Sau khi mấy bà vãi ở ngôi chùa cổ Tân Ninh (làng Tân Sơn, Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) làm lễ cúng bái, hương khói nghi ngút và tin rằng con rắn màu vàng trú ẩn sau khuôn viên chùa là “rắn thần”, thì người dân làng Tân Sơn mới tá hỏa.
Lúc này, người dân mới chú ý đến những cây cảnh trị giá bạc triệu bỗng dưng “đột tử” ở nơi “ông rắn” đang ngự. Những cây cảnh này vốn thuộc sở hữu của một anh trong làng. Anh này là dân buôn cây tầm cỡ, toàn cây đại thụ đào ở rừng về.
Hồi năm ngoái, anh này vận chuyển 7 cây đại cảnh lên Lạng Sơn bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khách hàng chỉ trả hơn 100 triệu đồng, nên anh ta đem về, trồng nhờ vào khuôn viên của chùa, để khi nào được giá thì bán. Nhưng đen đủi thay, cả 7 cây đại cảnh đều chết không rõ nguyên nhân. Hiện 3 cây đã được xẻ làm gỗ, còn lại 4 cây ở gần nơi “ông rắn” ngự thì không ai dám đốn hạ.
Những cây đại cảnh này chết chắc chắn chẳng thể do con rắn nước kia phun độc, hay có siêu năng lực gì đó khiến cây chết, nhưng người ta lại cứ đồn ầm lên rằng: “Ông rắn muốn cây sống thì cây sống, muốn cây chết thì cây chết. Sở dĩ những cây cảnh đắt tiền trồng xung quanh nơi ông rắn ngự đều chết khô là vì chúng che mặt trời, làm “ông” không sưởi nắng được”.
Những lời đồn quanh con rắn này cứ thế lan rộng, rồi các câu chuyện được thêu dệt cho ly kỳ, huyền bí. Từ những câu chuyện thêu dệt, truyền miệng đó, mà sự linh thiêng đã bao phủ lấy con rắn nước bình thường này, biến nó thành “rắn thần”, để rồi dân làng cung kính gọi là “ông rắn”.
Trong các cuộc trò chuyện với dân làng, với các cụ bà chùa Tân Ninh, thi thoảng tôi lỡ mồm gọi là con rắn, liền bị nhắc nhở ngay, rằng phải gọi là “ông”, là “ngài”, kẻo “ông” phạt thì không chết bất đắc kỳ tử, cũng nổi điên.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự tôn kính “ông rắn” là vào ngày 13-1-2013, khi chị Đặng Thị Thuận, trưởng thôn Tân Sơn 2, bị “ông rắn” nhập.
Chuyện chị Thuận bị “rắn nhập”, được chị khẳng định trong “Bản tường trình” do chính chị viết, gửi ban lãnh đạo xã Tân Dĩnh.
Nhà chị Thuận ở đầu làng, cách nơi “ông rắn” ngự chỉ cỡ 200m. Hôm đó, vào lúc 4h30 chiều, chị Thuận ra nhà chị phó thôn và anh tổ trưởng tổ liên gia để tổng hợp các suất ăn của các hộ gia đình, chuẩn bị cho ngày hội chùa vào ngày 15 và 16.
Trên đường về, thấy chỗ “ông rắn” ngự có đông người, chị Thuận đã dừng xe và rẽ vào xem tình hình thế nào với vai trò trưởng thôn.
Khi vào đó, chị thấy ông Hòa, là thầy cúng của làng và các cụ đang làm lễ, cùng nhiều người ngồi xem.
Chị Thuận viết trong bản tường trình: “Sau đó tôi không biết là hiện tượng gì đã xảy ra và đến với tôi. Tôi nói và làm gì hoàn toàn tôi không biết. Một lúc sau tôi tỉnh, tôi còn hỏi mọi người xung quanh là “cháu bị làm sao đấy” và tôi dậy đi về nhà bình thường”.
Việc chị Thuận bị “vong ông rắn nhập” đã được nhiều người ghi hình. Một thanh niên trong làng là anh Ngô Minh Thực đã đưa video này lên trang Youtube, với nội dung đại để nói rằng, “ông rắn” chính là “thần giữ của” của làng Tân Dĩnh.
Vậy là, sự việc về “rắn thần” đã không dừng lại ở ngôi làng Tân Dĩnh, mà đã lan rộng ra cả nước. Đó chính là nguyên nhân khiến hàng ngàn người, với xe cộ rồng rắn đổ về làng Tân Sơn chiêm bái “ông rắn”.
Trao đổi về chuyện “ông rắn” nhập hồn qua chị trưởng thôn, xưng là “thần giữ của”, TS. Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (Liên hiệp UIA) cho rằng đó là hiện tượng hoàn toàn nhảm nhí.
“Người bình thường nhất cũng nhận thấy chuyện này hài ước, không có thật. Rõ ràng con rắn đó là rắn nước bình thường và vẫn đang sống sờ sờ ra đó, cứ cho là con rắn có linh hồn, nhưng nó đang sống, thì linh hồn vẫn ở trong nó, chứ sao lại nhập được vào con người, rồi phán lung tung này nọ về kho báu.
Chuyện thờ cúng rắn thần, thần xà thì không có gì sai, nhiều nước vùng Á Đông có phong tục này. Tuy nhiên, tôn xưng một con rắn nước thành thánh thần, rồi thi nhau vái lạy thì nhảm nhí hết sức” – ông Khanh cho biết.
Chuyên gia thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân khẳng định chuyện chị Nguyễn Thị Thuận mất ý thức đột ngột là hiện tượng tự ám thị, là tác động của suy nghĩ và đức tin, chứ không phải “thần xà” nhập vào người.
Theo ông Quân, những người chưa biết hoặc chưa nghe về con rắn này, thì sẽ không thể bị “vong rắn nhập”. Chị Thuận là người ở trong làng, biết rõ chuyện con rắn này và tin vào những lời đồn hãi hùng về “rắn thần”.
Khi chị Thuận xuất hiện ở gần nơi con rắn ở, khung cảnh hương khói, thành kính, cộng với tần số alpha của não lại không ổn định, khiến tự ám thị trong tiềm thức sẽ xâm chiếm bộ não, biến chị thành “thần rắn”, hoặc bất cứ thứ gì đó.
Đây là biểu hiện bệnh lý mà phương Tây gọi là “hội chứng lên đồng”. Các tổ chức y khoa thế giới nghiên cứu rất kỹ và có mã số F44.3 trong bảng phân loại các bệnh rối loạn tâm thần.
Như vậy, rõ ràng, không có chuyện thánh thần, xà thần gì cả, mà đó chỉ là con rắn bình thường, được người dân tôn lên thành “ông”, thành “xà thần”. Tri thức con người bị che lấp bởi niềm tin mù quáng, khiến họ đi chắp tay vái lạy một con rắn nước bình thường.
Trao đổi về chuyện “xà thần”, ông Ngô Khải Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cũng khẳng định đó là một con rắn nước bình thường. Hiện lãnh đạo xã cũng rất đau đầu về việc người dân khắp nơi đổ xô về làng Tân Sơn cúng bái rắn.
Theo ông Hoàn, ngay khi phát hiện sự việc mê tín dị đoan, nhảm nhí này, chính quyền đã giao cho công an xã, thôn giám sát chặt chẽ, cùng chính quyền vận động người dân không tin vào chuyện hoang đường.
Những ông đồng, bà cốt, thầy cúng nếu xuất hiện trên địa bàn, chính quyền xã sẽ lập tức giải tán. Tuy nhiên, cũng theo ông Hoàn, các hành động cứng rắn của chính quyền vẫn chưa đạt hiệu quả, bằng chứng là hàng ngày vẫn có rất nhiều người từ nơi khác đổ về cúng bái, hành lễ.
Trong khi chúng tôi đang trao đổi với lãnh đạo xã về phương án giải quyết tình trạng mê tín dị đoan, thì các bà sãi chùa Tân Ninh cùng nhân dân đang tích cực vác gỗ chuẩn bị dựng đền miếu để cúng bái “rắn thần”.