Tại hội nghị trực tuyến về thực hiện chỉ thị 12 nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông ngày 6/7, ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết: Hải Phòng hiện có 13.000 doanh nghiệp vận tải, nhưng 80% doanh nghiệp chỉ có từ 1-3 xe, mới có 10% doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ngắt lời ông Lũy yêu cầu giải thích rõ, tại sao 90% doanh nghiệp không có phép vẫn hoạt động, vai trò quản lý của Sở GTVT ở đâu? Ông Lũy cũng thừa nhận, tình trạng không cấp phép, xe vẫn hoạt động trên đường là do buông lỏng quản lý, Hải Phòng đang rà soát để chấn chỉnh trong thời gian tới.
Sau đó, trong 1 cuộc trao đổi với chúng tôi về biện pháp gì để xử lý tình trạng 90% doanh nghiệp còn lại chưa được cấp phép kinh doanh vận tải nhưng vẫn hoạt động, ông Đàm Xuân Luỹ cho hay: “10% doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải đó là vận tải hành khách, còn vận tải hàng hoá thì không.
Bây giờ chính sách phải yêu cầu các doanh nghiệp đó (các doanh nghiệp vận tải hàng hoá – PV) phải có giấy phép kinh doanh vận tải mới được chạy. Hiện tại, người ta chỉ cần đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch & Đầu tư rồi mua 1 cái xe và chạy chứ người ta có cần gì mình đâu, ai làm gì được họ. Chúng ta vẫn nói là kinh doanh có điều kiện nhưng ai bắt được họ”.
Các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý là khá đầy đủ
Trao đổi với chúng tôi về chính sách này, ông Khuất Việt Hùng – Quyền Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho hay: “Vấn đề đang bàn dưới Hải Phòng là bàn về việc tại sao chỉ quản lý được có 10% xe ô tô chở Container chứ không phải nói về quản lý số xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá chung”.
Hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá bẳng xe ô tô chở Container là khá đầy đủ, chặt chẽ. Tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP quy định rõ về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô chở Container, theo đó chỉ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô Container và phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở GTVT cấp, có phương án kinh doanh, có bộ phận theo dõi an toàn giao thông… Hộ cá thể và tư nhân không được phép kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô chở Container.
Ngược lại, với cơ quan chức năng địa phương, trên địa bàn có doanh nghiệp vận tải hàng hoá bằng xe ô tô chở Container thì thanh tra Sở phải phối hợp với Phòng Quản lý vận tải, cơ quan Đăng kiểm, Cảnh sát Giao thông tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị, cá nhân đang kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô chở Container xem họ có thực hiện đầy đủ hay không, xem họ có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô hay không…".
"Doanh nghiệp hay hợp tác xã không có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô nhưng vẫn kinh doanh và chuyên chở hàng hoá bằng xe ô tô chở Container là trái với quy định của pháp luật và phải xử lý”, ông Hùng khẳng định.
Còn một lỗ hổng trong quy định của pháp luật
Nói về lý do Nghị định chỉ quy định vận tải hàng hoá bằng xe ô tô bằng Container phải có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô, ông Khuất Việt Hùng cho hay: “Tại thời điểm ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP thì đó là đối tượng phức tạp nhất. Tất nhiên, khi kinh doanh vận tải hàng hoá đường bộ thì còn rất nhiều loại phương tiện vận tải nữa đang tham gia và rõ ràng là cũng phức tạp không kém.
Việc chưa quy định điều kiện kinh doanh để quản lý các loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô khác được nhận định là một lỗ hổng trong quy định pháp luật. Vì vậy, hội nghị triển khai chỉ thị 12/CT-TTg về việc thực hiện các giải pháp cấp bách để kéo giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải an toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo xây dựng một Nghị định điều chỉnh, bổ sung thậm chí là thay thế Nghị định 91 và Nghị định 93 để tăng cường các điều kiện kinh doanh.
Và hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng như Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI) cũng kiến nghị Bộ GTVT đưa kinh doanh vận tải hàng hoá và kinh doanh vận tải hành khách vào dạng kinh doanh vận tải có điều kiện đặc biệt. Như vậy hiện nay, tình hình thực tế đang đòi hỏi phải đưa cả loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá bằng ô tô nói chung vào loại hình kinh doanh phải có giấy phép riêng”.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã ký ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thẩm quyền của Bộ trưởng đồng thời trình Chính phủ danh mục các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2013 và năm 2014, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động vận tải nghiêm minh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng đầu tư, kinh doanh vận tải có chất lượng tốt, an toàn giao thông và thân thiện môi trường.