Về sông Trà Khúc đi "săn" cá bống

Bích Trâm |

Cứ đến độ tháng giêng, từ giữa lòng sông, những doi cát bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước và chia đôi dòng chảy, rồi từ từ đẩy chúng dần nép sát vào hai bờ. Đó cũng là lúc cá bống sinh sản và “dắt” nhau bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng từ cửa biển theo sông để lên phía thượng nguồn.

Nằm nép mình sau những luỹ tre bên bờ bắc của sông Trà Khúc, từ bao đời nay người dân làng chài Trường Xuân (thôn Liên Hiệp, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh) đã gắn mình với nghề đánh bắt cá bống.

Thường thì bắt đầu từ khoảng giữa tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tháng 8 âm lịch năm sau, con nước sông Trà đã trở nên trong xanh và chỉ còn chảy lúp súp ở ven 2 bờ. Theo đó những đàn cá bống nối đuôi nhau bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng từ cửa biển lên phía thượng nguồn. Và đây cũng là lúc người dân ven bờ sông Trà bước vào mùa đánh bắt. 

Sông Trà, đoạn chảy qua TP Quảng Ngãi.

Vào đầu vụ, cá bống còn rất nhỏ với kích cỡ chỉ to hơn cọng đuôi nhang một tí, vì vậy để đánh bắt được loại này ngư dân thường sử dụng lưới trũ - loại lưới có chiều rộng khoảng 9m và dài chừng 5m. Đến hết tháng giêng, khi cá bống đã lớn bằng ngón tay út, thì dùng loại lưới một để giăng, thả.

Một cách đánh bắt khác rất đơn giản nhưng vẫn đạt hiệu quả đó là thả ống. Ống là dụng cụ làm bằng thân cây tre đã được phơi khô có đường kính khoảng 3cm và dài 1,2m. Bên trong ống, các vách ngăn giữa các mắt đã được đục bỏ, 2 đầu thì để trống còn ở giữa thân ống người ta đục một lổ nhỏ cỡ đầu chiếc đũa ăn để làm chỗ cắm que.

Ống được cắm dọc theo ven bờ ở mực nước sâu khoảng 5m và thân ống đặt nằm cùng với chiều nước chảy. Đến sáng sớm hôm sau, ngư dân cứ việc đến những nơi đã thả ống và dùng tay bịt chặt ở hai đầu rồi đổ cá vào rổ hoặc giỏ...Theo một số ngư dân ở làng chài này cho biết thì mỗi đêm thả từ 100-300 ống, thu về cũng được 1-2kg cá.

Ngư dân đang đánh bắt trên sông Trà.

Tuy nhiên còn một cách đánh bắt khá độc đáo khác là đắp bờ. Khi trời chập choạng tối, dân làng chài dùng xuồng chèo dọc theo bờ sông tìm nơi trú ngụ của cá.

Tại những địa điểm nghi ngờ, ngư dân thăm dò bằng cách xoắn quần lội bộ sát bờ cỏ. Nếu phần chân dưới nước có cảm giác nhột do cá bơi chạm vào là đã tìm được đúng chỗ. Khi xác định vị trí xong thì neo xuồng lại nghỉ ngơi và chờ đến nữa đêm lội xuống, dùng cát đắp thành bờ con cao hơn mặt nước vài phân song song và cách từ 5-7m so với bờ chính.

Mỗi bờ đắp dài ngắn bao nhiêu thì tuỳ theo sức và số lượng người tham gia, có thể từ một đến cả ngàn mét. Đắp xong, dùng nơm đặt phía dưới, còn phía trên dùng cát đắp ngang cho kín lại.

Khi thấy nước không chảy, cá bống sẽ kéo nhau bơi ngược lại về phía cửa biển và ngư dân chỉ còn ngồi trên bờ hút thuốc và đợi lúc giở nơm. Cách đánh bắt này đòi hỏi ngư dân phải giàu kinh nghiệm, am hiểu tường tận các khu vực của con sông và thường chỉ ở những nơi cạn.

Thế nhưng mấy năm gần đây do bị khai thác quá mức: Dùng điện chích; sử dụng rớ làm bằng lưới mùng - một loại lưới mắt nhỏ hơn cọng tăm nhang và bị chặn bắt ngay từ dưới cửa biển nên cá bống đã không còn nhiều như trước.

Hơn 50 năm gắn bó với bao nỗi buồn vui theo từng con nước sông Trà, bác Lê Vân (70 tuổi) trầm ngâm: "Những năm trước, đứng trên bờ bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy những đàn cá bống bơi thành từng mảng đen kịt dưới mặt sông. Nhưng bây giờ thì không chỉ cá bống mà các loại cá chép, cá đối... trên sông cũng đã ngày một ít đi".

Nhiều ngư dân trong làng giờ đã chuyển sang nghề khác. Một số thì đến các hồ tôm, hay giong thuyền ra tận sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam để cào, bắt cá bống. Bình quân mỗi ngày chỉ đánh bắt được từ 3-5kg, bằng 1/4 so với cách đây 5 năm, anh Lê Văn Hải, ngư dân ở làng chài Trường Xuân cho biết. Cũng vì thế mà giá cá bống được bán khá đắt, với giá hiện lên đến gần 60-70.000 đồng/kg cá tươi. 

Cá bống kho, đặc sản của Quảng Ngãi.

Cá bống thì có nhiều loại: Cá bống hoa, cá bống cát, cá bống mú... sinh sống ở khắp nơi thế nhưng ở những nơi đó thịt cá bống bở rệt. Chỉ có loại cá sống được ẩn mình dưới cát, sống trong làn ước mát xanh, ăn loại rong rêu của con sông Trà, đặc biệt là cá bống vồ (loại cá có đầu như đầu chày giã ớt - PV) là thịt ngon, dai và thơm không đâu có thể sánh bằng.

Từ các làng chài, cá bống được mua về chế biến, để rồi bên cạnh những thức ăn, đồ uống sang trọng khác trong các bữa cơm, niêu cá bống kho tiêu nóng hổi, thơm lừng đã chinh phục những vị khách khó tính. Để những khi có dịp đi ngang qua Quảng Ngãi, du khách không quên mua những hộp cá bống tẩm vàng ươm làm quà cho bạn bè, người thân của mình.

Sau khi bình chọn, thẩm tra, tham vấn và tiếp nhận ý kiến từ nhiều tổ chức, cơ quan chức năng, 4 đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi đã được công nhận xác lập Kỷ lục Việt Nam. Và 2/4 sản phẩm trên là: Cá bống sông Trà và Don được lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại