VN cần nghiên cứu "bảo bối" của ông Lý Quang Diệu và Singapore

Hoàng Đan |

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, Việt Nam cần xem xét lại tất cả quá trình xây dựng, phát triển đất nước Singapore mà ông Lý Quang Diệu đã thực hiện để rút ra bài học cho mình.

Chống tham nhũng đi đôi với mở cửa, thân thiện

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nói đến công lao của ông Lý Quang Diệu đối với Singapore thì chỉ cần gói gọn trong một câu:

"Đó là người lãnh đạo vì dân, vì nước và hoàn toàn sáng suốt, đưa đất nước Singapore vươn lên từ thế giới thứ ba (nhóm các nước đang phát triển) sang thế giới thứ nhất (nhóm các nước có nền kinh tế tư bản, có trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao).

Và Singapore nay đã trở thành biểu tượng phát triển của châu Á".

Theo ông Thành, Singapore hiện nay không chỉ là biểu tượng của kinh tế mà còn là biểu tượng của nơi đáng sống với sự phát triển bền vững của con người và của môi trường.

Quá trình nắm quyền hơn 30 năm của ông Lý Quang Diệu đã khẳng định vai trò quan trọng cầm lái của ông trong việc phát triển Singapore.

Và quá trình đó như chuyên gia Bùi Kiến Thành khẳng định thì đã để lại rất nhiều bài học hữu ích cho Việt Nam học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình hội nhập, đưa đất nước vươn lên.

 
chuyên gia bùi kiến thành
Ông sinh năm 1931, quê gốc ở Quảng Nam, là một nhà tài chính người Mỹ gốc Việt. Ông được biết đến là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Hoa Kỳ. Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay và từng được vinh danh trong chương trình Vinh danh nước Việt năm 2004.

"Trước những khó khăn của đất nước mới thành lập, mọi thứ còn đang trong vũng lầy nên khi vừa lên cầm quyền ông Lý Quang Diệu đã đưa ra chủ trương phải vì nhân dân và phát triển kinh tế.

Việc ông Diệu quan tâm giải quyết ngay là xử lý vấn đề tham nhũng trong bộ máy chính quyền một cách dứt điểm, những công chức đi làm việc không cần tham nhũng.

Luật lệ cũng như quy pháp của nhà nước rất nghiêm khắc để các công chức luôn chí công, vô tư.

Ông cũng đã xây dựng được một nhà nước có trách nhiệm, nhà nước minh bạch, nhà nước biết chia sẻ lợi ích cùng với quá trình tăng trưởng, cùng với quá trình phát triển của quốc đảo này cho tất cả. 

Đây là một đột phá của ông Lý Quang Diệu mà nhiều người trước đó đã từng cho rằng căn bệnh "ung thư" này khó mà trị nổi.

Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ Việt Nam cần học tập, cần xem xét thử những giải pháp nào mà ông Lý Quang Diệu đã giải quyết được vấn đề nhức nhối này", chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Cũng theo ông Thành, trong phát triển kinh tế của Singapore, ông Diệu đã thành công với chính sách mở cửa toàn diện với các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 16/1/2007. (Ảnh tư liệu).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 16/1/2007. (Ảnh tư liệu).

"Cái đầu tiên ông Diệu làm đó chính là mời tất cả lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đến để trao đổi, đầu tư tại Singapore.

Cũng nên nhớ rằng, Đảng của ông Diệu lúc đó mang tính chất xã hội, là thành viên của Liên minh xã hội quốc tế ở London (Anh). Khi đó, họ thấy ông Diệu thân thiện với các tập đoàn đa quốc gia thì phản đối rất nhiều, thậm chí đòi khai trừ...

Nhưng ông Diệu đã kiên trì, biết con đường ông đi là đúng nên tiếp tục làm. Chính với sự mở, hội tụ, tiếp thu những cái tốt nhất, người giỏi đến làm việc ở Singapore, những công ty, tập đoàn lớn nhất thế giới hầu hết đều có trụ sở ở Singapore.

Tôi cho rằng, đây là điều mà Việt Nam chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để xem ông Diệu đã làm thế nào để có thể quan hệ, liên lạc với các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới này.

Cần nói thêm rằng, ông Diệu khi đó đã biết, các tập đoàn kinh tế lớn cần có nơi đến giống như "đất lành chim đậu", đến không bị phiền hà, không bị nhũng nhiễu, được tiếp đãi tử tế, tạo mọi điều kiện làm ăn...

Ông Diệu đã rất lắng nghe và điều gì làm được thì sẽ làm tới cùng mà không bị các quyền lợi, lợi ích nhóm cản trở... Tất cả những điều này, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần rút kinh nghiệm", ông Thành bày tỏ.

Học Singapore về trọng dụng người tài

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, Singapore đã có một chính sách rất thích hợp để trọng dụng các nguồn lực, đặc biệt trọng dụng người tài bằng những chế độ, bằng những động lực thích hợp. 

nguyên trợ lý cố tt võ văn kiệt
ông nguyễn trung
Chính ông Diệu đã có lần nói thẳng: Lẽ ra trong cộng đồng ASEAN thì Việt Nam phải là nước phát triển hàng đầu vì Việt Nam cỏ đủ điều kiện đạt được như thế, và cộng đồng ASEAN cũng cần một Việt Nam như thế. Cũng có lúc ông ước gì Singapore cũng rộng lớn như Việt Nam… Nhưng ông cũng thẳng thắn nhận xét, đến hiện nay, Việt Nam chưa đạt được vị trí này do nhiều nguyên nhân khác nhau...

"Ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần sang và trao đổi, đưa ra những lời khuyên đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam chúng ta trong vấn đề sử dụng nhân lực, người tài, giáo dục...

Tôi cho rằng, chúng ta nên xem xét, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và nếu áp dụng được thì nên sớm áp dụng", ông Thành bày tỏ.

Đồng thời, ông Thành cũng chia sẻ thêm, Singapore đã luôn thành công khi gắn sự cởi mở của mình với sự ràng buộc, chia sẻ lợi ích với cả thế giới.

Như vậy cả vị thế địa kinh tế, địa chính trị, cùng với sự lớn mạnh ngày càng có uy tín cao hơn trên trường quốc tế.

"Lúc này đây, Việt Nam hãy tạm dừng chân một chút để suy nghĩ xem Singapore đã làm được những điều gì mà chúng ta chưa làm được.

Và tại sao Singapore làm được mà Việt Nam chưa làm được, cũng như, trong đó, sự đóng góp của ông Lý Quang Diệu là như thế nào.

Và đây chính là cơ hội để chúng ta xét lại mình và xem xét lại rồi tiến tới", ông Thành nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại