>> Mời xem bài: Gia đình nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường giờ ra sao?
Bà Nguyễn Thị Yến vẫn còn bưng kín mặt bằng chiếc khăn và đội chiếc mũ bảo hiểm cũ kỹ. Còn ông Đào Quang Tiến thì cặm cụi đem những món quà được đưa đi gửi cho Khánh nhưng bị cán bộ trại giam từ chối, để vào tủ lạnh.
Ngay khi vừa mở cửa mời chúng tôi vào nhà, bà Yến rơm rớm nước mắt: “Khổ thân thằng bé, phải bao nhiêu lần đi thế này nữa thì mới gặp được nó ở nhà này...”.
Lúc này, ông Tiến bước vào thấy bà Yến đang giọng nói yếu ớt, ông đỡ lời cho vợ: “Kệ bà ấy, vài hôm nay khi biết sắp đến lúc đi thăm con, bà ấy suy nghĩ nên lại đổ bệnh.
Gia đình sợ bà ấy ốm đau trở lại, định không cho đi thăm Khánh nhưng bà ấy cứ nằng nặc đòi đi. Hôm nay ở trên trại, hai mẹ con bà ấy cứ nhìn nhau khóc...”.
Ông Tiến bần thần vài giây rồi kể lại hành trình ông đưa vợ đi gặp đứa con trai duy nhất đang bị mắc vào vòng lao lý.
Theo ông Tiến, từ khi bắt đầu thụ án, Khánh bị cải tạo ở trại giam Hỏa Lò. Tại đây, hai ông bà được gặp Khánh 3 lần. Cách đây một tuần, Khánh được chuyển về trại giam Suối Hai (Ba Vì - Hà Nội).
Đây là lần đầu tiên ông Tiến đưa vợ đi thăm con ở một nơi xa nhất. Chính vì vậy, vợ chồng ông Tiến chuẩn bị khá nhiều đồ cho con trai mình.
“Lần này chuyển nó đi trại xa hơn nên rất có thể sẽ ít gặp được. Mẹ nó đặt bánh chưng, mua đường, bánh gạo, thịt và nhiều thứ khác đem vào trại nhưng chỉ gửi được ít thịt và đồ ăn như ruốc, lạc rang... còn lại thì đều mua ở căng tin trong đó”, ông Tiến nói.
Khánh dặn mẹ thắp hương cho chị Huyền
Cũng theo lời ông Tiến, sau nhiều giờ chờ đợi và làm thủ tục để vào thăm Khánh, ông bà được gặp con 30 phút. Cuộc trò chuyện của ba người ngăn cách bởi một tấm kính trong suốt và nói chuyện bằng bộ đàm.
Bà Yến bần thần sau mỗi lần đi thăm con
Ngồi bần thần trên nền nhà, hai hàng nước mắt chảy dài, bà Yến chia sẻ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên về thằng bé (tức Khánh), hình dáng nó không thay đổi mấy, nhưng nó lạ lẫm quá...” .
Ông Tiễn đỡ lời: “Bà ấy nhìn thấy con qua tấm kính, nói chuyện bằng chiếc máy điện thoại của trại giam nhưng bà ấy cũng không nói nhiều mà chỉ thấy khóc lóc.
Thấy vậy, Khánh an ủi rồi dặn mẹ nhớ thường xuyên thắp hương cho chị Huyền và chạy sang thăm gia đình chị ấy”.
Cũng theo ông Tiến, tuy ở trong trại giam nhưng Khánh nhớ rõ ngày bắt đầu đi trại và tính được bao lâu nữa thì được về đoàn tụ cùng gia đình.
“Nó còn dặn bố mẹ cứ an tâm, 17 tháng thụ án rồi, con sắp được về thôi. Ở trong này con sẽ cải tạo tốt để có hy vọng được giảm án...”, ông Tiến cho hay.
Xe máy của Khánh bị mất
Trước khi rời trại giam để ra về, ông Tiến phải nói qua bộ đàm rằng lần này không có nhiều tiền để cho con, nguyên do là ông vừa phải mua chiếc xe cũ để chạy xe ôm.
“Tôi thông báo cho Khánh là đã "ký quỹ" cho cháu 200 nghìn để mua đồ ở căng tin trong trại giam. Chiếc xe máy của Khánh ở nhà vừa bị mất hôm mùng 1 đầu tháng, tôi vừa phải mua chiếc xe máy cũ giá hơn 1 triệu đồng để chạy xe ôm", ông Tiến chia sẻ.
Cũng theo ông Tiến, Khánh vẫn tỏ ra bình tĩnh và động viên bố mẹ rằng: “Cái xe "còi" đó mất không tiếc đâu bố, sau này con về sẽ bù đắp lại những gì đã mất....”.
Chiếc xe máy này của Khánh đã bị mất.
Cũng theo lời ông Tiến, 3 người chỉ nói được chừng đó thì cán bộ quản giáo thông báo đã hết giờ (30 phút) theo quy định người nhà được vào thăm phạm nhân.
Ngày 5/12/2014, Tòa án nhân dân TP Hà Nội kết thúc phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Trung tâm TMV Cát Tường.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường bị tuyên phạt 14 năm tù về tội: "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác".
Phạt Tường 5 năm tù về tội: "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt". Tổng cộng Tường phải nhận 19 năm tù cho hai tội danh.
Tòa cũng tuyên bổ sung hình phạt, cấm Nguyễn Mạnh Tường hoạt động nghề nghiệp 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Bị cáo Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản".
Về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", bị cáo Khánh bị tuyên phạt 9 tháng tù giam. Tổng cộng bị cáo Khánh phải chấp hành án cải tạo là 33 tháng tù giam.