Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông cho rằng, việc Việt Nam có nên rút đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Châu Á (Asiad 2019) hay không cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
"Trước hết, khi chúng ta tham gia vào sân chơi, chúng ta phải tuân thủ luật chơi, phải chấp nhận hy sinh để củng cố tiếp nhận cái mới hơn. Tiếp tục đăng cai sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi thế nâng cao vị trí, uy tín trên trường quốc tế. Thực tế, không phải bất kỳ quốc gia nào, thành phố nào cũng có được cái quyền đăng cai Asiad mà nó là một niềm vinh dự cho cả một quốc gia.
Hơn nữa, được bầu chọn là chủ nhà tổ chức Đại hội thể thao Châu Á là kết quả cuộc chạy đua mạnh mẽ ngang tài ngang sức của các quốc gia trong khu vực cũng như những lợi ích của việc đăng cai Asiad đối với nước ta trong việc phát triển nền thể thao nước nhà, du lịch, giao lưu văn hóa…
Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đi tiếp bởi lẽ trước bối cảnh tình hình kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi, liệu rằng có thể đầu tư khoản chi phí lên tới vài trăm triệu USD để chi cho tổ chức Asiad 18 hay không?
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu dân sinh đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa…
Tôi cũng thực sự đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về quan điểm là cần xem xét cân nhắc cho kỹ nếu thấy không đủ khả năng thì xem xét rút lui không đăng cai.
Bởi lẽ trong lịch sử cũng đã có những quốc gia đã xin rút đăng cai như Hàn Quốc xin rút đăng cai Asiad 1970 và Pakistan xin rút đăng cai Asiad 1978. Chúng ta không phủ nhận hoàn toàn không đăng cai mà chỉ do điều kiện nền kinh tế hiện tại chưa đáp ứng được việc tổ chức một Đại hội thể thao có tầm cỡ lớn như vậy", Luật sư Bình cho hay.
Theo Luật sư Bình, căn cứ vào Điều lệ Hội đồng Olympic Châu Á thì việc Việt Nam đã được quyền đăng cai tổ chức Asiad nhưng nay lại rút không đăng cai tổ chức Đại hội là vi phạm các cam kết đã được đặt ra.
"Theo Điều lệ của Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), Điều 44 quy định: Vinh dự tổ chức Đại hội sẽ được giao cho một quốc gia thành viên. Quốc gia thành viên phải có Đơn xin đăng cai Đại hội theo các nguyên tắc nêu trong hướng dẫn đăng cai.
Đơn xin trao quyền đăng cai Đại hội Thể thao của OCA phải được sự phê chuẩn của Chính phủ, xác nhận của chính quyền thành phố và kèm theo cam kết Đại hội sẽ được tổ chức đáp ứng các yêu cầu của OCA.
Đơn phải bao gồm những câu trả lời cho các câu hỏi nêu ra trong Hướng dẫn đấu thầu đăng cai Đại hội Thể thao và câu hỏi về Đại hội Thể thao Châu Á của OCA, sẽ được OCA cung cấp cho các thành phố đấu thầu. Đơn này cũng phải được kèm theo một cam kết rõ ràng rằng Đại hội sẽ được tổ chức theo các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản và các quy định, Điều lệ của OCA, Hợp đồng thành phố đăng cai và quyết định của OCA;
Thành phố vinh dự được trao quyền đăng cai Đại hội sẽ nộp cho OCA một khoản tiền đặt cọc có hoàn lại, trong vòng hai (2) tháng sau khi ký Hợp đồng thành phố đăng cai. Số tiền này sẽ là một bảo đảm đối với việc tịch thu hoặc không tổ chức Đại hội hoặc thực hiện một phần hoặc đầy đủ theo hợp đồng của Ban tổ chức, coi như phù hợp với Ban chấp hành.
Việc hoàn trả cho Ban tổ chức, Ủy ban Olympic sẽ được thực hiện chỉ sau khi Ban tổ chức giải quyết tất cả các tài khoản Đại hội và nộp báo cáo cuối cùng. Số tiền đặt cọc đối với Đại hội thể thao Châu Á là 1 triệu USD.
Hợp đồng thành phố đăng cai được OCA ký bằng văn bản với Ủy ban Olympic thành viên và thành phố chủ nhà được Ủy ban Olympic thành viên lựa chọn. Hợp đồng quy định cụ thể các nghĩa vụ, phận sự của họ. Hợp đồng được ký kết ngay sau cuộc bầu chọn quốc gia thành viên đăng cai Đại hội.
Như vậy, Điều lệ Hội đồng Olympic Châu Á đã quy định các điều khoản ràng buộc chặt chẽ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên.
Việc Việt Nam đã được quyền đăng cai tổ chức Đại hội nhưng nay lại rút không đăng cai tổ chức Đại hội là vi phạm các cam kết đặt ra theo Điều lệ của Hội đồng Olympic Châu Á nêu trên.
Ngay trong Đơn xin trao quyền đăng cai Đại hội đã phải có sự phê chuẩn của Chính phủ, xác nhận của chính quyền thành phố và kèm theo cam kết Đại hội sẽ được tổ chức đáp ứng các yêu cầu của OCA", Luật sư Bình phân tích.
Trong trường hợp, nếu Việt Nam muốn rút đăng cai Asiad, theo Luật sư Bình, chúng ta cần phải có văn bản nêu rõ lý do Việt Nam rút đăng cai tổ chức Đại hội gửi tới Chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á để Chủ tịch triệu tập cuộc họp Đại hội đồng OCA.
"Theo quy định Điều 20 Điều lệ Hội đồng Olympic Châu Á: Đại hội đồng OCA có quyền cao nhất về mọi vấn đề liên quan đến OCA. Đặc biệt, có quyền thực thi các nguyên tắc cơ bản, mục tiêu, nguyên tắc, quy định và hướng dẫn áp dụng luật của OCA.
Đại hội đồng có trách nhiệm với những công việc sau đây, quyết định của họ là cuối cùng trong đó có quyền lựa chọn trụ sở thường trực của OCA, lựa chọn nước chủ nhà để giao Đại hội Châu Á…
Như vậy, nếu Việt Nam rút đăng cai thì Ủy ban Olympic Việt Nam (là đại diện hợp pháp duy nhất cho thể thao Việt Nam trong Phong trào Olympic quốc tế) cần gửi văn bản nêu rõ lý do Việt Nam rút đăng cai tổ chức Đại hội tới Chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á để Chủ tịch triệu tập cuộc họp Đại hội đồng OCA.
Khi đó, Đại hội đồng OCA sẽ là cơ quan có quyền cao nhất xem xét và quyết định việc rút đăng cai và lựa chọn nước chủ nhà để giao Đại hội Châu Á thay thế Việt Nam", Luật sư Bình nhấn mạnh.
Trân trọng mời quý độc giả gửi ý kiến thảo luận và viết bài xung quanh vấn đề đăng cai hay xin rút không đăng cai tổ chức Asiad 18. Những bài hay của quý độc giả (hoặc giới thiệu được bài hay) sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ btv@soha.vn.