Đến nay, dư luận vẫn chưa hết xôn xao về vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường – GĐ Thẩm mĩ viện Cát Tường ném xác phi tang chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng.
Gần đây nhất, khoảng 7h30 ngày 1/12, hàng chục hộ dân thuộc thôn 10, xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đưa trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi đến hội quán để uống vitamin A. Tại hội quán thôn, ông Võ Viết Hùng, y tế thôn phát cho mỗi cháu 1 viên thuốc trông như hạt đậu. Cháu nào vắng mặt thì ông Hùng gói đưa cho cha mẹ mang về nhà cho các cháu uống. Sau khi trở về, một số cha mẹ thấy không yên tâm nên đã gọi điện cho lãnh đạo Trạm y tế để hỏi mới ngã ngửa khi biết rằng y tế thôn phát nhầm vitamin A là… hạt đậu.
Một lần nữa, vấn đề y đức lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Để có cái nhìn khách quan hơn về mặt xã hội, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Nguyên Anh – Viện trưởng Viện Xã hội học – người nhiều năm nghiên cứu về tâm lý xã hội về vấn đề này.
Y đức là thứ xa xỉ?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học nói về y đức của người thầy thuốc.
- Đứng dưới góc độ xã hội học, Tiến sỹ có quan điểm như thế nào tình trạng người dân bao vây bệnh viện, thậm chí là đập phá phòng khám, hành hung bác sỹ?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Đây là vấn đề mâu thuẫn giữa người bệnh, người nhà bệnh nhân với cơ sở y tế cụ thể là y bác sỹ. Tình trạng này gia tăng đến mức trở thành hiện tượng vì nhiều lý do như sau:
Về mặt tâm lý: Người dân không thể chờ đợi được nữa, chịu đựng thêm nữa việc thái độ đối xử của bác sỹ, y tá đối với người bệnh khi đến khám chữa tại bệnh viện. Họ cảm thấy bị bác sỹ “bịp” về mặt chuyên môn, có hành vi nhầm lẫn trong việc chuẩn đoán, xét nghiệm…dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra, gây đau thương, mất mát trong gia đình họ. Sản phụ chết, con họ chết…người nhà hẫng hụt, đau đớn.
Về mặt y đức, trách nhiệm của y bác sỹ ngày càng đi xuống: Hiện nay, một bộ phận y bác sỹ có năng lực, y đức đang xuống cấp. Điển hình là hàng loạt vụ “tắc trách”, thiếu chuyên môn dẫn đến cái chết của bệnh nhân như vụ vác xin, nhân bản xét nghiệm, chuẩn đoán nhầm, mổ nhầm...tạo ra sự bức xúc đến cao trào của người dân.
- Nhìn theo góc độ pháp luật, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy, đó có phải là phản ứng dây chuyền của người dân hay sự phát triển tâm lý tự nhiên “tức nước vỡ bờ” của người nhà bệnh nhân?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Bác sỹ chưa làm tròn trách nhiệm, người nhà bệnh nhân thì hy vọng quá lớn. Người ta sốc và họ đánh trực tiếp vào “thủ phạm” gây ra cái chết của người nhà họ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và đáng phải lên án.
Nguyên nhân sâu xa chính là mối quan hệ giữa người bệnh – y bác sỹ không còn là mối quan hệ y đức thầy thuốc mà biến thành “ăn bánh trả tiền”. Người dân cho rằng “tôi trả tiền và anh phải cung cấp dịch vụ cho tôi”, điều đó vượt qua chuẩn mực xã hội.
Nhìn từ góc độ bác sỹ hiện nay thì không theo quy chuẩn y đức như khám chữa bệnh phải kịp thời, công bố chính xác bệnh tình của bệnh nhân chứ không phải đổ tại khách quan như thuốc, kỹ thuật…, thông tin đầy đủ bệnh tình chứ không phải bưng bít.
- Nhìn từ hiện tượng này cũng như sự kiện bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường ném xác phi tang nạn nhân, ông cảm thấy thế nào?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong lịch sử y học ở nước ta. Tôi cảm thấy ngượng, xấu hổ. Người ta đã nói “lương y như từ mẫu”, nhưng đa phần hiện nay, ngành y mang tiếng xấu nhiều, một bộ phận bác sỹ thiếu trách nhiệm, thiếu cẩn trọng với mạng sống con người. Người bệnh xác định đi bệnh viện là khổ, căng thẳng.
Là một người mẫn cảm, khi đọc được những sự việc này, tôi thấy nghẹn ngào. Tại sao vẫn xảy ra mãi? Không thể đổ lỗi cho cá nhân mà do cơ chế quản lý.
Vấn đề này cần được mổ xẻ tìm ra nguyên nhân gốc gác để giải quyết triệt tình trạng này. Có thể thấy, qua vụ việc đó, nhiều y bác sỹ chưa làm tròn y đức, tay nghề thấp, tắc trách…
- Liệu việc đó có làm gia tăng áp lực đối với bác sỹ, bệnh viện và ảnh hưởng đến quan điểm y đức của người thầy thuốc trong lòng nhân dân?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Sự việc xảy ra, nhiều người chỉ thuyên chuyển, đổi ca, đổi vị trí. Mặc dù, vụ việc đáng tiếc diễn ra rất nhiều nhưng không học được bài học nào. Đáng lẽ một sự kiện xảy ra trong cả nước, thì bệnh viện khác cũng phải biết rút kinh nghiệm, chỉ thấy “chữa cháy”, giải quyết hậu quả.
Áp lực hiện nay là quả bóng chưa xì hơi, sẽ không giảm được áp lực, vụ việc sẽ còn tiếp tục xảy ra dẫn đến “nhờn” quan hệ xã hội. Có thể thấy, quản lý nhà nước kém, không ai nhận lỗi từ bác sỹ cho đến lãnh đạo bệnh viện, những người đứng đầu ngành thì “đá bóng cho nhau nhau”.
- Vậy theo ông, điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra từ thực trạng này là gì?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Người dân ngày càng mất niềm tin càng lớn vào đội ngũ thầy thuốc. Nhưng người ta không còn sự lựa chọn nào khác, khi có bệnh thì vái tứ phương để cứu chữa. Hơn nữa, niềm tin vào chuyên môn của y bác sỹ cũng ngày càng giảm sút nhưng họ chẳng biết kêu ai!
- Bộ trưởng Bộ Y tế có nói rằng: “Ngành y là ngành mà tất cả tai biến là không thể ngờ tới”. Và bài toán xây dựng y đức cho đội ngũ y bác sỹ không phải một sớm một chiều. Theo ông, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Mình có tật “mất bò mới lo làm chuồng”, “chữa cháy”. Ở đây, cả người dân và đội ngũ y bác sỹ cùng nên rút kinh nghiệm, lãnh đạo bệnh viện nên đứng ra chịu trách nhiệm chứ không nên bưng bít thông tin.
Tôi không thể hiểu tại sao đường đường là một Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống lại vin vào lý do lãnh đạo đi khai giảng, bệnh nhân chết ở bệnh viện khác để chối bỏ trách nhiệm của mình trước thông tin sự việc cháu bé 8 tháng tuổi tử vong gần đây.
Tôi đề nghị cơ quan có trách nhiệm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, biện pháp xử lý kịp thời. Y bác sỹ cần làm đúng, đầy đủ quy trình và có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ đến người bệnh, người nhà bệnh nhân. Y đức đang trở thành thứ xa xỉ, xa vời trong nền kinh tế thị trường. Một bác sỹ không thể chống tiêu cực mà là tất cả đội ngũ cán bộ trong ngành y chung tay giải quyết hiện tượng này. Ai cũng biết được “bệnh” nhưng rất “khó chữa”!