Trao đổi với PV, anh Trần Tiến Sĩ (sinh năm 1992), trú tại thị trấn Cẩm Thủy (Cẩm Thủy Thanh Hóa) – hiện đang là công nhân Xí nghiệp may 8 (thuộc Tổng Công ty may Hồ Gươm), một trong số hơn 20 người đã bỏ cơm và tham gia đình công vào ngày 3/6 khẳng định:
“Vụ nhà bếp của Xí nghiệp may 8 nấu cơm bị sống trong bữa trưa dành cho công nhân ngày 3/6 là có thật. Tôi là người đầu tiên vào nhà ăn và phát hiện cơm sống nên đã báo lại cho nhà bếp”.
Anh Sĩ cho biết: “Sau khi phát hiện cơm bị sống và báo lại cho nhà bếp, tôi đã trả lại cơm và ra ngoài. Thấy tôi trả lại cơm, một số anh em công nhân khác cũng đứng dậy sau khi phát hiện cơm của mình bị sống.
Lúc tôi ra ngoài thì có khoảng hơn 20 anh em khác cũng đứng dậy đi ra. Nhà tôi ở ngay thị trấn, gần với công ty nên tôi đã về nhà ăn cơm, còn một số người khác thì do nhà ở xa nên đã ăn trưa ở quán cơm bên ngoài”.
Anh Sĩ cũng xác nhận: “Trong bữa ăn trưa hôm đó có cả bà Tổng giám đốc Ninh Thị Ty và một số thành viên lãnh đạo công ty mới từ Hà Nội vào ngồi cùng nhà ăn với chúng tôi. Còn bà Ty và các lãnh đạo công ty có ăn cơm cùng không thì quả thực tôi cũng không để ý.
Khi phát hiện cơm bị sống, một số công nhân cũng đã phản ánh trực tiếp với bà Ty. Bà Ty có bảo đại ý rằng do Xí nghiệp may 8 mới thay đầu bếp mới nên chắc nấu nướng chưa quen khiến cơm bị sống. Mọi người ăn tạm đi, tôi từ Hà Nội vào đây mà còn ngồi ăn được nữa cơ mà...
Lúc này phía dưới có công nhân bảo: “Bà ấy nói thế khác gì bảo bà ấy là người Hà Nội quen ăn ngon mà còn ăn được, còn mình dân quê ăn thế nào mà chả được”. Thế rồi lời qua tiếng lại, một số người đứng dậy, không ăn cơm nữa.
Khi ra đến cửa, số công nhân này nói với các công nhân khác đang rửa tay: “Thôi, ra ngoài ăn, cơm sống ăn làm gì”.
Sau đó thì tôi về nhà ăn cơm, chiều đi làm thì thấy những công nhân bỏ cơm lúc trưa bảo nghỉ việc, không làm nữa vì bị Tổng giám đốc xúc phạm trong bữa trưa”.
Ngoài ra, theo anh Sĩ, khi anh đến công ty thì có khoảng hai chục công nhân đứng ngoài cổng mà không vào làm, khi hỏi thì được biết nguyên nhân là do Tổng giám đốc đã có lời lẽ “miệt thị” trong bữa ăn trưa đại ý như: đồ nhà quê, công nhân mà cũng đòi ăn ngon,…
Tuy nhiên, khi hỏi là bà Ty nói khi nào thì những công nhân này cũng chỉ cho biết là nghe người khác… nói lại. Thấy thế anh cũng không vào xưởng mà đứng cùng mọi người ở ngoài để xem.
“Tôi nghĩ trong vụ việc trên đã có sự hiểu lầm, câu nói trên chẳng có gì, chỉ vì mọi người nói đi nói lại với nhau thành ra thêm bớt đi nhiều. Bữa trưa hôm đó tôi có mặt ở nhà ăn. Tôi cũng là người đã cùng nhóm hơn 20 người bỏ ăn trưa để đi ra ngoài.
Bà Ty không nói câu “đồ nhà quê” mà do một số anh em vì đi làm về mệt, lại đang bức xúc vì bữa trưa cơm bị sống, nhân câu nói của bà Ty mà tự… diễn ra thôi. Tôi là người chứng kiến vụ việc”, anh Sĩ nói.
Về thông tin công nhân bỏ việc, đình công, anh Sĩ cho biết: “Thực ra thì việc đình công cũng chỉ có khoảng hơn 20 người, là những người mà lúc trưa đã bỏ bữa trưa để đi ra ăn ở ngoài cùng với tôi, còn lại các công nhân khác vẫn đi làm bình thường.
Tuy nhiên, vì thấy có hơn 20 công nhân không vào xưởng làm mà tụ tập ngoài cổng nên sau đó Ban giám đốc đã xuống xưởng và thông báo cho mọi người buổi chiều hôm đó nghỉ để giải quyết vụ việc của hơn 20 công nhân kia”.
Cũng theo anh Sĩ, ngày 4/6, Công ty cũng thông báo cho công nhân tiếp tục nghỉ để tổ chức họp với UBND xã Cẩm Tú, công nhân đình công để giải quyết vụ việc công nhân đình công từ chiều hôm trước.
Đến sáng ngày 5/6 thì tất cả công nhân đều đã đi làm lại bình thường, trong đó có cả những công nhân đã đình công chiều ngày 3/6.
“Vụ việc không có gì phức tạp, chỉ là do hiểu nhầm thôi. Từ câu nói ban đầu, nhiều người nói đi nói lại với nhau thành ra sự việc trở nên rối. Báo chí sau đấy có đưa tin nhưng cũng không chính xác lắm. Đến nay thì chúng tôi đều đã đi làm bình thường, mọi việc đã trở lại như cũ rồi”, anh Sĩ khẳng định.