Vì sao 5 cư dân ở chung cư 93 Lò Đúc bị truy tố kêu oan?

Minh Huế |

(Soha.vn) - Theo luật sư Hòe, cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng tiến hành điều tra và truy tố 5 cư dân tại 93 Lò Đúc về tội Hủy hoại tài sản có dấu hiệu không khách quan.

Dân chung cư "sang chảnh" thành "tội phạm"

Theo cáo trạng của VKSND quận Hai Bà Trưng ngày 25/4/2013, 5 cư dân cùng sống trong chung cư 93 Lò Đúc gồm: Phan Minh Thủy, Lê Thị Diệu Hồng, Nguyễn Văn Quảng, Đoàn Hữu Bình, Nguyễn Mạnh Dũng bị truy tố về tội Hủy hoại tài sản quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, 5 cư dân này bị kết tội vì cố bảo vệ lợi ích chung của toàn bộ tòa nhà, bảo vệ không gian thoát hiểm cho mọi người dân sống ở chung cư 93 Lò Đúc. Bởi vì, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô do ông Trần Đức Minh làm Tổng giám đốc cho người xây một căn phòng ở tầng G, chiếm diện tích thoát hiểm của chung cư. Trong quá trình thi công, một số người dân phản đối với lý do công trình nằm trên khoảng không gian chung của tòa nhà và chắn cầu thang bộ lối thoát hiểm nên đã tiến hành tự ý đập phá tài sản. Việc cãi vã, xô xát giữa những công dân ở tòa nhà với người xây dựng xảy ra vào các thời điểm: 9h, 16h và 22h ngày 30/10/2012. 

Buổi sáng, bà Hồng và Thủy cầm chiếc búa nhỏ đập vào tường, chỉ đổ vài hàng gạch. Khi thợ xây nói "“bọn em làm thuê cho công ty, vật tư này là của bọn em, có gì chị nói với ban quản lý tòa nhà để em thanh toán xong rồi muốn phá gì thì phá”, họ không phá nữa. Tới buổi chiều và tối, việc xây dựng vẫn ngang nhiên nên "những công dân tập thể" đã quá bức xúc, dẫn tới việc đập đổ tường mới xây.

Kết luận của VKSND quận Hai Bà Trưng có đoạn: Trong khoảng thời gian từ 9h, 16h và 22h ngày 30/10/2012, tại tầng G tòa nhà Kinh Đô – chung cư 93 Lò Đúc – phường Phạm Đình Hổ - quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, Phan Minh Thúy, Lê Thị Diệu Hồng, Nguyễn Văn Quảng, Đoàn Hữu Bình, Nguyễn Mạnh Dũng đã có hành vi Hủy hoại tài sản trị giá 18 triệu đồng của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô.

5 người trong tòa nhà này kêu oan vì theo họ, nếu việc làm sai trái của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô không diễn ra, nếu công ty này dừng thi công ngay từ buổi sáng, lúc người dân phản đối thì đã không xảy ra chuyện. Theo họ, số tiền 18 triệu đồng mà cơ quan tố tụng định giá là không thỏa đáng.

Quyền sở hữu đối với toàn bộ tầng G thuộc sở hữu chung của tất cả các hộ dân hiện đang sinh sống nơi đây, không thuộc sở hữu riêng của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô. Do vậy, mọi hành vi xây dựng trong phần diện tích của tầng G đều là hành vi xây dựng trái phép và cần phải bị dỡ bỏ.

Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã không xin phép?

Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã không xin phép khi xây dựng?

Theo luật sư Trương Quốc Hòe: "Khi tiến hành xây dựng căn phòng này, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô không hề xin phép và do đó không hề được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Chính công ty này đã vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý thích đáng nhằm răn đe các hành vi sai phạm cũng như xây dựng cho người dân ý thức tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về xây dựng – một lĩnh vực hiện nay đang bị vi phạm rất nhiều trên thực tế".

5 người dân chỉ là bị hại?

Theo luật sư Hòe, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô nói xây buồng để làm phòng kỹ thuật điện. Tuy nhiên, trong bản vẽ thiết kế thì phòng kỹ thuật điện đã được đặt ở tầng 7 của tòa nhà, vậy Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô còn xây thêm “phòng kỹ thuật điện” tại tầng G nhằm mục đích gì? Có tòa chung cư nào để phòng kỹ thuật điện ngay dưới tầng G như vậy không? Hỏa hoạn, lụt lội thì tính sao?

Hơn thế, khi xây thêm “phòng kỹ thuật điện” này, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô không có giấy phép xây dựng, cũng không có đơn xin chuyển phòng kỹ thuật điện xuống tầng G. Việc xây dựng này đã vi phạm chính Khoản 5 Điều 6 và Điều 13 Quy chế tạm thời số 01/QCTT ngày 30/11/2003 của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô.

Ông Hòe cho rằng: "Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô xây dựng thêm một phòng tại tầng G là trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu chung của toàn thể các hộ dân trong khu chung cư 93 Lò Đúc, hành vi này cần phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Mặt khác, trong quá trình điều tra, đại diện công ty Kinh Đô đưa ra lý do xây dựng phòng kỹ thuật điện chỉ là giả tạo, nhằm che dấu mục đích vụ lợi khác. Đây là hành vi gian dối có thể làm sai lệch kết quả điều tra vụ án, do vậy nhất thiết cần phải xem xét đến trách nhiệm hình sự của người đã trực tiếp khai báo theo Điều 307 - Bộ luật Hình sự về tội Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”.

Luật sư Trương Quốc Hòe nhận định: “Có căn cứ cho thấy cơ quan điều tra đã hoàn toàn sai lầm khi xác định Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô là bị hại trong vụ án. Theo tôi, bị hại trong vụ án này chính là toàn bộ cư dân trong tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc”.

Mặt khác, nếu là tội Hủy hoại tài sản thì tài sản bị hủy hoại phải ở mức độ không thể khôi phục lại nguyên trạng ban đầu, ví dụ: đốt cháy xe máy, đập vỡ một chiếc bình cổ... Quay trở lại vụ án thì có thể thấy, bức tường mà Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô ngang nhiên xây dựng trái phép đã bị những người dân trong chung cư 93 Lò Đúc phá dỡ hoàn toàn có thể xây dựng lại như hiện trạng ban đầu chứ không thuộc trường hợp không thể khôi phục lại như quy định nêu trên. Do đó, cơ quan điều tra kết luận 5 cư dân của chung cư 93 Lò Đúc phạm tội Hủy hoại tài sản là không thật sự khách quan cũng như không đúng với dấu hiệu pháp lý bắt buộc của loại tội phạm này.

Mong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam vào cuộc

Qua trao đổi, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ: “Cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân” (Điều 2); có chức năng: “Giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật” (Điều 12). Vì vậy, luật sư Hòe cho rằng, Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng chính là người bảo vệ khách quan và nhất quán cho quyền lợi của nhân dân, cụ thể là quyền lợi của toàn bộ cư dân trong khu chung cư 93 Lò Đúc nói chung và của 5 cư dân vô tội đang bị điều tra nói riêng. Sự có mặt của Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng trong vụ án này là cần thiết để đảm bảo tốt nhất cho sự thực khách quan của vụ án.

"Mong Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng cùng chung tay, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của toàn thể cư dân trong khu chung cư 93 Lò Đúc đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, 5 cư dân trong tòa nhà đang là những nạn nhân của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô, phải đối diện với tội danh và hình phạt tù không đúng với hành vi của họ, khi họ đang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình bị xâm phạm. Chúng tôi nhận thấy, chỉ có Mặt trận Tổ quốc là cơ quan đại diện cho nhân dân, có vai trò và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Rất mong Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng cùng chung tay để đòi lại sự công bằng cho những người dân trong khu chung cư 93 Lò Đúc nói riêng và toàn thể nhân dân trên cả nước, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, với Đảng và Nhà nước, để nhân dân cùng chung tay xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh", lời luật sư Hòe.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại