Chương trình đã… lỗi thời
Cách đây gần 1 tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đồng ý cho 10 trường ĐH, CĐ thuộc khối văn hóa nghệ thuật được phép thử nghiệm bỏ thi môn Văn đầu vào với khối H, N, S.
Năm nay, thí sinh thi vào 10 trường ĐH, CĐ thuộc khối năng khiếu sẽ được miễn thi môn Văn.
Khi gặp phải sự phản ứng của dư luận, ông Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục) lý giải: “Bộ Giáo dục tạo điều kiện để các trường chủ động, tạo điều kiện giảm tải cho các em thi đầu vào, cho nên lấy kết quả của môn Văn tổng kết cả 3 năm học phổ thông và kết quả thi tốt nghiệp môn Văn… Chúng ta không xem nhẹ môn Văn mà chỉ không thi đầu vào thôi”.
Phát biểu của vị Cục phó cho thấy, cơ quan quản lý đang tạo điều kiện cho các thí sinh thi vào những khối này được giảm tải nhưng nếu nói trắng ra là sợ môn Văn sẽ đánh trượt nhiều thí sinh. Điều đó cũng có nghĩa là chương trình – SGK môn Văn ở bậc phổ thông quá nặng khiến cho người ta sợ nó tới mức phải loại ra khỏi một kỳ thi quan trọng.
GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, bình luận: “Chương trình của môn Văn hiện nay khô cứng quá, chúng ta cứ duy trì mãi một chương trình như vậy với các tác phẩm được coi là tiêu biểu qua nhiều năm là không phù hợp với văn học đương đại và cũng không phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.
Nói ví von thì tuồng – chèo – cải lương là thành tựu văn hóa rất đáng quý của dân tộc, nhưng ngày nào mà cũng xem thể loại ấy thì sẽ phát chán. Văn học cũng vậy thôi. Vì vậy, nên thay đổi chương trình bằng cách chọn một số tác phẩm tiêu biểu, còn lại hãy để cho giáo viên và học sinh tự chọn với thang kiến thức chuẩn nào đó.
Xu hướng giáo dục hiện đại là hướng dẫn cho học sinh phương pháp và để các em tự tìm hiểu, tư duy và phát triển điểm mạnh của riêng từng em. Học Văn mà cứ bắt phải làm ra một kết quả giống nhau là điều rất đáng tiếc”.
Gần đây nhất, Bộ Giáo dục lại khiến nhiều người “choáng váng” khi công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2013 mà không có môn Lịch sử, bằng giải thích “bốc thăm không trúng”.
Nhiều nhà sử học, chuyên gia giáo dục bày tỏ sự lo lắng khi môn Sử bị loại, nhưng đa phần học sinh lại vui mừng.
Lý giải về điều này, GS. Phan Huy Lê thẳng thắn nói rằng : “Đối với tình hình dạy và học trong nhà trường hiện nay, kể cả SGK, vị thế môn Sử, thì việc các em chán Sử là tất yếu.
Thẳng thắn mà nói, nếu là học sinh thì tôi cũng chán môn Sử như các em. Bởi môn Sử đáng ra rất hấp dẫn lại trở thành môn học chán ngắt, SGK nặng nề, la liệt sự kiện, đưa ra những phân tích và khái quát chung chung, trừu tượng.
Có thể nói, SGK bậc phổ thông hiện nay chẳng khác gì là tóm tắt sách người lớn rồi bắt trẻ con phải học. Dạy Sử và học Sử như thế thì trẻ em chán là phải".
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy chuyên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) – người đã đào tạo nhiều học trò đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, thẳng thắn cho rằng: “Chương trình – sách giáo khoa hiện nay đã lỗi thời, cần phải nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém từ môn Lịch sử thì mới có được giải pháp phù hợp.
Chương trình hiện nay kiến thức quá nặng, nhồi nhét vô tội vạ, nhưng kiến thức phục vụ cho thi thì không nhiều. Vì vậy, cần phải rà soát lại chương trình, phải thể hiện đúng bản chất của khoa học lịch sử, cái gì đúng nói đúng, không nói sai lệch lịch sử, không nên áp đặt chính trị hóa vào lịch sử, làm mất đi tính trung thực của lịch sử”.
Học sinh thích học hay chán học phụ thuộc vào giáo viên
Đây là nhận định chung của nhiều giáo viên dạy các môn thuộc nhóm xã hội. Thầy giáo Trần Trung Hiếu cho rằng: “Dù cấu trúc chương trình có thay đổi thì giáo viên vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với việc học sinh có thích thú với môn Sử hay không?
Nếu cứ dạy như chương trình định sẵn, học sinh chán là đương nhiên, nhưng nếu biết đưa vào nhiều kiến thức mở rộng, sinh động… các em sẽ say mê với môn Sử.
Tuy nhiên, điều này lại không chỉ phụ thuộc vào kiến thức, sự khổ luyện, mà còn nằm ở cái duyên, khả năng riêng của từng giáo viên”.
Bên cạnh đó, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, về lâu dài phải giải quyết được hai vấn đề: Thứ nhất là đánh giá đúng được thực trạng, tìm đầy đủ các nguyên nhân, để giải thích vì sao hiện nay đa số học sinh không hứng thú học Sử, chất lượng giáo dục lịch sử còn thấp, dù Bộ Giáo dục đã có những cố gắng để khắc phục tình trạng này nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện một cách căn bản.
Thứ hai là phải định hướng đổi mới dạy học lịch Sử trên cơ sở đ ánh giá đúng thực trạng, tìm ra những nguyên nhân của những mặt được và những mặt còn hạn chế của dạy học lịch Sử ở phổ thông, đồng thời nên tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về dạy học lịch sử để tham khảo và vận dụng một cách linh hoạt.
Ngoài ra, thầy Hiếu cũng chỉ rõ những bất cập trong chương trình - SGK môn Lịch sử ở bậc phổ thông hiện nay là quá nặng, chỗ cần giảm tải thì không giảm nhưng những nội dung quan trọng thì lại giảm.
“Trong phần lịch sử Việt Nam sau năm 1975, có hai nội dung quan trọng là “quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “quá trình bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, thì có những phần quan trọng như là hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam năm 1979 lại đề cập sơ sài, thậm chí năm ngoái Bộ Giáo dục còn cho phép giảm tải, không phải dạy phần này.
Không dạy, nghĩa là không thi, mà không thi thì học sinh không học. Trong khi đó, nội dung quan trọng ấy chính là phần nâng cao tinh thần yêu nước của các em”, thầy Hiếu chia sẻ.
Nhìn ở một góc độ khác, điểm thi của các môn xã hội nói chung thấp là do đa phần các em chọn các khối thiên về tự nhiên, có nhiều lựa chọn ngành học và khi tốt nghiệp đại học có thể thi vào các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài, ngân hàng… với mức lương bổng cao hoặc chí ít cũng tìm được việc làm ở những công ty tư nhân tầm tầm.
Còn các em học khối xã hội, mặt bằng chung là rất khó tìm được những công việc có mức lương cao, thậm chí tỷ lệ thất nghiệp cũng khá cao.
Trước thực trạng các môn xã hội bị xem nhẹ, cô Hiền Lương – Giáo viên dạy chuyên Văn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Với tình hình hiện tại, để giúp các em say mê với các môn xã hội, tôi nghĩ rằng bản thân mỗi giáo viên dạy một môn học nào đó phải tự tìm ra phương pháp của riêng mình .
Đ iều quan trọng nhất là truyền được cảm hứng cho các em, để các em thấy rằng, dù có chọn ngành học tự nhiên thì những môn xã hội này cũng vô cùng quan trọng, nó là kiến thức nền cho các em chắp cánh khi vào chuyên ngành ở đại học. Khi các em hứng khởi với môn học, tự nhiên mọi rào cản sẽ được phá bỏ, các em sẽ chủ động hơn”.
Theo cô Hiền Lương, về lâu dài vấn đề cơ bản để các em tự động đầu tư có chiều sâu cho các môn học xã hội nằm ở chỗ khi nào cấu trúc hệ thống của nền giáo dục thay đổi.
Có thể là chương trình - sách giáo khoa thay đổi, kéo theo phương pháp dạy và học cũng sẽ thay đổi, giúp các em có nhiều hứng thú hơn, học một cách chủ động chứ không bị gò ép vào một chương trình nhất định, kết quả của các bài thi không nhất thiết cứ phải quy về một đáp án.
“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các giáo viên ở khối xã hội, đặc biệt là ở các trường chuyên đã đưa những phương pháp giảng dạy mới vào để kích thích khả năng cảm nhận, sáng tạo của từng em .
Tuy vậy sự cố gắng ấy cũng chỉ khỏa lấp được một phần nào đó mà thôi, chứ suy cho cùng thì chương trình ấy, bài học ấy, cho nên khi đi thi vẫn không thể vượt ra ngoài được ”, cô Hiền Lương chia sẻ.