Khó khăn của đoàn công tác Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sau động đất
Tại thời điểm xảy ra trận động đất 7,9 độ richter tại Nepal vào trưa 26/4, đoàn cán bộ gồm 10 người của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang có mặt tại khách sạn để chờ đi tham quan một số công trình phòng chống thiên tai cùng Hội Chữ thập đỏ Nepal.
Trở về nước an toàn sau trận động đất lịch sử xảy ra trên đất nước Nepal, anh Vũ Ngọc Kiên – cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vẫn hàng ngày theo dõi diễn biến thông tin xảy ra trên nước bạn.
Từng đi công tác nhiều nơi nhưng với anh Kiên, đây đã trở thành chuyến công tác “lịch sử” không chỉ với riêng anh mà với cả 9 thành viên còn lại.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Kiên cho hay, đoàn của anh gồm 6 nam, 4 nữ trong đó người cao tuổi nhất là 58 tuổi, được cử sang Nepal trong khuôn khổ 2 dự án: Dự án phát triển tổ chức và Dự án phòng ngừa ứng phó thảm họa dựa vào cộng đồng.
Trong đó, động đất chỉ là thảm họa nhỏ trong số các thảm họa của dự án.
“Chúng tôi sang Nepal chủ yếu học cách quản lý, điều hành để xây dựng tổ chức.
Hầu hết các thành viên trong đoàn mới chuyển sang hội mấy năm nay, kinh nghiệm ứng phó với động đất chưa có nên khi xảy ra động đất họ bị hoảng.
Bản thân tôi cũng chưa từng gặp động đất như thế chỉ mới gặp những trận rung lắc nhẹ ở Hà Nội nên cũng hoảng sợ.
Lúc ấy, nhà đong đưa không khác gì ngồi trên thuyền giữa chốn sông nước” – anh Kiên nói.
Anh nhớ lại thời khắc ấy, các thành viên trong hội bảo nhau đứng vào các góc nhà ở các cột bê tông để đảm bảo an toàn cho mình trước sau đó cũng hỗ trợ mọi người tự bảo vệ cho mình.
Sau khi tất cả rời phòng chạy xuống dưới sảnh khách sạn, trước mắt anh Kiên là cảnh tượng tán loạn khi khách du lịch cũng đang sơ tán khỏi đây.
“Con phố này vốn sầm uất như khu phố cổ của Hà Nội mình nhưng sau trận động đất xảy ra, xe máy vứt khắp nơi ngoài đường, tất cả khách sạn, nhà hàng đóng cửa” – anh Kiên kể.
Lên máy bay về nước mới biết mình an toàn
Sau động đất, Hội Chữ thập đỏ Nepal và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mất liên lạc với nhau. Lúc này, toàn bộ lực lượng của nước bạn tập trung cho công tác cứu hộ.
Anh Kiên chia sẻ: “Khi liên lạc thông suốt, họ cũng hỏi bên đoàn mình có cần hỗ trợ gì không nhưng chúng tôi bảo có thể chủ động được lương thực nhằm động viên tinh thần anh em. Mặc dù khi đó lương thực dự trữ mang theo còn rất ít.
Trưa 27/4, chúng tôi có mặt tại sân bay để về nước vì theo kế hoạch đoàn chúng tôi đã được đặt vé khứ hồi cho ngày trở về là vào 26/4. Khi động đất xảy ra toàn bộ sân bay đóng cửa trong 2 ngày.
Không internet, điện thoại không có sóng, không liên lạc được về nhà, lương thực còn ít. Đến trưa 27/4, chúng tôi hết đồ ăn, chỉ còn vài chiếc bánh mì và mấy gói bim bim mua tại cửa hàng duy nhất bán ở sân bay.
Có lúc mỗi người chỉ còn được nửa gói mì cho vào bát ăn mà không rửa, ăn xong lại đưa người khác ăn tiếp.
Bên hàng không Nepal cũng không thông báo chính xác giờ bay, các thành viên của đoàn rất lo lắng về việc lỡ chuyến bay.
Khi đó có hàng nghìn người ngồi kín sân bay và cũng đang vạ vật “chờ” như chúng tôi mà chỉ có duy nhất một cửa hàng lương thực bày bán.
Chúng tôi cũng chia nhau tìm các bãi cỏ trống để ngồi, chốc chốc lại phải chạy vào trong để tránh mưa.
Ở sân bay, chúng tôi gặp chủ yếu là khách du lịch, trẻ con cũng được bố mẹ bảo bọc, tôi không gặp bất kì trường hợp nào là trẻ nhỏ lang thang, cơ nhỡ có mặt tại đó.
Trong đoàn cũng nói là anh em quyên góp tiền cho Nepal nhưng lúc đó quyên góp cũng không được vì không có liên lạc.
Khi chúng tôi liên lạc được về Việt Nam cũng biết tin các lãnh đạo của Hội đang họp và xin ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ về việc quyên góp ủng hộ nước bạn”.
Cũng theo anh Kiên, các thành viên của đoàn không thông thạo tiếng Anh, tuổi của họ cũng đã cao, không có kiến thức chuyên sâu về động đất, không có phương tiện cứu hộ trong thảm họa động đất.
Hơn nữa, thẻ visa của anh em cũng không còn tiền, hệ thống không thanh toán được bằng thẻ từ ngay sau động đất, toàn bộ tiền đô la mang theo đã thanh toán tiền khách sạn nên họ ở lại là chết.
“Các bác ấy không phải là những người làm thợ mà chủ yếu là công tác quản lý. Lúc đó, mình cũng nghĩ để nước bạn chủ động trong công tác cứu hộ và an toàn cho đoàn thì nên rời khỏi Nepal là tốt nhất.
Bản thân mình trước khi sang Nepal cũng đã tìm hiểu những khó khăn ở nước bạn cũng như những hiểm họa có thể xảy ra nên tâm lý mình “cứng” hơn, ở lại trong lúc đó với mình là bình thường.
Nhưng với các bác lớn tuổi, ở lại có khi chính mình là nạn nhân chứ không phải là mình đi cứu họ” – anh Kiên nhấn mạnh.
Khi ngồi chờ tại sân bay, các thành viên trong đoàn cũng gặp hai đồng hương là các hướng dẫn viên du lịch nhưng chưa mua được vé. Gặp đồng hương trong lúc hoạn nạn vui thật đấy nhưng mọi người cũng chỉ biết chúc nhau “thượng lộ bình an”.
“Mỗi chuyến máy bay tới rồi đi mà không phải để chở mình, tất cả những người có mặt tại sân bay đều buồn và hụt hẫng.
Thậm chí, chúng tôi không dám ngồi trong nhà chờ của sân bay vì sợ có động đất, nhà chờ cũng… sập nên anh em lại tản ra bãi cỏ.
Ai cũng mệt và chỉ khi máy bay cất cánh chúng tôi mới biết mình được an toàn để trở về.
Ở đó, nhiệt độ ban ngày khoảng 25 độ, ban đêm xuống còn 13 – 15 độ. Bản thân tôi mang ít quần áo ấm nên bị nhiễm lạnh tới bây giờ” – anh Kiên nói.
Việc trở về nước trong lúc đó, bản thân anh Kiên không thấy mình sai hay có lỗi với nước bạn. Bởi lẽ, lịch đi hay ở đoàn công tác đã có kế hoạch.
“Nếu không có kế hoạch thì không biết khi nào chúng tôi mới được về nước, phải có chính sách, chủ trương chứ không phải làm gì cũng được.
Có đặt mình trong tình huống ấy các bạn mới có được sự đồng cảm với chúng tôi” – anh Kiên bộc bạch.
Và đoàn công tác gồm 10 người của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có mặt an toàn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) vào ngày 28/4.