Tuyệt kỹ phái võ “hổ trảo” vang danh khắp thiên hạ

Sinh ra trong lòng mảnh đất “oai linh” thú dữ, người anh hùng Hai Yên đã luyện nên tuyệt chiêu “hổ trảo” khiến cho bọn giặc Pháp xâm lược lúc bấy giờ phải khiếp sợ.

Và cả khi bị chúng bắt tội đày ra Côn Đảo , ông vẫn âm thầm tầm thụ võ đạo của các nhà cách mạng yêu nước ngay trong nhà tù thực dân.

Tiếng tăm về người anh hùng võ nghệ xuất chúng thôn vườn trầu đã lan ra khắp Lục tỉnh Nam kỳ. Để đến mai sau, người kế tục sự nghiệp của ông đã lập ra môn phái Võ lâm vườn trầu vang danh võ lâm, đóng góp to lớn vào tinh hoa võ thuật cổ truyền dân tộc.

 1

Võ sư Nguyễn Văn Tư biểu diễn tuyệt kỹ “hổ trảo”. Ảnh TG

Vang danh mười tám thôn vườn trầu

Đầu thế kỷ 17, Mười tám thôn vườn trầu xưa, còn gọi là Thập bát phù viên hình thành do quá trình di dân từ Đàng Ngoài vào khai phá, lập nghiệp ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn (thuộc Gia Đình cũ, nay là TP.HCM). Đây là vùng đất vốn hoang sơ bởi núi rừng bạt ngàn và nhiều thú dữ, đặc biệt là loài cọp tinh. Vì vậy, trong dân gian thường truyền miệng câu: “Hung dữ như cọp vườn trầu”. Bởi thế, những người dân đi khai phá nơi đây thường có tinh thần đoàn kết, luyện tập võ thuật để cùng nhau chiến đấu chống lại thú rừng. Đến đầu thế kỷ 19, Mười tám thôn vườn trầu đã trở thành một vùng dân cư trù phú với những phiên chợ trầu sầm uất. Khi đất nước sa vào vòng lệ thuộc Pháp, chính nơi đây là chiếc nôi cách mạng đầu tiên với những anh hùng hào kiệt vang danh làm bọn thực dân phải khiếp sợ.

Thời bấy giờ, khi giặc Pháp đang ra sức áp bức, bóc lột dân chúng, ở mười tám thôn vườn trầu xuất hiện ba anh hùng hảo hán trấn danh khắp một vùng, trong đó có người anh hùng Hai Yên. Sớm được học võ nghệ từ người chí sĩ cách mạng Phan Văn Hớn (còn gọi là Quản Hớn), chàng trai trẻ Hai Yên trở nên tinh thông võ thuật đánh trận, cùng sư phụ của mình đứng ra bênh vực cho dân lành, chống lại cường hào, ác bá. Lúc này, tên quan cai quản vùng Bà Điểm là Đốc Phủ Ca, tay sai thực dân hết sức tàn ác, áp bức, vơ vét con dân thậm tệ. Bị người anh hùng Hai Yên được người dân tôn sùng, nhiều lần “dằn mặt” mình mà không làm gì được, tên Đốc phủ Ca lấy cớ khép tội loạn vào ông và sư phụ Quản Hớn rồi cho Pháp đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông lại được cơ hội gặp gỡ với nhà cách mạng lớn của dân tộc, đó là cụ Phan Chu Trinh. Nhìn thấy khí chất vượt trội và tinh thần trượng nghĩa của chàng trai trẻ, Phan Chu Trinh liền nhận ông làm con nuôi và truyền dạy hết những bí kíp võ thuật của mình. Thế là, trong thời gian 5 năm đằng đẵng ở nhà tù thực dân, Hai Yên đã âm thầm đêm đêm tập luyện võ công để chờ ngày tự do.

Sau khi ra khỏi tù Côn Đảo, ông như một “mãnh hổ” trở lại võ lâm với trọng trách cách mạng. Thực dân Pháp càng áp bức, nhân dân ở mười tám thôn vườn trầu càng như một chảo lửa, sẵn sàng nhấn chìm bọn ngoại xâm. Thực hiện lối đánh du kích, ông Hai Yên dẫn đội quân cách mạng chiến đấu ngoan cường với bọn tay sai và quân đội Pháp. Những móng vuốt từ tuyệt kỹ hổ trảo mà ông khổ luyện bấy lâu đã làm nên những trận đánh vang dội, khiến bọn tay sai khiếp vía khi nhắc đến tên Hai Yên. Hằng đêm, đội quân du kích được ông truyền dạy võ nghệ ngày càng thu hút nhiều người dân đến đầu quân. Dần dần, thế lực cách mạng ngày càng hùng mạnh, ông cùng với sư phụ Quản Hớn chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa tiêu diệt bọn tay sai bán nước. Năm 1885, khởi nghĩa thắng lợi, Đốc Phủ Ca bị giết chết, đem bêu đầu trước chợ Hóc Môn trong sự reo hò của dân chúng thôn vườn trầu.

Sự thắng lợi vẻ vang của quân cách mạng đã làm tiếng tăm người anh hùng Hai Yên vang khắp Lục tỉnh Nam kỳ thời ấy. Sau này, khi cháu nội ông là Nguyễn Văn Tư, khi đó mới 9 tuổi đã được ông truyền lại hết tuyệt kỹ và tâm huyết võ thuật của mình. Vốn “con nhà nòi” lại thông minh, chịu khó nên cậu bé lĩnh hội rất nhanh và hấp thụ tinh hoa võ học gia truyền. Đến năm 1990, võ sư Nguyễn Văn Tư chính thức thành lập môn phái Võ lâm vườn trầu ở chính nơi vùng căn cứ địa cách mạng nổi danh một thời.

Vị chưởng môn cùng tuyệt kỹ “hổ trảo” võ lâm vườn trầu

 2

Một thế trong bài quyền “Thanh long thám trảo”. Ảnh TG

Sau khi khai sinh võ lâm vườn trầu, võ sư Nguyễn Văn Tư (SN 1947) lập võ đường tại xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thu hút đông đảo những môn sinh trong và ngoài các vùng lân cận đến rèn luyện. Với mong muốn học hỏi tinh hoa võ thuật môn phái khác, ông đã tìm đến sư phụ Đoàn Tâm Ảnh để hấp thụ võ công của vị đại sư. Vì vậy, kỹ thuật võ lâm vườn trầu càng lúc phát triển và ngày càng hoàn thiện, nối nghiệp cha ông làm rạng danh võ công gia truyền nơi thôn vườn trầu năm xưa.

Vị võ sư tóc đã hoa râm Nguyễn Văn Tư tiết lộ bí kíp “hổ trảo” làm rạng danh võ lâm vườn trầu năm nào: “Nó dựa trên Tứ tượng bộ pháp căn bản của môn phái. Đó là bộ di chuyển, những bước chân linh hoạt trái, phải, lui, tới nhằm dụ cho đối tượng tấn công, kết hợp với đòn tay, chân đánh vào những huyệt đạo hạ gục đối thủ. Khi tấn công, bàn tay với móng vuốt khép chặt lại được tôi luyện với sức mạnh như mãnh hổ dùng để chụp, xé, khiến quân thù khi xưa khiếp đảm là vì vậy. Ngoài ra còn có “long trảo”, tức là mở rộng các khớp ngón tay để vồ, vuốt con mồi tới khi mệt lả thì thôi. Với tuyệt chiêu này, ta không cần tiêu tốn sức lực mà có thể dễ dàng đốn ngã đối phương trong tích tắc”.

Theo ông, muốn luyện thành tuyệt kỹ này đòi hỏi môn sinh phải hết sức kiên trì, khổ luyện. Trước tiên là phải luyện nội công và khí công, nhằm đả thông kinh mạch (nham mạch và đốc mạch) tạo thành dòng chu thiên. Theo đó, võ sinh phải ngồi thiền tập trung tư tưởng và hít thở vận nội công vào thời điểm âm dương giao hợp, tức 11h đêm đến 1h sáng hôm sau. Cũng bởi lẽ đó, anh hùng Hai Yên năm nào thường chỉ tập võ ban đêm để luyện thành bí kíp. Tiếp đó, để có bàn tay cứng như sắt như sức mạnh từ móng vuốt của hổ vồ cần phải luyện “Thiết sa chưởng”, tức dùng bàn tay để “chặt” gạch nung. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được, chỉ có người luyện võ thực sự mới thành công. Ngoài ra, không thể không kể đến phương pháp “Thượng quán công” từ vị anh hùng xưa truyền lại cho những lớp môn sinh ngày nay. Người luyện võ thực hiện động tác cuốn, thả dây gắn trên một khúc cây, phía dưới có gắn một cục chì nhỏ, tưởng chừng như dễ dàng nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì rất cao. Làm như thế liên tục trong một thời gian sẽ tạo được sức mạnh vô cùng cho đôi cánh tay, không có đối thủ.

Võ lâm vườn trầu có tất cả 70 bài quyền, trong đó có những bài vô cùng đặc sắc cho môn phái như: Long hổ quyền (hổ trảo), Thanh long thám trảo (long trảo), Viên tử hiến đào, Ngư hầu điểm huyệt (thế đánh của loài khỉ), Liên hoàn thập bát cước (18 thế đá cơ bản),… Về binh khí, với tinh thần võ trận, võ lâm vườn trầu xưa chủ yếu dùng côn, lưỡi liềm, đoản côn (khúc cây) để thực hiện lối đánh du kích của anh hùng Hai Yên, đụng giặc chỗ nào đánh chỗ đó. Qua năm tháng, võ sư Nguyễn Văn Tư đã phát triển và sử dụng nhiều loại binh khí đặc sắc về chiến đấu. Trong đó, có Giác long phong vũ đao là loại binh khí với tính sát thương rất cao, chỉ những người lên cấp bậc huấn luyện viên mới được phép sử dụng.

Giờ đây, khi cuộc đấu tranh ái quốc chống giặc ngoại xâm đã đi qua, nhưng tinh thần của người anh hùng võ lâm thôn vườn trầu năm nào vẫn là tôn chỉ hoạt động của môn phái hôm nay: “Rèn luyện thân thể và trừng trị những kẻ xấu hiếp đáp người dân”. Võ lâm vườn trầu hiện có 4 võ đường ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Những học trò sau này của ông tham gia đấu đài và nổi danh võ lâm khắp các tỉnh miền Tây. Và lão võ sư Nguyễn Văn Tư dù đã vào tuổi xế chiều vẫn đang tiếp tục truyền dạy võ lâm vườn trầu cho các môn sinh của mình, giữ lửa tinh hoa võ thuật cổ truyền cho lớp trẻ mai sau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại