10h30 ngày 30/12, nhiều phóng viên báo chí có mặt trước cổng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng – Bình Dương). Cánh cổng sắt kiên cố đóng chặt cho đến lúc tan trường, học sinh được ra về bằng…cửa sau. Thông tin trên Vietnamnet.
Cũng theo nguồn trên, tại một quán nước ven đường, khi hỏi thăm nhà các nạn nhân, người chủ quán vừa chỉ đường vừa buông một câu nói bâng quơ: “Thương chúng nó quá. Chúng còn con nít, có biết gì đâu. Cái đáng trách là ở người tổ chức và hướng dẫn”.
Ông chủ quán giải thích: “Nếu rành về địa lý một chút, ai không biết biển Cần Giờ không hấp dẫn du khách lắm. Khoan nói về độ nguy hiểm, Cần Giờ là cửa biển nơi thoát nước của 2 sông Lòng Tàu và Soài Rạp.
Phù sa từ thượng nguồn của các con sông này đổ ra cửa biển làm cho biển Cần Giờ đục, bẩn và nhiều sình. Đưa học sinh đến đây tắm đã là một điều không nên huống chi, nơi đây còn có công trình lấn biển dở dang chưa hoàn thành. Đọc qua báo, nhìn tấm ảnh chụp tấm biển cảnh báo nguy hiểm cắm trên bãi biển tôi đã rùng mình.”
Lý do của nhà trường đưa ra để từ chối tiếp xúc với báo chí chỉ đơn giản là chưa có chỉ đạo từ huyện. Cánh cổng vẫn khép chặt cho đến giờ tan học. Học sinh phải ra về bằng cổng sau (?)
Gia đình chết lặng bên thi thể cháu Tài. (Ảnh: Infonet)
Bên cạnh đó, tờ Một thế giới nhận định, trách nhiệm chính cho cái chết của bảy em học sinh chính là nhà trường. Chi tiết hơn là các thầy cô dẫn đoàn tham quan.
Gia đình các em học sinh đã giao con em mình với tất cả sự tin tưởng. Nhà trường dẫn các em đi chơi phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho học sinh. Nói khác đi, trường dẫn các em đi sao thì đưa các em về như thế đó, không chấn thương, mất mát.
Phụ huynh không có trách nhiệm phải biết trường thuê một công ty du lịch làm dịch vụ cho mình. Ngay cả có công ty du lịch thì quản lí chính suốt thời gian vui chơi của các em vẫn là nhà trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại nơi các em học sinh bị sóng cuốn có cắm tấm biển "nguy hiểm". Nhưng không hiểu vì lý do gì mà các em học sinh vẫn được tắm ở khu vực này. Vào thời điểm các học sinh chết đuối, chỉ có duy nhất 4 người của lực lượng cứu hộ và bảo vệ bãi tắm.
Trong khi đó, tờ Pháp luật TPHCM đưa tin, một số người dân chứng kiến vụ tai nạn nói: Nếu công tác cứu hộ nhanh chóng hơn sẽ không có nhiều em chết như vậy.
Khu vực biển nơi bảy học sinh bị nạn. (Ảnh: Pháp luật TPHCM)
Bà Lê Thị Thương, nhà ở xã Long Hòa, hành nghề bán hàng ăn gần bãi biển 30-4, kể: Khi bà nghe tiếng kêu cứu liền chạy ra biển xem sự việc. Bơi không giỏi nên bà chỉ biết kêu cứu vì thấy cảnh hàng chục học sinh đang chới với ngoài biển. Tiếp đó có khoảng năm bảo vệ và cứu hộ lao ra đưa được năm học sinh vào bờ, số học sinh còn lại vẫy tay loạn xạ trên mặt biển. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ lôi canô từ trên nhà nghỉ ra nhưng lại hết xăng, chiếc xe kéo canô bị sút bánh nên khi canô ra tới thì các em học sinh đã chìm.