Đó là quán trà cối cổ cạnh chùa Bà Già, Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều năm qua, đây là địa chỉ lựa chọn của nhiều người dân trong vùng đến để uống trà và thử "cảm giác lạ" khi ngồi trên những chiếc ghế cối đá.
Chủ nhân của quán cối cổ là cụ Chính, năm nay đã 80 tuổi.
Rất đông khách hàng đến thưởng thức trà "cối cổ".
Theo lời cụ Chính thì quán trà đá “cối cổ” này đã có thâm niên hơn chục năm. Sở dĩ đặt tên quán là trà “cối cổ” vì 14 chiếc ghế ngồi của quán được dùng bằng 14 chiếc cối đập lúa thời xa xưa do ông bà để lại.
Những chiếc cối cổ.
Lý giải cho việc có nhiều cối cổ như vậy, cụ Chính cho biết là do trước đây gia đình là địa chủ, có nhiều ruộng, nhiều lúa gạo nên có nhiều cối. Bây giờ xã hội phát triển không ai dùng cối nữa nên người ta bỏ đi rất nhiều.
Theo quan sát, những chiếc cối này được làm thủ công bằng đá xanh, hình trụ, cao khoảng 50 - 60 cm, trung bình mỗi chiếc nặng khoảng 1 tạ, nếu một người bình thường muốn bê lên, hạ xuống thì rất khó.
Những chiếc cối rất to và nặng khiến một người bình thường khó bê lên được.
"Bán trà mà ngồi bằng ghế nhựa thì nhanh hỏng lắm. Mỗi lần tôi dọn vào dọn ra rất mất công. Thấy trong nhà sẵn nhiều cối cổ tôi nảy ra ý lấy chúng làm ghế ngồi. Những chiếc cối vừa to, nặng không ai có thể ăn trộm được” - cụ Chính phân trần.
Anh Thi Quảng Nam, một khách uống trà cho hay: “Quán trà này rất đặc biệt ngay cạnh chùa Bà Già. Tôi rất thích ngồi uống trà ở đây vì khi ngồi lên những chiếc cối đá tôi cảm thấy rất mát mẻ”.
Mùa đông, những chiếc ghế "cối cổ" được trang bị những tấm bìa để tránh bị lạnh.
Do những chiếc cối được làm bằng đá nên vào mùa hè thường tạo cảm giác mát mẻ.
Tuy nhiên, về mùa đông thì thường gây lạnh nên cụ Chính thường đặt lên đó những tấm bìa cứng để bớt lạnh khiến khách ngồi luôn cảm thấy dễ chịu hơn.