Vụ 14.000 điện thoại bị nghe lén: "Không có vấn đề tình báo"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Về vụ 14.000 điện thoại bị nghe lén, Đại tá Dương Văn Giáp cho hay: Nội dung điện thoại bị nghe lén là những nội dung về đời tư, không liên quan đến an ninh quốc gia.

Chiều nay, 1/7, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45, CA Hà Nội) đã thông tin tới các cơ quan báo chí về vụ việc 14.000 điện thoại bị nghe lén.

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Việt Hùng (SN 1974, ở Khương Hạ, Thanh Xuân, HN) là PGĐ Công ty Việt Hồng; Lê Thanh Lâm (SN 1982, ở Cầu Giấy, HN) là trưởng phòng kỹ thuật của công ty; Trần Minh Ngọc (SN 1990, ở Thanh Trì, HN) nhân viên hỗ trợ khách hàng của công ty;  Nguyễn Thị Nga (SN 1990, ở Hoàng Mai, HN) là nhân viên tư vấn khách hàng.

Theo ông Giáp, hiện cơ quan điều tra đã bắt giữ 3 đối tượng Nguyễn Việt Hùng, Lê Thanh Lâm và Trần Minh Ngọc. Còn đối tượng Nguyễn Thị Nga thì chỉ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khỏi nơi cư trú do đang mang thai.

Đại tá Dương Văn Giáp tại buổi họp báo (Ảnh: Tuấn Nam)
Đại tá Dương Văn Giáp tại buổi họp báo (Ảnh: Tuấn Nam)

Tại buổi họp, Đại tá Giáp cũng đưa ra lời khuyên với mọi người: “Không nên sử dụng các quảng cáo trên mạng internet về việc mua bán các thiết bị để nghe lén điện thoại của người khác”. “Những nội dung bị nghe lén chủ yếu là đời tư, không có nội dung liên quan đến an ninh quốc gia. Không có vấn đề tình báo ở đây”, ông Giáp cũng khẳng định thêm về những nội dung điện thoại bị nghe lén..

Trả lời báo giới, ông Dương Văn Giáp khẳng định thêm: "Không cơ quan nào được nghe lén điện thoại trừ những trường hợp được pháp luật cho phép. Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý".

Trước đó, Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án nghe lén, giám sát hơn 14.000 điện thoại xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hồng ở quận Thanh Xuân, để điều tra làm rõ về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet,” được quy định tại Điều 226 bộ Luật hình sự. Đồng thời, cơ quan này cũng tạm giữ 4 đối tượng là nhân viên của công ty này để điều tra.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, các hành vi của Công ty Việt Hồng như lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ, chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số, làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại... đã vi phạm hàng loạt các quy định, điều khoản của luật công nghệ thông tin.

Trước câu hỏi về trách nhiệm của các nhà mạng, Đại tá Dương Văn Giáp cho hay cần phải điều tra thêm thì mới có thể biết được trách nhiệm của các nhà mạng đến đâu và có liên quan hay không.

Trả lời lý do không thấy có những thông tin liên quan đến Giám đốc của Công ty Việt Hồng, đại tá Giáp cho biết không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Giám đốc Công ty có liên quan và có dấu hiệu đồng phạm với những bị can nên không tiến hành xử lý.

Đại tá Dương Văn Giáp cũng cho biết thêm: Phải qua thời gian để xử lý thêm vụ việc này nhưng về vấn đề công bố công khai danh tính 14.000 tài khoản đã đăng ký thì phải cân nhắc rất kỹ càng.

Bà Trần Minh Huệ - đại diện Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội cho biết hiện server của Công ty Việt Hồng đã được giao cho VTC quản lý và niêm phong.

Công ty Việt Hồng thu từ việc kinh doanh phần mềm Ptracker 900 triệu đồng

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin-truyền thông Hà Nội kiểm tra hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng, do Nguyễn Việt Hùng và Đặng Hồng Đăng làm Giám đốc.

Kết quả cho thấy, từ tháng 6/2013, Công ty Việt Hồng đã phát triển, cung cấp cho khách hàng dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động, bao gồm hai gói. Gói dành cho cá nhân tên là Ptracker và gói dành cho doanh nhân tên là PtrackerERP.

Khi người sử dụng có nhu cầu sử dụng phần mềm, Công ty sẽ cài chế độ cho dùng thử trong 24 tiếng. Người dùng cầm máy điện thoại giám sát và tải theo địa chỉ trang web, hoặc soạn tin theo cú pháp DV, gửi đến 8189 để lấy đường link tải phần mềm về. Khi phần mềm được tải về, người dùng thử tự cài đặt phần mềm, sau đó hệ thống của Công ty Việt Hồng sẽ trả về tên truy cập là bảy số cuối của IMEI điện thoại cần giám sát và mật khẩu mặc định ban đầu là vhc.vn.

Mọi dữ liệu như danh bạ, tin nhắn các cuộc gọi đi và đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy điện thoại bị giám sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ sau khi nhận tín hiệu từ năm-mười phút. Sau 24 tiếng, nếu người dùng muốn sử dụng dịch vụ này, tùy chọn các mức 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc là gói vĩnh viễn chỉ với điều kiện là phải nộp 400.000đ/tháng.

Kể từ khi cung cấp gói phần mềm trên, Công ty Việt Hồng có số lượng tài khoản đã từng sử dụng phần mềm Ptracker là 14.140 tài khoản; trong đó số lượng tài khoản hiện vẫn còn lưu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng là 7.447 tài khoản. Hiện vẫn còn có khoảng 600/14/140 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm. Ước tính số tiền Công ty Việt Hồng thu được từ việc kinh doanh phần mềm này là khoảng 900 triệu đồng.

(Theo Vietnamplus)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại