Rút lui không đăng cai tổ chức Asiad 18 chỉ là "hạ sách"?

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Ông Đoàn Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao nói: "Việc rút lui chỉ là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế đất nước".

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ chốt lại cần bao nhiêu chi phí cho Asiad 18 đồng thời xem xét phương án cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad 18 (sẽ diễn ra năm 2019). Trường hợp không thể rút được thì phải đề nghị Hội đồng Olympic châu Á (OCA) hỗ trợ tối đa cho Việt Nam, phải tính cách tổ chức thật sự tiết kiệm và không đặt nặng vấn đề phải có nhiều thành tích khi VN là nước chủ nhà.

Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa biết số tiền chính xác mà chủ nhà Việt Nam phải chi cho công tác tổ chức và đăng cai kỳ Asiad năm 2019 là bao nhiêu nhưng chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở mức 150 triệu USD như con số dự toán ban đầu. 

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội hoài nghi về số tiền 150 triệu USD mà Bộ VH - TT & DL khẳng định là “đủ để tổ chức ASIAD 18”. Xung quanh việc đăng cai hay rút lui tổ chức Asiad 18 đã có rất nhiều ý kiến trái chiều và tranh cãi nảy lửa.

Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu quan điểm, các dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo tại khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình và ý định xây làng VĐV phục vụ ASIAD 18 đang “chứa nhiều rủi ro”. 

Cũng theo nguồn trên, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: “Từ nay đến năm 2019 thì số tiền sẽ trượt giá là bao nhiêu? 150 triệu USD có đủ không? Hơn nữa, theo đề án của bộ thì nguồn kinh phí từ xã hội hóa lên đến 72%. Tôi rất băn khoăn về tính khả thi”.

Dẫn con số dự kiến 1,62 tỷ USD mà Hàn Quốc phải chi cho ASIAD Incheon 2014, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến hỏi thẳng: “Liệu có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí dự kiến chi cho ASIAD 2019 ra làm nhiều gói để dư luận không giật mình về số tiền khủng hay không? Nếu tới đây tổ chức ASIAD mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm?”.

Trái ngược với những quan điểm trên, GS.TS Dương Nghiệp Chí khẳng định trên báo Văn hóa: "Trên thực tế, việc đăng cai Asiad 18 chính là dịp để chấn hưng tinh thần dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà các nước lớn trên thế giới đều mong muốn đăng cai các kỳ đại hội thể thao lớn. Không phải vì họ thừa tiền mà vì đăng cai các đại hội thể thao lớn sẽ mang lại nhiều cơ hội và nhiều lợi ích cho các quốc gia chủ nhà. Chúng ta phải đặt thể thao vào đúng vị trí của nó vì đầu tư cho thể thao là đầu tư cho con người, cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Cũng theo ông Chí, chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai Asian Games là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác. Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?

Trong số các công trình phục vụ ASIAD 18 phải xây mới, có dự án sân đua xe đạp lòng chảo. (Ảnh: Lao động)

Cũng nhìn nhận quanh việc đăng cai hay rút đăng cai Asiad 18, ông Đoàn Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao bày tỏ: “Giờ thì đừng nói chuyện không đăng cai".

Theo vị này, đăng cai Asiad 18 chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều vất vả nhưng những cái lợi mang lại thì không thể đong đếm được. Tổ chức Đại hội là dịp tốt để 45 quốc gia trong khu vực biết và hiểu thêm về Việt Nam. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thể thao... Việc rút lui chỉ là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế của đất nước sau bao nhiêu nỗ lực mới có được.

Ảnh minh họa: Báo Văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, nếu xin rút lui trong hoàn cảnh này sẽ gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là quan hệ ngoại giao và hình ảnh đất nước. Việc tổ chức Đại hội làm được nhưng cần đảm bảo phương án triển khai tiết kiệm và tận dụng triệt để những điều kiện cơ sở vật chất sẵn có và phải chấp nhận một tỷ lệ tốn kém nhất định. Tờ Vietnamnet đưa tin.

Cũng trên Vietnamnet, Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa và Luật sư Trần Văn Đức - Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ: “ Chúng ta đã ký kết việc đăng cai Assiad với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) rồi thì không thể nào đơn phương rút lui được. OCA đã quy định rằng nước đăng cai không thể đơn phương bỏ cuộc trừ khi có hiểm họa chiến tranh hoặc bị thiệt hại trầm trọng do thiên tai, động đất trong khi nước ta đang phát triển, lại ổn định về hệ thống chính trị”.

Trân trọng mời quý độc giả gửi ý kiến thảo luận và viết bài xung quanh vấn đề đăng cai hay xin rút không đăng cai tổ chức Asiad 18. Những bài hay của quý độc giả (hoặc giới thiệu được bài hay) sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ btv@soha.vn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại