Mỗi khi hai mẹ con ôm nhau thủ thỉ, Hùng lại hỏi mẹ hồn nhiên: “Mẹ ơi, Tết này bố có về với mẹ con mình không?”. Lời nói ngây thơ của con trẻ khiến lòng người mẹ quay quắt nỗi thương con, nhớ chồng.
Ký ức về người chồng hết lòng thương yêu vợ con
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (vợ chiến sĩ Hoàng Anh) cho biết hơn 7 năm trước, duyên phận sắp đặt cho chị và anh quen nhau.
Sau nửa năm yêu đương hò hẹn, hai người chính thức nên duyên vợ chồng bằng một đám cưới đơn giản. Tuy thời gian tìm hiểu không dài nhưng tình yêu họ dành cho nhau vô cùng sâu sắc:
“Sau đám cưới 10 ngày anh hết phép, tôi cứ nằng nặc khăn gói theo anh lên Hà Nội. Nếu không vì sức khỏe yếu khi mang thai bé Hùng, chắc chẳng bao giờ tôi muốn rời xa anh”.
Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Nhớ lại quãng thời gian đó, chị Ngọc cho biết: “Thời gian tôi ở dưới quê, biết vợ sẽ buồn và tủi thân nhiều lắm nên cứ có thời gian rảnh là anh lại về thăm. Không thì ngày nào anh cũng gọi điện, mỗi ngày 4-5 cuộc để tâm sự động viên.”
Ngày chị sinh bé Hùng, anh là người chờ đợi và vui mừng nhất. Nhưng thật không may, vừa ra đời đứa con đầu tiên của anh chị đã mắc một chứng bệnh bẩm sinh về đường tiết niệu.
Giấu đi sự buồn bã của mình, một lần nữa anh lại an ủi động viên vợ vượt qua.
Xa vợ con tiếp tục lên đơn vị công tác nhưng nỗi lòng người cha ấy vẫn đau đáu nghĩ đến gia đình. Từng đồng lương anh đều giành giụm để lo cho con phẫu thuật.
Cứ nghĩ đến chồng, nước mắt người vợ trẻ ấy lại chực rơi: “Anh ấy sống tình cảm lắm. Xa vợ con lại bận công tác nhưng sinh nhật bé Hùng chưa một lần anh ấy quên, năm nào cũng gọi điện trước để hỏi con mình thích quà gì.
Nếu không về được dịp đó, anh sẽ đưa tiền cho tôi dặn dò chu đáo để tổ chức sinh nhật cho con. Trước lúc lấy anh, nhiều người khuyên tôi không nên vì lấy chồng bộ đội sẽ khổ.
Nhưng thực sự có người chồng như anh, tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn, chỉ tiếc là…”.
Giây phút bàng hoàng nhận tin dữ
Gần 5 tháng đã trôi qua kể từ ngày tin anh gặp nạn được báo về, nhưng với chị giây phút ấy chỉ như vừa mới xảy ra. Giọng chị lạc đi trong nước mắt:
“Đó là ngày thứ hai anh Hoàng Anh nhảy dù”. Ngày thứ nhất chị đã yên tâm vì xong việc anh đều gọi điện thông báo cho chị, nhưng không hiểu sao buổi thứ hai cả chị và anh đều không liên lạc với nhau.
Vừa ăn cơm xong, chị nhận được điện thoại của chú ruột, nhà ở gần đơn vị anh công tác hỏi “cháu đã biết chuyện gì chưa?”. “Nghe giọng chú run run lúc ấy, tôi đã òa khóc bởi một linh cảm chẳng lành.”
Tin anh gặp nạn báo về, ngay lập tức chị bắt xe lên Hà Nội thăm anh. Chị nhớ lại: “Vừa tới viện nơi chồng đang nằm cấp cứu, tôi còn chẳng biết mình nghĩ gì.
Thấy người mặc quân phục liền cuống cuồng lao ngay lại khóc lóc van xin “chồng em đâu, cho em được gặp chồng? Nhưng khi ấy anh đang ở trong phòng cấp cứu nên người thân chưa được gặp.
Cả đêm thức trắng lại chứng kiến sự ra đi lần lượt đồng đội của chồng, tâm trạng tôi khủng hoảng tột độ, chỉ còn biết nhìn ánh đèn phòng cấp cứu và chắp tay cầu nguyện cho chồng tôi và tất cả đồng đội của anh”.
Hai tháng chăm anh nằm viện, thời gian với chị cứ dài đằng đẵng. Bao lần hy vọng rồi lại thất vọng khiến sức lực chị vơi kiệt từng ngày.
Chị kể: “Có lần tôi cho bé Hùng lên thăm bố, đứng bên ngoài nhìn vào thấy bố bị mất một chân, bé ngây thơ hỏi “chân bố con đâu rồi mẹ? Để con lắp vào cho bố đi”, khiến chị và những người xung quanh không cầm được nước mắt.
Anh nằm đấy nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm anh giành cho mình. Bởi mỗi lần tôi vào tận giường thăm anh, dù không thể mở mắt nhưng chân tay anh lại cố gắng động đậy”, nghĩ đến đấy thôi, chị lại bật khóc.
Người ta bảo với chị “bị bỏng mà qua được ngày 21 thì coi như sống”, khiến chị thêm hy vọng và cầu nguyện từng ngày.
Chị mong anh sống để về với hai mẹ con: “Dù là không lành lặn cũng còn có tiếng nói trong nhà, để con nó còn được nghe giọng bố. Vậy mà trong lúc cả nước đón mừng ngày Quốc Khánh thì anh lại vĩnh viễn rời bỏ mẹ con tôi.”
Quặn lòng lời con thơ và những dự định còn dang dở
Chị Ngọc kể lần cuối cùng anh về nhà, trước khi lên đơn vị hai vợ chồng đã bàn bạc với nhau là lần sau anh Hoàng Anh về sẽ đưa con lên viện khám bệnh lại.
“Hôm trước ngày anh gặp nạn, hai bố con cũng đã gọi điện cho nhau để bàn về sinh nhật bé Hùng.
Lẽ ra sau đợt huấn luyện nhảy dù này, anh sẽ mang quà và mua bánh sinh nhật về cho con vào dịp sinh nhật ngày 12/7, nhưng ngờ đâu cái ngày ấy chẳng bao giờ đến.”
Để rồi ngày nào cậu bé Hùng cũng hỏi mẹ: “Mẹ ơi bao giờ sinh nhật con? Bao giờ bố mới mang quà về?”.
Thỉnh thoảng đang chơi bỗng nhiên Hùng trầm lại: “Lâu lắm không gặp bố rồi, buồn mẹ nhỉ? Bố mất rồi, khổ thân mẹ con mình…”, lời con trẻ khiến trái tim người mẹ đau như xát muối..
Nhớ anh đến quặn lòng, chị với anh còn biết bao dự định: “Anh bảo vài năm nữa sẽ xin về huyện đội công tác để được gần vợ gần con, rồi sẽ xây nhà xây cửa, cả gia đình xum họp bên nhau…
Vậy mà giờ chỉ cỏ hai mẹ con chị lủi thủi trong căn phòng trọ lạnh lẽo, không đêm nào nước mắt chị không rơi.”
Hôm qua nghe con hỏi: “Tết này bố có về với mẹ con mình không?”, chị lặng đi một hồi lâu, nén lại dòng nước mắt đang chực rơi khẽ nói: “Bố mất rồi, năm nay nhà mình không có Tết."
Thượng úy QNCN Nguyễn Hoàng Anh sinh ngày 7/5/1981 tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh là chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công chống khủng bố 18 thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Thượng úy, QNCN Nguyễn Hoàng Anh là một trong 21 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi đang huấn luyện nhảy dù trên máy bay Mi-171 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn 371 gặp nạn lúc 7h45 phút ngày 7/7/2014 tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Mặc dù Bệnh viện 105 (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện 103, Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) với tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi nhất, sử dụng các phương tiện, thiết bị y tế hiện đại nhất tận tình cứu chữa, nhưng do bị thương quá nặng đồng chí Nguyễn Hoàng Anh đã hy sinh vào hồi 8h5 phút ngày 2/9/2014 (tức ngày 9 tháng 8 năm Giáp Ngọ).