Ngày 8-10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết đang điều trị cho trường hợp rất phức tạp, uống nhầm nước tro tàu.
Bệnh nhi Phạm Thị Mai Lan (SN 2011, ngụ tại Hồng Ngự, Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng nôn ói, nghẹn khi nuốt, không ăn uống được.
Theo người nhà, cách đây 4 tháng, mẹ dẫn bé Lan đi ăn đám giỗ. Trong lúc chơi, bé khát nước nên đã lấy nhầm nước tro tàu trong bếp uống.
Sau khi uống chai nước này, bé Lan bắt đầu chảy nước bọt và nôn ói liên tục. Gia đình liền đưa bé vào bệnh viện huyện cấp cứu và điều trị khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên, sau khi xuất viện về nhà, bé có biểu hiện nôn ói, khó ăn uống, vì vậy gia đình quyết định đã chuyển cháu lên Bệnh Viện Nhi Đồng để xử lý.
“Chai nước tro tàu thường được dùng để tẩy cho bao tử heo trắng và mềm. Vì có màu trong suốt nên bé nhầm, uống liền một hơi. Quay ra thấy bé ho sặc sụa, tôi ghé miệng hút ra mà không kịp”, bà nội của bé kể.
Tại bệnh viện, chai hóa chất sôi ùng ục, bốc khói khi được bác sĩ đổ vào nước.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, dung dịch mà bé Lan đã uống là một loại kiềm KOH (hydroxit kali), thường gọi là nước tro tàu.
Đây là một hóa chất sử dụng trong chế biến thực phẩm, ví dụ có thể làm bánh tro, mì sợi được dai hơn… Dung dịch này không màu, trong suốt nên trẻ dễ nghĩ là nước và rất hay uống nhầm.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn nhận định, trường hợp của bé Lan còn phải đi lại điều trị rất gian nan và phức tạp vì cháu bị teo một đoạn thực quản. Suốt 3 tuần đầu chúng tôi phải đặt ống nong. Hễ cứ rút ống nong ra bé lại bị nghẹn không ăn được.
Dự kiến, bé Lan còn phải nong thực quản, theo dõi, điều trị nhiều tháng nữa.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết, trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 10 đến 15 ca tương tự do uống nhầm các loại hóa chất như a xít, chất kiềm…
Hầu hết các trường hợp mất khá nhiều thời gian để điều trị, thậm chí hơn 1 năm trời.
“Nên để các loại hóa chất ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.
Nếu lỡ xảy ra việc uống nhầm, người nhà nên đưa các cháu đến ngay bệnh viện để cấp cứu bởi càng để lâu càng khó điều trị, gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt ăn uống…”, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn khuyến cáo.