Vợ Nguyễn Văn Thiệu viết gì cho chồng trước khi sang Mỹ?

“Khi phá xong cánh cổng sắt chắc nịch, tiến vào dinh thự của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, tôi thấy trên bàn có một mảnh giấy của vợ Thiệu viết gửi cho chồng...".

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về những ngày khói lửa 30/4/1975, khuôn mặt ông đăm chiêu, đôi mắt nhíu lại, hai bàn tay ông xoa vào vết thương sần sùi dưới bắp chân, dường như ký ức của bom đạn 39 năm trước lại ùa về, dâng trào trong ông. Người đàn ông đó là Đại tá Vũ Trung Thướng, Anh hùng lục lượng vũ trang nhân dân.

Sinh ra ở vùng quê nghèo thôn Tảo Khê, xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), chàng thanh niên Vũ Trung Thướng nhập ngũ năm 1961 khi chưa đầy 18 tuổi. Trong thời gian đi bộ đội rồi được cử đi học và được cử về làm Chính trị viên Đại đội 5 bộ binh, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48, sư đoàn 320.

Trong trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đại đội của ông nhận được nhiệm vụ chốt ở ngã ba Long Hưng, phía nam Thành Cổ Quảng Trị để đánh địch từ xa, đóng chốt không cho địch bước qua ngã ba này vào Thành cổ. Đại đội ông đã tiêu diệt được hơn 400 tên địch cùng 5 xe tăng, đến khi cả đại đội còn lại 17 người vẫn tiếp tục đánh địch. Để ghi nhận công lao của ông trong trận 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, ngày 23/9/1973 ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Vũ Trung Thướng (Ảnh: Xuân Hải)

Sau trận chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, ông được chuyển về huấn luyện cho bộ đội tại Vinh (Nghệ An) đến tháng 3/1975 thì tiếp tục hành quân vào Nam để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Kể đến đây, ông Thướng ngừng lại, ký ức của 39 năm về trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn lại hiện nguyên trong tâm trí vị đại tá già, ông kể: Khi vào giải phóng Sài Gòn sáng 30/4/1975, đơn vị ông đã tiếp cận được tư gia của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Đó là căn biệt thự 2,5 tầng, rộng khoảng vài trăm m2, khi tiến vào bộ đội phải phá cổng của căn biệt thự, cửa ngôi nhà được khóa kín, phía ngoài có chiếc bàn làm việc của người trợ lý cho Thiệu, trên đó có mảnh giấy của vợ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Mai Anh gửi cho chồng với nội dung: “Chìa khóa nhà em để...” và vẽ mũi tên trên tờ giấy này. Lần theo hướng mũi tên của tờ giấy để trên bàn đơn vị ông đã tìm thấy chìa khóa để vào căn biệt thự của Tổng thống Thiệu.

Ông Thướng kể, mãi sau này tôi mới biết khoảng ngày 24 - 25/4/1975 vợ Tổng thống Thiệu đã sang Đài Loan rồi sau đó cùng chồng con bay sang Mỹ và định cư ở đó.

“Khi vào trong ngôi nhà, anh em bộ đội choáng ngợp trước sự xa hoa cùng với những tiện nghi mà nhiều người chưa bao giờ thấy như ti vi, tủ lạnh, điện thoại, máy móc quân đội cùng vô số đồ hộp và thực phẩm các loại để trong nhà bếp, tủ lạnh. Nhưng tạo được sự chú ý nhiều nhất là một con chó béc giê nặng khoảng 60 kg đang nằm bẹp dí, đói lả trong nhà khoảng 1 tuần, khi chúng tôi vào nó không còn đủ sức để sủa. Thấy vậy anh em trong đơn vị đã lấy đồ hộp, thức ăn có sẵn trong nhà để cho con béc giê ăn uống”, vị đại tá già nhớ lại.

Ông Thướng kể tiếp, do không biết tên, mật mã của con béc nên tôi tiến lại gần xoa đầu nó và bảo: “Thôi tao không biết tên mày là gì nên tạm gọi mày là Thiệu nhé”. Từ đó, trong thời gian gần 1 tuần ở tại tư gia của gia đình Thiệu, con béc giê rất nghe lời và ngoan ngoãn theo chúng tôi, bảo nó canh cửa nhà có ai vào thì sủa báo cho bộ đội nó đều tuân theo.

“Trước khi sư đoàn rút về miền Trung, chúng tôi đã bàn giao con béc giê này cho 1 đơn vị tại Phú Bài và từ đó do phải tiếp tục huấn luyện cho bộ đội nên tôi cũng không có thông tin gì về con béc giê của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nữa”, ông Thướng nói.

Đã gần 40 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, bây giờ ông cũng đã về nghỉ hưu và cùng gia đình lập nghiệp tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa để được gần đơn vị. Ký ức 40 năm trước vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí ông, để giành lại độc lập, thống nhất đất nước rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, và hiện nay trong người ông vẫn còn 3 mảnh đạn M79 trong trận chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại