Theo Thiếu tá Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra, xử lý tai nạn giao thông và tuyên truyền - Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết, hiện việc đăng ký, cấp, đổi, thu hồi biển số, giấy tờ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được thực hiện theo Thông tư 36; từ 1/6 việc này sẽ được thực hiện theo Thông tư 15 vừa được Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành.
Theo đó, so với quy định trước đây Thông tư 15 có hai nội dung mới được đưa vào, gồm chủ xe khi bán phương tiện phải có thông báo bằng văn bản đến cơ quan chức năng; và xe máy điện phải đăng ký biển số.
Cụ thể, đối với nội dung thứ nhất, Thông tư quy định: Ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản (theo mẫu) đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Mục đích của việc này giúp cho cơ quan chức năng kiểm soát, theo dõi phương tiện. “Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.
Với nội dung thứ hai Thông tư nêu rõ, cùng với xe ôtô; máy kéo; rơ moóc-sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy kể cả xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự… khi lưu thông trên đường phải được cấp biển số.
Hiện trên cả nước có hơn 1 triệu xe điện hai bánh, các loại xe này thường nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định cho xe điện hai bánh nên việc xác định xe nào là xe đạp điện, xe nào là xe máy điện vô cùng khó khăn. Do vậy hiện cơ quan chức năng cũng không thể xác định được có bao nhiêu xe máy trong số hơn 1 triệu xe điện hai bánh trên.