đưa con tàu vào nơi an toàn. Còn thông tin về việc cho tàu chìm để trục lợi bảo hiểm cũng chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, ông Bình lý giải, con tàu có giá trị lớn (mấy chục tỉ) nên chủ tàu không dại gì mà bỏ tàu. Hơn nữa, muốn nhận tiền bồi thường từ phía bảo hiểm sẽ phải giám định nguyên nhân vụ việc một cách chặt chẽ, trong khi tàu chưa đến mức nguy kịch mà thủy thủ đoàn đã tự bỏ tàu.
Được biết, ngoài Bảo Việt Hải Phòng ký hợp đồng bảo hiểm hàng hóa với 2 khách hàng còn có 3 chủ hàng khác, tổng số là 2.200 tấn dầu cọ được tàu Hải Đông 27 chở từ Indonesia về đến Vũng Tàu, đang trên đường ra Hải Phòng thì gặp sự cố.
Ông Phạm Viết Thuật - PGĐ Cty TNHH Hải Đông - cho biết: Cty Hải Đông đã vay 70% trong tổng số 38 tỉ đồng để mua con tàu Hải Đông 27 từ Ngân hàng Quốc tế (chi nhánh Hoàn Kiếm). Còn hiện tại, tàu đang được BCH Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tạm trông nom.
Trước mắt, Cty mới chỉ có phương án bơm nước để tàu nổi, đợi qua tết tính tiếp, vì hiện tại Cty chẳng có tiền để làm gì nữa. Theo ông Thuật, các Cty bảo hiểm cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ sau, trong khi ngư dân đòi tiền lai dắt cao nên Cty đang bế tắc.
Ông Trần Văn Độ - Giám đốc Trung tâm TKCN hàng hải khu vực I - cho biết: Sự việc xảy ra với tàu Hải Đông 27 là sự kiện hy hữu, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam vì thủy đoàn bỏ tàu nhưng tàu lại không hề chìm.
“Phía cơ quan điều tra sẽ phải xác minh xem tại sao thủy thủ đoàn lại bỏ tàu, liệu có uẩn khúc gì ở đây chăng?” - ông Độ nói.
Tổng Cty cổ phần Bảo Minh hứa sẽ phản hồi
Liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu của tàu Hải Đông 27 trôi dạt trên biển thuộc khu vực Thanh Hóa, hợp đồng bảo hiểm với Cty Bảo Minh – Bến Thành thuộc TCty cổ phần Bảo Minh, chiều 5.2, PV Lao Động đã tìm đến trụ sở TCty cổ phần Bảo Minh để tìm hiểu sự việc.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ với Ban bồi thường của TCty thì được phản hồi Ban bồi thường không có chức năng phát ngôn.
Tiếp đó, PV liên hệ để gặp tổng tiám đốc tìm hiểu sự việc thì được thư ký thông báo: “Tổng giám đốc bận họp để chuẩn bị tổng kết năm nên không thể tiếp”, và hứa sẽ có thông tin phản hồi sau. Trần Phan