Sẽ đưa vấn đề “chạy công chức” ra Quốc hội
Liên quan đến kết luận thanh tra về ý kiến cho rằng chạy công chức ở Hà Nội mất hơn 100 triệu đồng, ông Lê Như Tiến – đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng sự việc trên là có, vấn đề là khi thanh tra chưa phát hiện ra mà thôi.
Trao đổi với PV, ông Tiến cho biết: “Vụ chạy công chức mất hơn 100 triệu đồng vừa rồi là do đồng chí Phó chánh Thanh tra TP Hà Nội nêu lên trong cuộc họp HĐND Thành phố. Theo tôi vấn đề này là có. Không chỉ bây giờ mới có mà trước đây đã có, hiện nay càng trở nên phổ biến và gần như thành ‘căn bệnh kinh niên’ mà thôi.
ông Lê Như Tiến – đại biểu Quốc hội khóa XIII
Tôi nhớ trước kia cũng đã từng có một đại biểu nêu lên vấn đề này trước Quốc hội, trong phiên chất vấn đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhiệm kì trước. Tuy nhiên, khi đồng chí đại biểu Quốc hội nọ nêu ra vấn đề này thì đồng chí Bộ trưởng Bộ nội vụ đương nhiệm khi đó lại trả lời rằng ‘việc này chúng tôi chưa có bằng chứng’. Câu trả lời trên chưa thỏa đáng”.
“Theo tôi, việc chạy chức, chạy quyền, chạy công chức nhà nước mà đợi để ‘có bằng chứng’ là rất khó. Chính cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc để điều tra làm rõ vấn đề này thì mới đúng.
Khi có ý kiến phản ánh mà anh không tiếp thu, không vào cuộc điều tra xác minh, làm rõ mà đã vội vàng phủ nhận là ‘không có’, rồi thì ‘chưa có bằng chứng’ là anh đã không đúng với vai trò, trách nhiệm của mình”, ông Tiến khẳng định.
Cũng theo ông Tiến, vấn đề chạy vào công chức nhà nước lần này cũng sẽ được một số đại biểu đưa ra trong nghị trường Quốc hội.
“Vấn đề tuyển dụng cán bộ, chạy chức chạy quyền, những tiêu cực trong tuyển dụng công chức và năng lực của công chức lần này tôi cũng sẽ đưa ra phiên họp Quốc hội sắp tới. Mà có lẽ không chỉ tôi mà nhiều đại biểu khác cũng sẽ đề cập vấn đề này trước Quốc hội vì đây cũng là vấn đề ‘nóng’, được nhiều cử tri quan tâm”, ông Tiến cho biết.
“Công chức Việt Nam đang theo đội hình 3/3/3”
Về vấn đề chất lượng công nhân viên chức nhà nước của ta hiện nay, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng “chưa thực sự cao” và còn “tồn tại nhiều vấn đề”.
Ông Tiến cho biết: “Tôi cũng đã từng phát biểu trước một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội và tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ công chức hiện nay. Trong đó, tôi đã nêu lên những vấn đề mà đang được đông đảo cử tri và xã hội cùng quan tâm.
Nhận xét về đội ngũ công nhân viên chức của ta hiện nay, nhiều người cho rằng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay đang theo mô hình 3/3/3. Tức là 30% là làm việc tốt, khoảng trên 30% làm việc ở mức trung bình, còn 30% còn lại là thuộc diện “cầm tay chỉ việc” mà vẫn… không biết việc để làm”.
“Hiện nay, trong đội ngũ công chức của ta còn có một bộ phận nữa là thuộc vào dạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, cuối tháng thì lấy lương. Nếu như để tình trạng này tồn tại thì không tạo nên tính năng động trong đội ngũ cán bộ công chức, không đạt được hiệu quả và lợi ích đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, chính tình trạng này còn gây lãng phí nguồn ngân sách của nhà nước, của nhân dân”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cho rằng: “Trong quá trình thi tuyển công chức phải gắn với quá trình sàng lọc. Không phải chỉ tuyển dụng mang tính một chiều mà phải gắn liền với quá trình tuyển dụng, quản lý, đề bạt và cất nhắc. Phải đưa ra khỏi đội ngũ những trường hợp không có đủ các yếu tố về năng lực, phẩm chất.
Hiện nay, khâu tuyển chọn đầu vào cho công chức là có vấn đề. Hàng triệu vị trí làm việc khác nhau, làm việc theo vị trí, theo năng lực, theo đúng trình độ chứ không phải tuyển chọn đầu vào gần như giống nhau hết.
Trong khi đó, lúc bố trí công việc lại mỗi người một vị trí khác nhau, cho nên phải xem xét kỹ trong việc tuyển dụng. Tuyển dụng phải đáp ứng để người ta làm việc ở vị trí A hay B chứ không phải là làm ở cơ quan A hay B”.
Cần xóa bỏ tình trạng “con cháu các cụ”
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng: “Hiện nay, rất nhiều người nói muốn rằng vào được cơ quan nhà nước thì cần phải có mấy cái ‘ệ’ như sau: đầu tiên là ‘tiền tệ’, thứ hai là ‘hậu duệ’ (tức là con cháu các cụ), thứ ba là ‘ngoại lệ’, và thứ tư là ‘đồ đệ’. Và dĩ nhiên với những ‘ưu tiên ngầm’ như thế thì ‘trí tuệ’ - thứ cần thiết nhất sẽ bị xếp xuống hàng cuối cùng rồi. Thực trạng này rất đáng báo động, cần phải nhanh chóng chấn chỉnh lại”.