Cựu trợ lý TT Võ Văn Kiệt: VN học gì ở Lý Quang Diệu và Singapore?

Hoàng Đan |

Theo ông Trung, ông Lý Quang Diệu là người thẳng thắn, góp ý chính xác và nói không phải để phê phán mà ông có nhiều nhận xét khách quan, xuất phát từ nhìn nhận sự thật.

Người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan cho rằng, việc các nhà lãnh đạo trên thế giới dành những lời chia sẻ, ca ngợi đối với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là hoàn toàn xứng đáng.

“Nếu đòi hỏi tôi đánh giá sự nghiệp ông Lý Quang Diệu trong một câu thôi, tôi sẽ nói, ông Lý Quang Diệu đã đặt trúng câu hỏi cho Singapore và đã tìm được câu trả lời đúng. Singapore hôm nay bắt đầu từ đấy!”, ông Trung nhận xét.

Theo ông Trung, Singapore khi tách khỏi Malaysia chỉ là một làng chài nhưng đã trở thành một trung tâm tài chính, thương mại lớn của thế giới. Đó là chặng đường gian nan nhưng ghi dấu ấn rõ rệt của ông Lý Quang Diệu.

Cũng theo ông Trung, so nhiều nước ASEAN khác thì xuất phát điểm của Singapore thấp hơn nhiều nhưng họ đã thành công.

"Viêc thành công của Singapore trước hết ở chính tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu.

Đọc lại lịch sử Singapore, tôi còn nhớ, khi thảo luận về quá trình nên phát triển Singapore như thế nào, ông Lý Quang Diệu đã triệu tập được tất cả trí tuệ của những người Singapore lúc bấy giờ.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau nên phát triển cái vùng làng chài này thành một nước như thế nào... Phần đông các ý kiến đi vào thảo luận lựa chọn sản phẩm gì để công nghiệp hóa đất nước.

Ông Lý Quang Diệu không lựa chọn sản phẩm nào cả, mà chỉ xoáy vào câu hỏi: Thế giới này cần gì? Singapore với tất cả mọi điều kiện địa lý tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị của mình có thể đáp ứng cái gì?

Đấy là cái đích ông nhắm tới cho quốc gia mình", ông Trung nói.

Theo ông Trung, ông Lý Quang Diệu đã xác định, điểm xuất phát là các việc dễ nhất Singapore có thể bắt tay vào làm ngay được.

Đó là từ dich vụ cảng, bến kho bãi trung chuyển... đến khu vực gia công, lắp ráp, trung tâm giao thương, trung tâm giao dịch tiền tệ…

Từ đó, tiến dần lên từng bước để trở thành một trung tâm thương mại, trung tâm tài chính của thế giới hôm nay. Singapore còn có lĩnh vực dịch vụ, giáo dục, y tế... ở trình độ tiên tiến của thế giới.

 
ông nguyễn trung
Ông sinh năm 1935 tại Hà Nội. Ông có thâm niên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao, từng là đại sứ VN tại Thái Lan và Australia. Sau khi từ Thái Lan trở về nước, ông làm Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, rồi làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

"Singapore đã có ý chí và nhờ đó từng bước tạo ra được cho mình trí tuệ dám coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình, thường xuyên bám vào sự vận động của kinh tế thế giới để phát triển đất nước mình.

Có lẽ đây là kinh nghiệm quan trọng nhất, hữu ích nhất đối với nước ta hôm nay", ông Trung nhấn mạnh.

Luôn thẳng thắn với Việt Nam

Ông Trung cho biết thêm, lúc còn sinh thời, ông Lý Quang Diệu rất quan tâm đến Việt Nam và ông nhìn Việt Nam là một nước cần phải phát triển, để từ đó, đóng góp vào phát triển chung kinh tế của khu vực.

Cố thủ tướng Lý Quang Diệu và nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Reuters

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Reuters

"Chính ông Diệu đã có lần nói thẳng: Lẽ ra trong cộng đồng ASEAN thì Việt Nam phải là nước phát triển hàng đầu vì Việt Nam cỏ đủ điều kiện đạt được như thế, và cộng đồng ASEAN cũng cần một Việt Nam như thế.

Cũng có lúc ông ước gì Singapore cũng rộng lớn như Việt Nam…

Nhưng ông cũng thẳng thắn nhận xét, đến hiện nay, Việt Nam chưa đạt được vị trí này do nhiều nguyên nhân khác nhau...", ông Trung chia sẻ.

 
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Ông Diệu đánh giá rất cao Việt Nam. Đây là quốc gia có một vị thế chiến lược, là một dân tộc cần cù, thông minh, ham học. Ông luôn nhắc đến sinh viên Việt Nam ở nước ngoài luôn là những người học giỏi nhất. Ông mơ ước có một đất nước cường thịnh như Việt Nam và ông đã từng nói, nếu như có một nước nào mà giàu có, cường thịnh nhất châu Á thì đó chính là Việt Nam.

Theo ông Trung, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực sự có một thái độ nghiêm túc, cầu thị, trao đổi thẳng thắn với ông Lý Quang Diệu về những vấn đề quan tâm, nhất là đánh giá của ông Diệu về sự phát triển của Việt Nam như thế nào.

"Ông Lý Quang Diệu góp ý kiến rất thẳng thắn, thành thật. Cái gì Việt Nam làm được, ông có nhận xét rất khách quan nhưng cái gì Việt Nam chưa làm được thì nói thẳng. Nhưng cũng phải nói là ông Diệu chê nhiều hơn khen.

Cái chê ở đây không phải dè bỉu mà là để chúng ta thấy rõ. Ông đã chỉ ra nhiều lợi thế của Việt Nam so với các nước ASEAN khác.

Đồng thời, cũng thừa nhận, Việt Nam cũng từng có những bước phát triển đi trước Singapore trong các thập kỷ 40 - 50, nhưng do chiến tranh và sau này, ông cũng có ấn tượng sâu sắc với đổi mới của chúng ta.

Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy Việt Nam chững lại sớm và chưa thực hiện được những gì đã đặt ra...", ông Trung nói thêm.

Ông Trung cũng khẳng định, chính những lời chia sẻ của người dân Singapore là sự thể hiện rõ ràng nhất đối với những đóng góp của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

"Với cá nhân tôi, tôi luôn kính trọng ông ở điều dám đối mặt với sự thật và ông có tầm nhìn sắc sảo, nắm bắt được vận động của kinh tế thế giới để đưa Singapore được như ngày nay", ông Trung chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại