Vụ mua giùm đất Đà Nẵng: Có thể điều tra nếu nguồn tiền bất minh

ÁI NHÂN thực hiện |

Xung quanh vụ việc ông Lý Phước Cang đứng tên mua giùm đất ven biển Đà Nẵng, tiến sĩ Đỗ Văn Đại - trưởng khoa Luật dân sự Đại học Luật TP.HCM - cho biết:

Tại Việt Nam, theo luật về đất đai thì cá nhân, tổ chức không bị hạn chế về quyền chuyển nhượng, sử dụng đất được phép chuyển nhượng, sử dụng.

Như thế cá nhân, tổ chức có thể chuyển nhượng, sở hữu nhiều đất đai cả về diện tích và số lượng. Các nước như Anh, Mỹ, Pháp... họ không giới hạn người nước ngoài mua, sở hữu đất đai, nhà cửa trên lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay không cho phép người nước ngoài mua đất tại Việt Nam. Vì thế, có tình trạng người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên mua đất.

* Nếu nghi ngờ, có dấu hiệu bất minh nguồn gốc tiền của người đứng tên mua giúp đất thì xử lý thế nào?

- Ở các nước quản lý tài chính tốt, họ hạn chế các giao dịch tiền mặt. Vì thế các giao dịch, mua bán, chi trả lớn... của cá nhân, tổ chức đều thông qua hệ thống ngân hàng.

Trường hợp các giao dịch mà nguồn tiền không rõ, không qua hệ thống quản lý của ngân hàng sẽ bị nhà nước xử lý đến trách nhiệm hình sự tương ứng vi phạm.

Khi quản lý tài chính chặt chẽ như thế họ hạn chế được rất nhiều trường hợp nguồn tiền bất minh trong các giao dịch.

Tại Việt Nam, thói quen thanh toán tiền mặt sẽ khiến rất khó quản lý nhà nước về tài chính nói chung và nguồn tiền bất minh nói riêng.

Nếu phát hiện có dấu hiệu về sự bất minh trong nguồn tiền giao dịch thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền hoàn toàn có thể xác minh điều tra.

Tiến sĩ Đỗ Văn Đại
Tiến sĩ Đỗ Văn Đại

* Trường hợp cá nhân, tổ chức đứng tên mua giúp đất cho người khác (có thể là người nước ngoài) thì giao dịch đó có hợp pháp?

- Tùy trường hợp mà giao dịch đó hợp pháp hoặc bị vô hiệu theo quy định tại điều 127 Bộ luật dân sự 2005.

Giao dịch dân sự vô hiệu có hai trường hợp: giao dịch đương nhiên vô hiệu và giao dịch dân sự vô hiệu theo đề nghị của người có quyền, lợi ích liên quan.

Nếu cá nhân, tổ chức đứng tên mua giúp đất cho người khác (hoặc người nước ngoài) thì họ sử dụng giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác.

Chẳng hạn như người Việt (A) mua bán đất với một người Việt (B) để hợp thức cho một giao dịch thật sự là người nước ngoài (C) mua thì giao dịch giả tạo giữa A và B đương nhiên vô hiệu và giao dịch giữa C và A hoặc B cũng đều đương nhiên vô hiệu.

* Khi bị tuyên vô hiệu thì xử lý tài sản (đất) như thế nào?

- Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được giải quyết theo điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005, theo đó hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Như thế, các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Với giao dịch mua bán đất bị tuyên vô hiệu thì bên mua trả lại đất, bên bán trả lại tiền đã nhận.

Trốn thuế

Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết có tình trạng người có nhiều bất động sản nhưng để cho người khác đứng tên như ông, bà, cha, mẹ, người thân... để tránh thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện hành là 2% trên giá mua bán.

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý hành chính cho đến hình sự tùy theo tính chất, mức độ nên cũng hạn chế được các trường hợp lách luật trốn thuế như trên.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại