Chủ tàu và ngư dân thương lượng
Anh Trình cho biết cuộc thương lượng diễn ra tại hội trường Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Trường dưới sự chủ trì của lực lượng biên phòng.
“Chúng tôi cử đại diện đến làm việc và đề nghị công ty chủ quản tàu Hải Đông 27 chi trả một số khoản kinh phí như dầu máy, công lao động và một số chi phí phát sinh khác.
Tuy nhiên, họ cũng chưa thống nhất phương án hỗ trợ mà chúng tôi đưa ra. Có vẻ họ không mặn mà lắm với việc giải cứu con tàu này”, anh Trình cho biết.
Theo tính toán của ngư dân, suốt hành trình lai dắt con tàu từ Quảng Bình về Thanh Hóa có quãng đường dài gần 140 hải lý, 17 con tàu (công suất từ 200 đến 450 mã lực) đã tiêu tốn khoảng hơn 40 tấn dầu, tương đương hơn 40 nghìn lít.
Ngoài ra, đại diện các chủ tàu cho biết, thông thường mỗi chuyến ra khơi (kênh đi biển) của họ kéo dài từ 7 đến 9 ngày nhưng đợt này mới đánh cá được bốn ngày thì họ gặp con tàu hoang nên bỏ việc để tổ chức lai dắt về quê.
Do đó, phía công ty Hải Đông cũng phải trả tiền bù lỗ số công lao động còn lại cho hơn 190 lao động làm việc trên 17 con tàu này.
Anh Lê Phạm Đức, một chủ tàu khác cho biết thêm, hầu hết các con tàu lai dắt tàu Hải Đông 27 vào bờ đều đang tham gia đánh cá: “Thấy tàu bỏ hoang, anh em không nỡ bỏ phí khối tài sản lớn nên đã bàn nhau cố gắng lai dắt vào bờ. Các chủ tàu đều phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để mua dầu thực hiện lai dắt con tàu này vào bờ”.
“Vì quãng đường rất xa, lai dắt tàu nặng, các tàu đều phải bỏ dở chừng chuyến đi đánh bắt của mình để lai dắt tàu. Do đó, chúng tôi hy vọng phía công ty Hải Đông tính toán hỗ trợ lại kinh phí hợp lý cho số anh em đã có công lai dắt con tàu này vào bờ”, anh Đức cho biết thêm.
Cũng theo anh Đức, bình quân mỗi tàu chi phí khoảng hơn 100 triệu để kéo tàu Hải Đông 27 về Thanh Hóa.
Chủ tàu bỏ hoang trên biển nói… “công ty sắp phá sản”
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Phạm Viết Thuật, Phó Giám đốc công ty TNHH Hải Đông – đơn vị chủ quản của tàu Hải Đông 27 cho biết, buổi làm việc ngày 29/1, công ty mới chỉ tạm ghi nhận thông số kỹ thuật của 17 con tàu lai dắt cũng như ghi nhận ý kiến của ngư dân.
Ông Thuật cho biết: “Ngư dân họ không đòi tiền mà đòi chúng tôi trả dầu thôi. Theo cách tính của ngư dân thì số dầu chúng tôi phải trả lên đến khoảng 40 đến 50 nghìn lít dầu. Trước mắt, chúng tôi sẽ tính toán số liệu thực tế, sau đó mới lên phương án đền bù cho họ.
Buổi họp hôm qua rất ngắn gọn, chưa tính toán chi tiết được vì mới đến phần đó đã cãi nhau rồi nên tạm nghỉ, những ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thương thuyết với ngư dân”, ông Thuật cho biết thêm.
Ông Thuật cho biết, tàu Hải Đông 27 có thiết kế chiều dài hơn 79 mét, công suất 1.500 mã lực, trọng tải trên 3 nghìn tấn… được hạ thủy vào cuối năm 2008. Trị giá con tàu lúc hạ thủy là gần 38 tỷ đồng. Sau 4 năm hoạt động, trừ khấu hao, còn tàu này vẫn có giá trên 20 tỷ đồng.
Cũng theo đại diện Công ty Hải Đông, ngày 20/1 vừa qua, con tàu đang trên đường chở 2.200 tấn khô dầu cọ (phụ gia dùng để chế biến thức ăn gia súc) từ Indonesia về Hải Phòng thì bị thủng đáy, khiến nước tràn vào buồng máy, gây chìm tàu.
“Dù rất muốn giải cứu con tàu, tuy nhiên, hiện nay công ty đang rất khó khăn về tài chính, sắp phá sản nên kinh phí để thực hiện các công việc chi trả đền bù là rất khó khăn”, ông Thuật cho biết.
Người dân đổ xô “hôi của” trên “con tàu ma”
Anh Lê Văn Trình – thuyền trưởng của ngư dân tham gia lai dắt tàu Hải Đông 27 cho biết, những ngày vừa qua, sau khi được đưa về neo đậu tại khu vực Hòn Sụp (Hoằng Hóa), một số người dân quanh vùng đã cho tàu bè ra “hôi của”.
“Mấy ngày nay, nước biển xuống nên tàu nổi lên rất nhiều. Lợi dụng tình hình đó, một số người xấu đã ra đập phá, lấy đi nhiều thiết bị bên trong các khoang”, anh Trình nói.
Cũng theo anh Trình, hiện chính đã làm biên bản bàn giao và đề nghị bộ đội biên phòng tăng cường lực lượng để bảo đảm con tàu được nguyên vẹn trước khi bàn giao cho chủ tàu.