Lộ thêm chuyện lạ về "thần xà" nhập dây chuyền ở Hà Nội

Theo Kienthuc |

Sau khi “thần xà” nhập dây chuyền vào 4 người, lễ cúng dâng bò lên…, theo tìm hiểu, việc tế lễ diễn ra có nhiều điều khó lý giải.

Đó cũng chính là lý do ông Ủy viên Ban Quản lý di tôn tạo di tích phường cho rằng: “Nếu các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có thể lý giải cho chúng tôi thì chúng tôi hoan nghênh lắm!”.

“Thần xà” đã về… chứng giám?

Khoảng 8h tối trước ngày diễn ra lễ 8/3 cúng bò dâng “thần xà” như lời chỉ dặn của “thần”, một nhánh rễ đa trong miếu “tự dưng rung lên bần bật như có người đang trèo” trước sự chứng kiến của hàng chục người, trong đó có các thành viên Ban tổ chức lễ Tổng kết hội xuân Quý Tỵ và khánh thành trùng tu các hạng mục di tích miếu Vạn Phúc. Người ta cho đó là một điềm lành, tin rằng “thần” về “chứng giám” lòng thành kính của dân làng.

Chừng 6h30 sáng ngày 28 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 9/3), sân miếu Vạn Phúc đã kín chỗ. Người ta phải xếp ghế ngồi tràn ra cả khu vườn. Thậm chí, nhiều người còn đứng ngoài đường cho gần sát với khu làm lễ vì trong sân đã không còn chỗ trống.

Dưới gốc đa, người ta đặt hai con rắn bằng hàng mã theo hướng đang bò lên. Gần đó là “bể nước” có rắc những cánh hoa hồng để “thần” tắm như lời dặn trong lần “nhập” vào một người dân. Gần đó, hai con bê dâng tế “thần xà” được trang trí rực rỡ với vòng hoa đeo trên cổ, các chân đều buộc nơ màu đỏ, thu hút sự quan tâm của nhiều người hiếu kỳ.

Bê dâng cúng “thần xà” được trang trí rực rỡ.

 Không nên rạch ròi duy vật và duy tâm

Ông Đỗ Quang Vĩnh năm nay bước sang tuổi 77, là Ủy viên Ban Quản lý tôn tạo di tích phường. Ông bảo, sống ngần ấy năm, đi nhiều, biết cũng không ít, thế nhưng những chuyện ở làng trong vòng hơn chục ngày qua khiến ông không thể nào lý giải nổi. Và càng không thể không tin vào sự linh thiêng của Bà Thành hoàng cùng “Hoàng Xà” (một cách gọi khác của “thần xà”).

Đương nhiên, với một người mà “trong đầu đầy lý luận duy vật biện chứng” như ông tự nhận, ông lại từng công tác ở Bộ Tài nguyên – Môi trường thì để có được sự “tin” ấy cũng không phải là đơn giản. “Phải xâu chuỗi tất cả các câu chuyện từ lịch sử đến giờ, phải sàng lọc chúng, kể cả sàng lọc nhân thân, động cơ của những người trong cuộc bị “thần” nhập cùng với việc tận mắt chứng kiến, tôi mới tin rằng trong trường hợp này đừng nên rạch ròi giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm làm gì. Nó rất khó để giải thích”, ông nói.

Câu chuyện ở miếu xảy ra tối 8/3 càng làm cho ông Vĩnh tin hơn vào sự linh ứng của thánh thần làng ông. Chuyện rằng, khoảng 8h tối, trong khi người ta đang gấp rút chuẩn bị cho buổi lễ vào ngày hôm sau thì một nhánh rễ đa – được cho là nơi trú ngụ của “thần xà” trong miếu tự dưng rung lên bần bật như có người đang trèo, trước sự chứng kiến của hàng chục người, trong đó có các thành viên Ban tổ chức lễ hội. “Đó thật sự là một điều rất lạ!”, ông Vĩnh không giấu được sự sửng sốt.

Một trong những nhánh rễ đa này “tự dưng rung bần bật” trước ngày làm lễ.

 Sự linh nghiệm của miếu Vạn Phúc

Ông Vĩnh cũng là một trong số những người nắm rõ lịch sử của làng. Qua sự chắp nối của ông, người ta có thể tin rằng sự trùng hợp không còn là ngẫu nhiên!

Ông mở đầu từ câu chuyện mà bố ông vẫn kể cho nghe, diễn ra từ thời vua Tự Đức. Thuở ấy, nạn cướp bóc hoành hành. Chúng về Vạn Phúc cướp rồi đốt làng, những mái nhà cháy rừng rực. Trước tình cảnh ấy, Hành tẩu bộ binh Hàn lâm viện Nguyễn Huy Kỳ liền ra miếu khấn cầu Bà Thành hoàng cứu dân làng thì ngay lập tức, một trận mưa lớn đã xảy ra dập tắt đám cháy.

Năm 1953 xảy ra một trận cháy lớn ở chính thân cây đa. “Tự dưng lửa từ cây đa bốc lên, khói nghi ngút mà không thể xác nhận được ngọn lửa ấy từ đâu ra. Nếu cứ để như thế thì chỉ trong vòng một ngày, cây đa cổ thụ sẽ còn lại đống tro. Dân làng liền hò nhau múc nước từ sông Nhuệ lên chữa cháy cho cây. Người ta phải bắc 5 - 7 cái thang leo lên ngọn dập đám cháy, khoảng 2 tiếng sau mới dập được lửa. Dân làng coi đó là điềm rất gở. Mà thời ấy, gở nhất là việc giặc càn.

Quả nhiên, mấy hôm sau, một trận càn lớn diễn ra. Đêm, quân Pháp lẳng lặng vây chặt các ngõ ngách. Chừng 4 – 5 giờ sáng, lính vào từng nhà lùa người dân ra ngoài, đàn ông xếp hàng một bên, một bên là đàn bà và trẻ nhỏ. Đàn ông thì nó bắt ngẩng mặt rồi cho những tên chỉ điểm đi nhận mặt. Tình thế như cá trong chậu nên nhiều cán bộ cách mạng bị lộ, bị tra tấn dã man. Nó quần cho đến 10h đêm. 

Nhưng chưa hết, sau đó ít ngày, giặc đem quân đến đóng ở chùa, đình và đầu làng. Quanh đình, chúng lập “vành đai trắng”, phá hủy hàng trăm nóc nhà của dân. Đó thật sự là thời kỳ đen tối nhất với dân làng Vạn Phúc. Người ta cũng dần hiểu rằng, việc cây đa cháy đó không phải là ngẫu nhiên mà giống như điềm báo.

Khoảng năm 1967 – 1968, lại một chuyện lạ lùng nữa xảy ra. Hồi ấy, Sở chỉ huy Trung đoàn Phòng không đóng ở miếu này. Một đêm nọ, anh trực ban đứng gác cứ thấy có con đom đóm to bay vòng trước mặt rồi bay thẳng. Run rủi thế nào anh ta xách súng đi theo thì phát hiện có thằng gián điệp đang đánh tín hiệu, thế là bắt sống nó chứ nếu không sẽ không biết hậu quả ra sao vì có thể làng sẽ ăn bom, tên lửa của giặc”, ông Vĩnh kể.

Rất đông người dân đến tham gia buổi lễ.

Cúng bò sống hợp với Thần phả

Theo ông Vĩnh, “việc cúng bò sống hay chín thì sau này mới lộ rõ” rồi thuật lại câu chuyện có liên quan tới một cán bộ phường.

Đó là trường hợp của chị Thành ở khu phố Hạnh Phúc. Trong khi đến làm lễ tại miếu, “không hiểu sao chị ấy nhất quyết không chịu về nhà, dù mọi người có khuyên can”. Chị Thành đòi gặp bằng được vị cán bộ phường là em trai ruột của mình.

Cuối cùng, vị cán bộ kia cũng ra gặp chị Thành và biết chị đang bị “ốp đồng”. Cuộc đối thoại diễn ra và người ta mới “ngã ngửa”: Chính Bà Thành hoàng đã “nhập” vào chị. Từ đó hé mở thân thế của “thần xà”. “Thần” đã theo hầu Bà được 1.000 năm nay. Theo chỉ giáo của Bà thì việc cúng bò dâng “thần” có thể làm nhưng tuyệt đối không được giết thịt mà phải cúng bò sống, sau đó phóng sinh bằng cách giao cho người nghèo nuôi, Bà sẽ phù hộ để cho bò sinh sản. “Việc cúng bò rồi phóng sinh cũng rất phù hợp với tinh thần nhân đạo, nhân văn ghi trong Thần phả: Có năm Bà đi du ngoạn các nơi về, dân được mùa thì mổ trâu bò để mừng. Bà quở trách. Từ đó, không có chuyện giết trâu bò cúng tế ở làng Vạn Phúc nữa”, ông Vĩnh cho hay.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng ban Ban Quản lý tôn tạo di tích phường xác nhận: Sau khi lấy ý kiến, chúng tôi quyết định chọn mua đôi bê ở trên Ba Vì (Hà Nội). Làm lễ cúng “thần” xong, đôi bê này được tặng cho hai gia đình ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) vì giữa hai làng Kim Lan và Vạn Phúc từng kết nghĩa với nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại