Ức phát khóc dịch vụ "chặt chém" tại lễ Vu lan ở Hà Nội

Long Nguyễn - Thế Anh |

Một biển người tràn ra đường, giành nhau từng cen-ti-mét chỗ ngồi, chỉ để cốt sao tên mình và gia đình được xướng lên loa. Đây cũng là lúc nhiều người ức đến phát khóc...

Tối 27/8 (14/7 Âm lịch), hàng vạn người dân Thủ đô đã đổ về tổ đình Phúc Khánh (phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) để cùng nhau tụng kinh, cầu cúng cho hương hồn những người đã khuất được siêu thoát và nhắc nhở mọi người ghi nhớ công ơn cha mẹ.

Với quan niệm “âm siêu dương thái”, cõi âm có siêu thoát mới có thể phù hộ cho cõi dương thịnh vượng, cùng với đó là quan điểm đạo hiếu là đạo nghĩa đứng đầu, nên ai cũng cố gắng giành cho mình một chỗ để có thể chắp tay, hướng mặt về phía tổ đình.

Biển người ngồi tràn cả ra đường để cùng cầu cúng

Do lượng người đổ về quá lớn nên đến khoảng 18h cùng ngày, cả khu vực Ngã Tư Sở đoạn trước mặt tổ đình Phúc Khánh đã đông nghẹt người. Người dân ngồi tràn cả ra đường, đứng ngồi la liệt cả khu vực trên và đưới gầm cầu vượt.

Để đảm bảo trật tự, lực lượng cảnh sát, dân phòng, bảo vệ đã được tăng cường, đứng khắp nơi chăng dây thành từng khu vực riêng để lấy lối đi, tổ chức phân luồng giao thông.

Ai cũng muốn có một chỗ ngồi để hướng mặt về phía tổ đình cầu khấn

Tuy nhiên, mặc cho hàng vạn người đang ra sức hướng thiện, những dịch vụ "chặt chém" mọc lên như nấm sau mưa, tập trung chủ yếu vào việc trông giữ phương tiện, cho thuê ghế ngồi, bán nước giải khát...

Anh Cao Văn Tuân (25 tuổi) cùng bạn gái là chị Phạm Thị Hằng (21 tuổi), mặc dù rất bức xúc với phí gửi xe máy lên tới 30 nghìn đồng nhưng vẫn nuốt giận vào bên trong vì chẳng có lựa chọn nào khác.

"Ở đâu cũng thế cả, thậm chí có nơi còn đòi 50 nghìn đồng. Không gửi thì chỉ có nước ngồi trên xe", anh Tuân than vãn.

Những chiếc vé trông xe máy sơ sài này được các chủ nhân hét giá từ 30 - 50 nghìn đồng/lượt

Cùng lâm vào cảnh bị chặt chém, nhưng chị Nguyễn Thị Thảo (32 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) dường như không giữ được bình tĩnh. Chị quyết định ra về chứ không thỏa hiệp.

"Cũng chả đáng là bao, nhưng ức không chịu được anh ạ, tôi thà đi về còn hơn. Phật ở trong tâm mình cả...", Chị Thảo bức xúc.

Bên cạnh đó, do quá trình chờ đợi và làm lễ diễn ra khá lâu nên các dịch vụ cho thuê ghế nhựa và bán nước giải khát cũng được thể "ăn nên làm ra". Tất nhiên, giá của chúng cũng chẳng dễ chịu chút nào. 30 nghìn đồng/lượt thuê ghế nhựa và 20 nghìn đồng/chai nước.

Một người phụ nữ đang thuê ghế nhựa để ngồi

Người phụ nữ này đang mang ghế nhựa đi gạ gẫm khách thuê.

Mặc dù đắt đỏ như vậy nhưng dịch vụ cho thuê ghế và bán nước vẫn rất đắt hàng bởi ai cũng có tâm lý đã mất công chen lấn được vị trí đẹp, thì phải giữ chỗ. Do đó, họ buộc phải ngồi lỳ ở đó suốt nhiều giờ đồng hồ, dẫn đến chân cẳng rã rời, cổ họng khát khô.

Ai cũng mong tên mình và gia đình được xướng lên...

Theo quan niệm nhà Phật, việc cầu cúng trước để dưỡng tâm, mang lại sự thanh thản an bình. Tuy nhiên trong một số trường hợp cụ thể vừa nêu, có thể thấy không phải lúc nào lý thuyết trên cũng đúng, ít nhất với những người đi lễ mà "ức đến phát khóc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại