Mặc dù chỉ nằm cách quốc lộ 48 khoảng hơn 300m, tuy nhiên do đặc thù tự nhiên nên hầu như toàn bộ các hộ dân tại xóm Yêm Lúm, xã Châu Quang (Qùy Hợp, Nghệ An) đều không thể đào giếng để lấy nước ngầm sinh hoạt. Nguồn nước phục vụ chính của người dân nơi đây đều được lấy từ con suối chảy qua địa bàn xóm.
Hàng ngày, hàng trăm người dân tại xóm Yên Lúm đều phải ra con suối này để lấy nước về sử dụng.
Đầu năm 2009, thấy được khó khăn của người dân nên ban dân tộc miền núi đã đầu tư 1,2 tỷ đồng cùng với số tiền 360 triệu đồng được đóng góp từ chính quyền địa phương và nhân dân để xây dựng nên hệ thống nước sạch phục vụ người dân. Tuy nhiên sau khi hoàn thành, dự án này được đưa vào sử dụng không lâu thì bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão lũ.
Do điều kiện tự nhiên, các hộ dân không thể đào giếng lấy nguồn nước ngầm sử dụng mà phải ra suối lấy nước về để phục vụ ăn uống hàng ngày.
Toàn bộ hệ thống đường ống chính dẫn nước bị vỡ, nguồn nước sạch của người dân bị cắt hoàn toàn. Từ tháng 10/2013 đến nay, hàng trăm hộ dân ở đây luôn phải sống trong tình trạng khan hiếm nước sạch. Để có nước phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày, họ buộc phải lấy nước từ con suối chảy qua địa bàn xóm về sử dụng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn nước từ con suối đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải sinh hoạt từ khắp nơi dồn về. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, xác động vật, cây cối thêm vào đó là rác thải dân sinh ùn ùn đổ về khiến nguồn nước càng bị ô nhiễm nặng. Mặc dù biết sử dụng nước từ con suối bẩn sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh cao, nhưng hàng ngày họ vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác.
Sau trận bão tháng 10/2013, hệ thống nước sạch vừa được đầu tư đã bị hư hỏng khiến người dân luôn phải sống trong tình cảnh thiếu nước sạch trầm trọng.
Bức xúc vì ngày nào cũng phải mang can nhựa ra con suối để xách nước về dùng, anh Lương Văn Thiêm - một người dân trong xóm chia sẻ: “Ngày nào cũng phải ra lấy nước từ con suối này để về nhà dùng các anh ạ. Trước đây có hệ thống nước sạch, nhưng chỉ dùng được 1 thời gian thì bị hỏng nên chúng tôi phải ra đây lấy nước về dùng. Mấy tháng nay rác thải rồi nước suối bị đục, bẩn nhưng người dân chúng tôi chẳng còn cách nào khác nữa. Mùa khô sắp đến rồi, nếu mà con suối này lại cạn nữa thì đến nước bẩn, ô nhiễm cũng không có mà dùng ấy chứ”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Thành - xóm trưởng Yên Lúm chia sẻ: “Trước đây nước ở suối rất sạch nhưng đợt này nước ở đó bị bẩn, ô nhiễm vì rác thải sinh hoạt, rồi xác động vật chết. Hai bên bờ suối rác ngập đầy túi ni lông. Biết là nước bẩn nhưng trước mắt không còn cách nào khác nên bà con chúng tôi đành phải dùng nguồn nước đó để sinh hoạt và ăn uống”.
Hệ thống nước sạch không thể sử dụng vì đã bị hư hỏng.
Hàng ngày anh Lương Văn Thiêm phải dùng xe kéo, và chiếc thùng phi ra suối chở nước bẩn từ con suối chảy qua xóm về để sinh hoạt.
Cũng theo ông Thành, kể từ ngày đường ống nước sạch bị vỡ, người dân vô cùng bức xúc nên đã kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Ban cán sự xóm cũng đã nhiều lần làm tờ trình, phản ánh vấn đề lên xã và trong các kỳ họp hội đồng nhưng lãnh đạo xã, huyện cũng chưa có cách giải quyết vì kinh phí địa phương không có.
Thời gian gần đây, rác thải từ khắp nơi đổ về đã khiến nước suối càng ô nhiễm.
Liên quan đến vấn đề hàng trăm người dân đang hàng ngày phải sống bằng nguồn nước ô nhiễm, ông Nguyễn Ngọc Luyện - Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết: “Sau khi đường ống dẫn chính bị vỡ, người dân không có nước để sinh hoạt. UBND xã cũng nhận được rất nhiều ý kiến của nhân dân tuy nhiên do kinh phí để sửa chữa là rất lớn nên phía địa phương cũng không có để đáp ứng. Chúng tôi cũng đã đề xuất lên huyện trong các kỳ họp tuy nhiên cũng chưa có phương án xử lý. Chúng tôi cũng mong các cấp ban ngành quan tâm và có phương án để sớm giúp dân thoát khỏi cảnh dùng nước bẩn như hiện nay, nhất là khi mùa khô đang đến gần”.
Hàng ngày, những đứa trẻ trong xóm vẫn phải dùng những chiếc chai, can nhựa xách nước để đến trường học sử dụng.
Và mang nước về nhà để cho gia đình sinh hoạt, ăn uống.
1 đứa trẻ đang cố chắt chiu những can nước trong nhất để đưa về nhà.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục lại hệ thống nước sạch cho người dân trước khi mùa khô đang đến gần.