Tướng Phạm Hồng Cư khóc thương Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Tướng Phạm Hồng Cư nói: “Bạn Nguyễn Nam Khánh ơi! Bạn không bao giờ mất, bạn vẫn còn trong tâm trí của chúng tôi”.

Sau khi tin về sự ra đi của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh – nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được công bố, chúng tôi đã tìm đến gặp một vị tướng – người có nhiều năm công tác tại Tổng cục Chính trị cùng tướng Nguyễn Nam Khánh để lắng nghe những tâm sự của ông. Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư – Nguyên Phó Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, tin Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh ra đi là tin buồn lớn thứ hai trong tháng 10/2013 mà ông phải nhận sau Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

	Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (Ảnh: Hoàng Anh Sướng)

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (Ảnh: Hoàng Anh Sướng)

PV: Thưa Trung tướng Phạm Hồng Cư, là người đã từng có nhiều năm cùng công tác tại Tổng cục Chính trị với Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, ông có cảm xúc như thế nào khi nhận được tin buồn từ Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tin Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ trần không phải là đột ngột, nhưng đối với tôi là 1 tin buồn đến lặng người và nước mắt trào ra.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có nhiều cống hiến với việc xây dựng quân đội ta về chính trị và xây dựng cơ quan Tổng cục Chính trị trong suốt 17 năm từ 1979 đến 1996 là năm anh nghỉ hưu.

PV: Xin Trung tướng có thể chia sẻ kỷ niệm của ông với Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh trong những ngày tháng cùng làm việc tại Tổng cục Chính trị?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với anh Nam Khánh trong hai thời kỳ cùng nhau làm việc tại cơ quan Tổng cục Chính trị.

Lần thứ nhất năm 1955 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại tại miền Bắc, anh Nam Khánh tập kết từ Khu 5 ra, được điều đi đào tạo ở nước ngoài rồi về Cục Tuyên huấn làm Trưởng phòng Huấn luyện, còn tôi thì từ Đại đoàn 308 được điều động về cơ quan Tổng cục Chính trị là Trưởng phòng Tuyên truyền. 

Trung tướng Phạm Hồng Cư (Ảnh: Tuấn Nam)
Trung tướng Phạm Hồng Cư (Ảnh: Tuấn Nam)

Là hai phòng nghiệp vụ chủ chốt của Cục tuyên huấn, chúng tôi có nhiều dịp cộng tác với nhau, cùng bàn bạc, cùng triển khai mọi công việc của Cục Tuyên huấn. Anh Nam Khánh  triển khai việc học tập lý luận của cán bộ, dạy môn Duy vật lịch sử và xây dựng chương trình giáo dục chính trị cơ bản có hệ thống cho chiến sĩ. Tôi thì triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 và tuyên truyền về phong trào thi đua Ba nhất trong quân đội song song với các phong trào thi đua Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải trong nông nghiệp và công nghiệp. 

Chúng tôi thường xuyên bàn bạc mọi công việc của Cục tuyên huấn và có nhiều tình cảm quý mến lẫn nhau. Anh Nam Khánh là một người con của quê hương Bình Định (huyện Tây Sơn đất của Quang Trung), trưởng thành từ chiến sĩ đến chính ủy Trung đoàn trên chiến trường gian khổ Khu 5, tính tình cương trực, thẳng thắn và rất nhiệt tình công tác, để lại cho tôi nhiều cảm tưởng tốt đẹp.

Rồi đến năm 1961, anh Nam Khánh chia tay chúng tôi để đi B. Anh trở lại chiến trường xưa với trọng trách là Chính ủy Lữ đoàn 305, Chính ủy Sư đoàn 3 Sao Vàng và phó chính ủy Quân khu 5. Năm 1957, tôi được Tổng cục chính trị cử làm phái viên chiến trường đi Quân khu 5. Hai chúng tôi có dịp gặp lại nhau tại mặt trận. Khó nói lên nỗi vui mừng gặp lại bạn cũ trên chiến trường Khu 5 đầy khó khăn gian khổ nhưng đầy chiến công thắng Mỹ.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, anh Nam Khánh trở ra miền Bắc, sau một thời gian làm Giám đốc Học viện Chính Trị, anh được điều động lên giúp anh Chu Huy Mân – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Phó chủ nhiệm trong thời gian khẩn trương của hai mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, giúp quân và dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Lúc này tôi được điều động lên Mặt trận biên giới phía Bắc, làm Phó Chính ủy Quân Khu 2. Tôi có nhiều dịp được lên làm việc với anh Chu Huy Mân và anh Nam Khánh khi các anh lên thị sát chiến trường biên giới phía Bắc.

Năm 1986, tôi được điều động trở lại Tổng cục Chính trị làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tôi lại được gặp anh Nam Khánh, chúng tôi cùng nhau cộng tác triển khai mọi công việc của Tổng cục Chính trị sau Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 6.

Anh Nam Khánh được phong quân hàm Thượng tướng năm 1988, xứng đáng với những cống hiến của anh trong xây dựng và chiến đấu của quân đội ta.

PV: Trước sự ra đi của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng muốn nói điều gì với gia đình Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Vĩnh biệt anh Nam Khánh, lòng tôi đau như cắt. Bạn Nguyễn Nam Khánh ơi! Bạn không bao giờ mất, bạn vẫn còn trong tâm trí của chúng tôi. Bạn không nằm dưới đất, bạn nằm trong sự nghiệp của quân và dân ta.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Trung tướng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại