Sáng 20/4, đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi của độc giả Trần Văn Thái (trú tại số 7, Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh việc gia đình anh vừa bắt được một cá thể bọ xít tại cửa chính trong nhà.
Ngay lập tức sau khi phát hiện cá thể bọ xít này, anh Thái đã cho bọ xít vào hộp nhựa đậy nắp lại. “Thấy hình dạng, màu sắc của con bọ xít này khả nghi, tôi lập tức lên mạng tìm hiểu về loài động vật này. Tôi chắc chắn đây là loại bọ xít hút máu người” – anh Trần Văn Thái nói.
Anh Thái cho hay, tối qua anh có phun thuốc muỗi khắp các góc phòng trong nhà. Sáng nay khi bắt gặp con bọ xít này tại góc cửa chính làm bằng gỗ, anh thấy nó vẫn ngọ nguậy.
“Tôi cũng thấy trên tay, chân có biểu hiện ngứa. Nhưng may mắn chưa phát hiện ra nốt sần đỏ, phồng rộp lên như đã bị con bọ xít hút máu người này đốt” – anh Thái nói.
Quan sát cho thấy, cá thể bọ xít này có chiều dài khoảng hơn 2,5cm, màu nâu đen bóng. Phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng.
Cá thể bọ xít được cho là bọ xít hút máu được phát hiện thấy ở nhà anh Thái.
Anh Thái cũng cho hay: Đây không phải lần đầu tiên gia đình anh phát hiện bọ xít hút máu người trong nhà. Vào tháng 6/2013, một cá thể bọ xít hút máu đã xuất hiện trong góc bếp bằng gỗ ở nhà anh. Khi anh dùng tăm dí vào bụng bọ xít, lập tức máu phun ra.
Đối với cá thể bọ xít được phát hiện thấy sáng nay, khi dùng tăm dí vào bụng, bọ xít phun ra rất nhiều trứng con trắng. “Nếu con bọ xít này hút được máu người, máu động vật, chắc chắn số trứng này sẽ được nở ra, “nhân giống” bọ xít hút máu” – một người hàng xóm của anh Thái nói.
“Ngay bên cạnh nhà tôi là dãy nhà cho thuê, ẩm thấp. Chúng tôi sẽ tìm cách phun thuốc, phát quang, để hạn chế bọ xít hút máu trú ẩn” – anh Thái cho hay.
Quan sát cho thấy, cá thể bọ xít này có chiều dài khoảng hơn 2,5cm, màu nâu đen bóng. Phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng.
Gần đây nhất, ngày 15/4, tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng, chị Phạm Thị Thanh Thủy (trú tại số 39/108, đường Hùng Vương, P.Thượng Lý) đã bị bọ xít hút máu đốt 4 vết khiến chị Thủy bị sưng, nhức, ngứa ở bả vai, bụng, cánh tay, bàn chân.
Ban đầu chị Thủy nghĩ là kiến cắn sau đó thấy vết sưng càng to và lan rộng rồi tấy lên lạ thường. Đến khi một bên bả vai của chị bị sưng và có cảm giác tê bại không hoạt động được nữa chị mới thực sự lo lắng.
Sau khi lật tung đồ đạc trong nhà truy tìm thủ phạm, gia đình chị đã phát hiện ngay dưới đệm chị nằm có một con bọ xít có hình dạng giống hệt bọ xít hút máu. Hay tin chị Thủy bị bọ xít hút máu tấn công, nhiều hộ dân sống quanh đó cũng dọn dẹp nhà cửa, đề phòng loài côn trùng nguy hiểm này.
Xuất hiện “rầm rộ” từ năm 2011, bọ xít hút máu đã có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Huế, Hải Phòng… khiến nhiều người dân lo ngại về khả năng bị đốt và nhiễm bệnh từ bọ xít này. Năm 2013, bọ xít hút máu đã tấn công 21/24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
PGS-TS Trương Xuân Lam và tiêu bản bọ xít hút máu mà ông tìm được năm 2010. (Ảnh tư liệu)
Theo PGS-TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật. Chúng không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Một năm bọ xít chỉ cần hút máu từ một đến ba lần là có thể sống sót suốt vòng đời. Đối tượng bọ xít hút máu người phần lớn là trẻ em.
PGS Lam khuyến cáo, người dân khi phát hiện bọ xít, tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho chúng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Trong trường hợp người dân bị bọ xít hút máu cắn, nên rửa ngay vết cắn bằng xà phòng, không gãi để tránh gây xước, viêm nhiễm, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, nơi ở... để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán. Đặc biệt, ở những gia đình, vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì người dân nên ngủ màn cẩn thận.