Như đã đưa tin, Nguyễn Văn Lượng- cựu học viên Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đang gửi tâm thư kêu cứu Bộ trưởng Bộ Công an về những vướng mắc lí lịch khiến em bị đình chỉ học.
Trong khi chờ xác minh lí lịch, Lượng cắt tóc kiếm sống.
Kí ức ngày cởi quân phục…
“Em vẫn không thể nào quên được ngày hôm ấy, không có ngày nào em không nghĩ về ngày 13/11/2014. Buổi sáng hôm đó, em cầm sách vở để lên hội trường học.
Xuống đến cầu thang, đồng chí B trưởng và bí thư cùng mấy đồng chí nữa mời em lên phòng cô giáo chủ nhiệm.
Bước vào phòng cô là sự im lặng và không khí ảm đạm. Em ngồi đợi. Một lúc thì bố em bước vào và cô giáo đọc quyết định cho em thôi học. Cô vừa đọc bố em vừa khóc. Cô giáo chủ nhiệm nhắc em: “Lượng không được khóc”.
Trang phục em đang mặc trên người từ chiếc thắt lưng, bộ quần áo màu xanh cùng chiếc mũ kê pi cũng bị thu lại lúc đó. Em suy sụp và ra về trong sự chia tay của phòng 311 và một số đồng chí"- Lượng chia sẻ.
Nhắc nhớ về “ngày định mệnh”, sự thảng thốt hiện rõ trên gương mặt Lượng. Em nói tiếp: “Em không hề biết trước về sự việc. Em quá bất ngờ.
Khi bố em xuống, em cứ nghĩ là thầy hiệu trưởng mời bố em xuống để trao đổi về ý tưởng phòng cháy chữa cháy mà hôm khai giảng em đã được bắt tay với thầy và nói em có ý tưởng muốn thầy công nhận. Nhưng không ngờ, bố xuống để nhận em về.
Khi đó, em vô cùng hoang mang. Trên chuyến xe khách, em khóc như một đứa trẻ vậy. Em khóc đỏ cả mắt. Mọi người trên xe ngạc nhiên lắm, chẳng hiểu sao một thanh niên lại gục vào bố khóc như thế.
Em về nhà mang theo nỗi buồn và tuyệt vọng cho cả gia đình. Mẹ, anh trai, em gái đều suy sụp. Nhưng em bị oan. Em muốn được trở lại trường”.
Một năm nay, Lượng và gia đình ngóng tin xác minh, chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng.
Lượng cùng bố xin và làm đủ mọi giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan công an để chứng minh ông nội Lượng là người có công với kháng chiến chứ không phản cách mạng.
Nói về truyền thống gia đình, Lượng luôn tự hào khi gia đình em vinh dự nhận bằng khen của chính phủ là gia đình có công với cách mạng, 5 người con của ông nội em ra chiến trường tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong đó có bố em
. Anh trai Lượng từng 3 năm đứng trong hàng ngũ chiến sĩ công an khi còn là lính nghĩa vụ.
Không muốn được kể khổ
Một năm qua, bố Lượng là ông Nguyễn Văn Lẫy bỏ xưởng mộc, gõ cửa kêu oan cho con. Tương lai của chàng trai đang rộng mở trước mắt bỗng tối sầm chỉ vì những vướng mắc lí lịch không được làm rõ. Gia đình vốn đã khó khăn về kinh tế nay lại càng túng bấn.
Vốn quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc nhưng vì hoàn cảnh khó khăn năm 2007, gia đình Lượng chuyển lên Hà Giang làm kinh tế. Bố Lượng làm mộc, mẹ chăn nuôi. “Mẹ em dậy từ 5 giờ sáng để nấu rượu và làm liền tới 12 giờ trưa chỉ thu về 20 nghìn đồng”- Lượng nói.
Gia đình khó khăn nên Lượng thường phụ bố làm mộc, bị thương, chảy máu là chuyện thường, có những lần em suýt mất cả ngón tay cầm bút. Đến mùa, Lượng lên rừng bẻ chít về bán.
Em từng lấy thân mình làm đường đi lấy chít, “nghĩ lại em thấy mình liều thật, khi ấy chỉ cần một cây que nhọn thôi là em thủng ruột luôn”- Lượng tâm sự.
Lượng chỉ nói đến đó rồi nhất định không chịu kể thêm về tuổi thơ gian khó của mình với lí do: “Dù sao chuyện cũng qua rồi, em không muốn kể khổ”.
Ước mơ trở thành chiến sĩ công an bùng cháy trong Lượng khi cậu nhìn thấy bộ quân phục màu xanh của anh trai ngày anh về thăm nhà. Từ đó, cậu đi phu hồ, lấy chít, làm thuê để kiếm tiền mua máy tính học thêm trên mạng.
Năm thứ nhất không đỗ, Lượng quyết tâm ôn tập để thi lại vào năm sau. Lượng sút 4 kg thời gian ôn thi và cuối cùng mọi cố gắng được đền đáp khi em trúng tuyển trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.
Tuy nhiên, niềm vui chưa tày gang, Lượng phải ngậm ngùi về quê vì lí do lí lịch không trong sạch.
Hiện tại, Lượng cắt tóc kiếm sống qua ngày và nuôi thêm em gái đang học cấp 3 ở quê Vĩnh Phúc. Còn bố mẹ Lượng và anh trai ở Hà Giang. “Mỗi ngày em kiếm được khoảng 50 nghìn, cắt tóc mỗi đầu giá 15 nghìn, cũng đủ sống”- Lượng kể.
Trong suốt buổi nói chuyện, Lượng đau đáu về việc mong muốn được sớm xác minh lại lí lịch để em được tới trường. Bạn bè, đồng đội vẫn luôn động viên em cố gắng và kiên trì để sớm có ngày trở lại.
“Chỉ còn một hai ngày nữa là nhập học khóa mới rồi chị ơi”- Lượng nói trong nước mắt.