Vợ liệt sỹ Trường Sa lịm người khi nhìn thấy linh cữu của chồng

Tú Nguyễn |

(Soha.vn) - Chiếc xe tang đưa linh cữu liệt sĩ Hạnh về đến đầu làng, bố mẹ, người thân đã không kìm được nỗi đau, khóc ngất trong niềm thương xót vô bờ.

Như tin đã đưa trước đó, vào ngày 17/1, trong lúc đi làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tại đảo Tóc Tan, thuộc quần đảo Trường Sa, Trung úy Phan Văn Hạnh (SN 1981, quê quán tại xóm Trung Thành, xã Vĩnh Thành, Yên Thành (Nghệ An) đã hi sinh. Ngày 21/1, thi thể của liệt sĩ Hạnh đã được đưa vào đất liền và đưa về quê hương để mai táng.

Ôm chầm lấy linh cữu của người con, bà Trần Thị Đúc gào khóc: “Hạnh ơi, con về với mẹ thế này sao hả con. Con ơi sao bỏ mẹ mà đi thế con. Mẹ đón con về ăn tết sao con lại lặng im như thế. Dậy với mẹ đi con”.

Anh Hạnh là con trai cả của vợ chồng ông Phan Văn Hà (54 tuổi) và bà Trần Thị Đúc (52 tuổi). Vốn là anh cả trong gia đình có 4 anh chị em, ông bà Hà chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống của gia đình cũng lắm khó khăn, thiếu thốn. Năm học hết cấp 3, anh Hạnh không thi đại học mà ở nhà lao động cùng bố mẹ để nuôi các em ăn học. Đến tháng 3/2002, khi vừa tròn 21 tuổi, anh Hạnh đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự.

Di ảnh liệt sĩ Hạnh.

Lần đó, anh Hạnh nhập ngũ vào tiểu đoàn 865 thuộc lữ đoàn 126 Hải quân. Sau 3 tháng huấn luyện, đến tháng 6/2002, anh Hạnh được chuyển sang kho 862 thuộc cục Kỹ thuật Hải quân. Đến tháng 12/2003, anh Hạnh được chuyển về công tác tại trung đội vệ binh trường trung cấp kỹ thuật Hải quân. Sau 2 năm khổ luyện, công tác, chiến sĩ Hạnh đã được phong hàm hạ sĩ và được cử đi học tại lớp máy tàu tiểu đoàn 5, trường trung cấp kỹ thuật Hải quân.

Năm 2007, trong kỳ nghỉ, anh Hạnh về quê hương và nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Dung là người cùng làng. Một năm sau, con gái Phan Thùy Dương được ra đời trong niềm vui hạnh phúc của 2 anh chị.

Ông Phan Văn Hà (bố của anh Hạnh) gào khóc trong đau đớn...

Sau khi lập gia đình, anh Hạnh tiếp tục theo học lớp trung cấp máy tàu. Kết thúc khóa học, anh Hạnh được điều về làm nhân viên thiết bị bờ trạm 94 căn cứ biển đảo hậu cần kỹ thuật 696 Hải quân và được phong lên hàm Trung úy. Sau 1 thời gian công tác tại đây, đến tháng 5/2013, anh Hạnh, được điều động về lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trong mắt người anh em, gia đình và làng xóm láng giềng, anh Hạnh là 1 người con ưu tú, hiền lành. Từ nhỏ đến lớn, anh Hạnh luôn là 1 người ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, vì gia đình và mọi người. Nhìn lên di ảnh của người cháu, ông Phan Văn Diên, bác ruột của anh Hạnh sụt sùi chia sẻ: “Bình thường ở nhà thằng Hạnh hiền lành và chăm chỉ lắm, không ngờ cháu nó lại bị tai nạn như vậy. Bây giờ nó mất đi để lại vợ trẻ, con thơ biết nương tựa vào ai bây giờ”.

Bà Trần Thị Đúc (mẹ của anh Hạnh) ngất lên ngất xuống trước nỗi đau mất đi người con trai.

Từ ngày hay tin đứa con trai đầu lòng hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, bà Đúc suy sụp hẳn. Suốt mấy ngày liền, bà Đúc không chịu ăn uống gì mà chỉ ngồi ở cửa ngóng tin con trai sớm được đưa về với người thân, gia đình.

Ôm lấy linh cữu giá lạnh, bà Đúc gào khóc trong đau đớn tang thương. Hàng trăm con người có mặt tại đây, không ai giấu nổi giọt nước mắt xót thương người chiến sĩ anh hùng. “Hạnh ơi là Hạnh, mẹ đón con về ăn tết như thế này đây hả con. Con hãy dậy nói chuyện với mẹ đi Hạnh ơi. Con đi công tác xa ngoài đảo, sao giờ con trở về với mẹ như thế này hả con”. Bà Đúc nấc lên từng tiếng.

Chị Nguyễn Thị Dung (vợ của anh Hạnh) khóc ngất khi người chồng hy sinh ngoài đảo xa. Những lúc tỉnh dậy, chị lại gào khóc gọi tên chồng trong những tiếng nấc nghẹn ngào đau thương.

Nhìn thấy linh cữu của chồng mình, chị Nguyễn Thị Dung (vợ của anh Hạnh - PV) ngất lên ngất xuống trước nỗi đau quá lớn này. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Dung thều thào gọi tên chồng: “Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi như vậy anh. Anh đi rồi, con còn nhỏ dại anh bảo em phải làm sao bây giờ đây anh. Trời ơi là trời, sao ông nỡ bắt chồng tôi đi, ông hãy trả lại chồng cho tôi. Anh ơi”.

Vừa tròn 5 tuổi, cháu Phan Thùy Dương (con gái anh Hạnh - PV) thấy mẹ gào khóc, cháu cũng ôm lấy người mẹ mà khóc theo đòi bố. Có lẽ bé Dương còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mà gia đình và mẹ nó đang phải gánh chịu.

Gia đình đang lập bàn thờ để làm lễ cho liệt sĩ Hạnh tại nhà.

Nhìn vành khăn trắng được quấn vội trên đầu mẹ già và người vợ trẻ, con thơ khiến những người có mặt tại đây không ai cầm nổi nước mắt.

Trong đau đớn tuyệt vọng vì mất đi người con trai đầu lòng, ông Hà nghẹn ngào:“Hạnh ơi, con về với bố như thế này sao hả con. Sao số tôi lại khổ như vậy, sao không để tôi đi thay con mà lại bắt kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh như thế này hả trời ơi. Con ơi là con ơi, trở về với bố đi con. Bố mẹ ngày đêm mong ngóng con, lo cho con. Gần tết rồi, bố mẹ lo cho con ở ngoài đó ăn tết sẽ lạnh và buồn lắm. Nào ngờ con lại bị như vậy. Trời ơi, sao ông trời nỡ bắt con tôi mà đi như vậy”.

Những người bạn, người đồng đội đến thắp hương tiễn đưa liệt sĩ Hạnh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trời về khuya, cái lạnh của miền núi dường như càng thêm tái tê hơn bởi những tiếng gào khóc bi ai. Tất cả gia đình đang quây quần bên linh cữu của người con, người cháu, người bạn đã anh dũng hy sinh nơi đảo xa để bảo vệ Tổ Quốc. Sáng ngày 23/1, gia đình sẽ tiến hành làm lễ mai táng cho thi thể anh Hạnh tại quê nhà.

Ngày 23/1, gia đình sẽ tiến hành làm lễ mai táng cho liệt sĩ Hạnh tại quê nhà.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại