Vì sao TMV Cát Tường không được cấp phép mà vẫn tồn tại được?

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Đó là một câu hỏi được đặt ra sau các vụ việc “nóng” trong ngành y tế vừa qua ở Hà Nội như vụ TMV Cát Tường, vụ làm chết trẻ ở Thường Tín…

 Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng

Chiều ngày 2/12, tại buổi thảo luận tổ ở kỳ họp HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu HĐND đã thảo luận về những vấn đề “nóng” liên quan đến ngành y tế trong thời gian qua.

Trong đó nổi bật là vấn đề hành nghề y dược tư nhân ở Hà Nội liên quan đến vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường và vụ Trưởng khoa Nhi làm chết trẻ tại phòng khám tư ở Thường Tín. Đại biểu HĐND Đặng Văn Chính (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Hiện nay, TP. Hà Nội có khoảng 6000 cơ sở y tế ngoài công lập nhưng Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chỉ có 14 người trong đó có 4 cán bộ phụ trách về hành nghề y, 4 cán bộ phụ trách về hành nghề dược bao gồm cả trong và ngoài công lập”.

Đại biểu HĐND TP. Hà Nội Đặng Văn Chính (Ảnh: Tuấn Nam)
Đại biểu HĐND TP. Hà Nội Đặng Văn Chính (Ảnh: Tuấn Nam)

Lý giải về việc tại sao một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được cấp phép hoạt động nhưng vẫn có người dân đến khám trong đó có trường hợp của TMV Cát Tường, vị đại biểu này cho rằng: “Phòng kinh tế kế hoạch của quận (huyện) cấp giấy phép kinh doanh và người ta (cơ sở y tế tư nhân – PV) lấy giấy phép kinh doanh đó để hoạt động.

Nhưng người dân cứ tưởng những cơ sở y tế tư nhân như thế được kinh doanh mà không biết đó là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Về vấn đề này Bộ Y tế cũng rất trăn trở. Nếu chỉ mình Sở Y tế thì không làm xuể được”.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Đặng Văn Chính cho rằng: Phải phân cấp, giao cho quận (huyện), xã (phường ) thực hiện việc kiểm tra giám sát hàng tháng. Sau đó, các cơ quan này báo cáo về Trung tâm y tế quận (huyện), báo cáo về Phòng Y tế để Phòng Y tế báo cáo lên Sở Y tế, lúc đó Thanh tra Sở mới nắm được. Thanh tra Sở chỉ nắm được danh sách đã được cấp phép còn mảng chưa được cấp phép thì không nắm được.

Liên quan đến vấn đề quản lý này, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP. Hà Nội) cho rằng: "Cái yếu nhất của Hà Nội là xử lý mối quan hệ giữa cơ quan cấp phép hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước. Bài học trong ngành y tế gần đây là một ví dụ. 

Cách đây 2 năm, chúng ta cứ nói mãi chuyện Trung tâm y tế nằm ở đâu: nằm ở quận (huyện) hay ở Sở Y tế? Bây giờ xảy ra một loạt các việc bê bối thì bắt đầu “đổ” cho Sở Y tế không có người, ít người. Đó là bài học sâu sắc về trách nhiệm quản lý Nhà nước với quản lý ngành. Lúc làm không xảy ra việc gì thì cứ vơ về mình, khi xảy ra việc thì đẩy vội”.

“Tất nhiên ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước và quản lý ngành như thế nào?”, vị Đại biểu này đặt ra câu hỏi.

Liên quan đến các vụ việc về y tế xảy ra vừa qua trên địa bàn Hà Nội, đại biểu Hồ Quang Lợi cho biết: “Những vụ về y tế vừa qua quá dồn dập. Nhưng nói gì thì nói thì ngành y tế vẫn phải chịu trách nhiệm. Địa phương nơi để xảy ra sự việc cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng ta phải có cách nhìn thực sự nghiêm túc, cần phải quyết liệt hơn nữa…”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại