Trường ĐH Hoa Sen trước “khúc ngoặt” lịch sử

Minh Sỹ |

(Soha.vn) - Đó là sự đổi mới hoặc tụt hậu!

Tạm bỏ qua các tranh luận về trách nhiệm của cấp lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen, điều những người làm giáo dục trăn trở nhất trước, trong và sau những sai phạm đáng tiếc vừa qua là: Làm sao thu hút sinh viên đến với ĐH Hoa Sen khi các cơ sở giáo dục khác đang lớn mạnh từng ngày và làm thế nào mang đến cho sinh viên Hoa Sen dịch vụ đào tạo tốt nhất? Câu trả lời có mẫu số chung là: Đổi mới!

“Ngủ quên trên chiến thắng”

“Vài năm qua, các bước tiến của ĐH Hoa Sen đã không còn mang tính đột phá và tiên phong trong khối trường ĐH tư thục như trước. Vị thế giờ đã khác nhiều khi các trường ĐH khác như Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, FPT…  đang ngày càng lớn mạnh.” – một cổ đông tham gia buổi Đại hội cổ đông bất thường ngày 2/8 của ĐH Hoa Sen chia sẻ với PV.

Nhìn nhận công bằng, có thể thấy từ lúc được Bộ GD&ĐT đồng ý cho chuyển từ Cao đẳng Hoa Sen lên ĐH Hoa Sen, ban lãnh đạo trường này đã có công lèo lái, tạo những bước đột phá ngoạn mục. Chất lượng đào tạo, đầu ra cho sinh viên… là những giá trị ĐH Hoa Sen luôn trong nhóm dẫn đầu – kể cả trong khối trường ĐH công lập lẫn tư thục. Hầu hết các cổ đông, giảng viên và sinh viên đều đánh giá cao công lao của HĐQT, đặc biệt là Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng.

Song, sau khi đưa ĐH Hoa Sen lên hàng “top”, đang có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy trường này đang chững lại và đứng trước nguy cơ xuống dốc. GS Vũ Đức Vượng đặt vấn đề: “Nếu không nhanh chóng có những thay đổi, khả năng trường ĐH Hoa Sen bị các trường khác qua mặt là thấy rõ”.

Ngày 6.8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký quyết định đình chỉ tuyển sinh chương trình Vatel của ĐH Hoa Sen 12 tháng, khẳng định các sai phạm của nhà trường.

Một vấn đề nữa rất đáng suy ngẫm, theo GS Vượng, là dường như ban lãnh đạo ĐH Hoa Sen không chú trọng đến các ngành khoa học cơ bản. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc trường gặp khó trong việc thu hút các giảng viên giỏi về giảng dạy. GS Vượng đánh giá, việc “lơ” các ngành này, sẽ đánh mất vị thế của ĐH Hoa Sen đối với các trường khác trong tương lai gần.

Nhìn lại “cuộc chiến nội bộ” ở ĐH Hoa Sen, có thể thấy những vấn đề cốt lõi đang cố tình bị đánh tráo khái niệm, hoặc lái dư luận đi sai sự thật. Để sẵn sàng đối phó với cuộc ĐHCĐBT ngày 2/8, trước đó 3 ngày bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng mở cuộc hội thảo với cái tên “Trước nguy cơ Trường ĐH Hoa Sen bị chiếm đoạt”. Rõ ràng, đây là chiêu “đánh phủ đầu” trước khi các cộng sự của Bà Phượng “dám có ý kiến” phản đối quan điểm của Hiệu trưởng. Nhưng, nghiêm túc nhìn nhận sự việc khách quan, ai là người chiếm đoạt, và ĐH Hoa Sen là của ai?

Trường ĐH Hoa Sen là đại học tư thục, hoạt động song song theo hai luật: Luật Giáo dục và Luật Doanh nghiệp. Xét theo luật Doanh nghiệp, trường thuộc sở hữu của các cổ đông thông qua số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ. Bà Phượng đặt vấn đề ĐH Hoa Sen bị chiếm đoạt, ám chỉ đối tượng là các cổ đông khác là bước đi thiếu thận trọng đầu tiên. Càng khó hiểu khi so với những cổ đông đó, bà Phượng nắm giữ số cổ phiếu thấp hơn nhiều.

ĐHCĐBT ngày 2/8 diễn ra theo đúng Luật doanh nghiệp vì được sự nhất trí của nhóm đang sỡ hữu trên 70% cổ phần. Bà Phượng - hiện vẫn đương nhiệm chức danh Hiệu trưởng, và HĐQT cũ (đã bị bãi miễn) lại có động thái thiếu sáng suốt thứ hai khi đứng ra tổ chức buổi “họp báo” trá hình với tên gọi “Gặp gỡ báo chí về việc ĐHCĐBT ngày 2/8”. Trong buổi “gặp gỡ”, bà Phượng và ông Trần Văn Tạo (Chủ tịch HĐQT – đã bị bãi miễn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp) ra sức phân trần về những sai phạm đã được Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận vào tháng 4/2014. Họ bác bỏ tính hợp pháp của ĐHCĐBT, đồng nghĩa với việc từ chối chấp nhận những kết quả đã được đại bộ phận cổ đông thông qua. Sự việc càng đẩy lên cao trào khi Đoàn công tác Thanh tra Sở TT&TT – đại diện chính quyền TPHCM đột ngột xuất hiện, yêu cầu ngưng ngay cuộc “họp báo” trái phép, lập biên bản xử lý sai phạm.

Sau những sai phạm đã được cấp quản lý cao nhất về giáo dục xử lý, Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng lại có những bước đi được đánh giá là sai lầm khi cố tình hướng dư luận hiểu sai bản chất câu chuyện, đẩy các cộng sự trong HĐQT của mình vào thế “đối đầu”. Bên cạnh đó, vừa làm trái luật Doanh nghiệp, vừa vi phạm pháp luật.

“Chúng tôi đánh giá cao và bày tỏ sự trân trọng những thành tựu Hiệu trưởng và HĐQT cũ đã có công xây dựng và khẳng định tầm vóc trường ĐH Hoa Sen. Thế nhưng, đã đến lúc ngôi trường này cần một luồng gió mới, tư duy mới và cách quản lý mới tiến bộ hơn. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ĐH Hoa Sen. Là cổ đông, giữa sự lựa chọn: Đổi mới hoặc tụt hậu? Chúng tôi chỉ có thể chọn phương án mang lại lợi ích thiết thân của hàng ngàn sinh viên và cho danh tiếng của trường!”  - một cổ đông nêu suy nghĩ.

Đổi mới như thế nào?

Trước khi thực hiện bài viết này, PV đã có nhiều cuộc trao đổi với SV hiện đang theo học tại ĐH Hoa Sen và SV vừa trúng tuyển. Hoài nghi, hoang mang là những tâm trạng có thể dễ dàng cảm nhận. “Liệu tụi em có rơi vào cảnh một SV, hai ban giám hiệu, hai hiệu trưởng, hai nơi học khác nhau như tình trạng ở ĐH Hùng Vương vừa qua?” – một SV thắc mắc.

Và, để trả lời cho câu hỏi này, cần phải đợi phán quyết cuối cùng của UBND TP HCM về việc công nhận hay không tính hợp pháp và những kết quả đạt được tại ĐHCĐBT ngày 2/8. Phân tích như vậy để thấy, phía trước ban lãnh đạo mới vừa được bầu tại ĐHCĐBT là muôn vàn chông gai. Nếu không có những phương án đổi mới phù hợp và kịp thời, “con thuyền” Hoa Sen sẽ càng tròng trành dữ dội.

Trước đông đảo cổ đông, HĐQT mới đứng đầu là PGS.TS Lưu Tiến Hiệp (Chủ tịch HĐQT) đã chia sẻ lộ trình thay đổi trong công tác quản lý và đào tạo. Theo ông Hiệp, việc cần làm đầu tiên là xóa tình trạng quyền lực tập trung vào một cá nhân, dễ gây nên sự không minh bạch trong quản lý. Tạo môi trường giảng dạy dân chủ, triệt để xóa tình trạng giảng viên “sợ” hiệu trưởng như trước đây. Tập trung vào công tác đào tạo để nâng cao chất lượng đầu ra cho SV. Đầu tư nhiều hơn vào các ngành khoa học cơ bản làm tiền đề thu hút các giảng viên giỏi, các nhà khoa học đầu ngành về giảng dạy tại ĐH Hoa Sen. Vấn đề mấu chốt nữa là việc ĐH Hoa Sen sẽ xúc tiến các chương trình liên kết với nhiều trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, liên kết với các doanh nghiệp lớn, làm cầu nối cho SV sau khi tốt nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Việt là cổ đông trẻ tuổi nhất (SN 1983) vừa được tín nhiệm bầu vào HĐQT, từng tốt nghiệp 2 trường ĐH danh tiếng Stanford và Havard trăn trở: “SV Hoa Sen chúng ta đang tỏ ra lép vế hơn một số trường ĐH hàng đầu khác khi tỷ lệ vào làm việc tại các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới như: Unilever, Samsung, Google… còn thấp. Với phương châm nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi sẽ nỗ lực tạo ra cầu nối để SV được giao lưu, học hỏi với các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới. Khi chất lượng SV được nâng lên, việc vào các doanh nghiệp lớn làm việc đối với SV Hoa Sen sẽ không còn khó nữa”.

Một điểm tích cực khác mà chúng tôi nhận thấy, là việc ban lãnh đạo mới có những động thái rõ ràng về văn hóa từ chức, chấm dứt tình trạng “tham quyền cố vị”. Nguyên phó hiệu trưởng Phạm Thị Thủy dù được bầu vào HĐQT nhưng ngay lập tức từ chối. Nguyên nhân là do bà có văn hóa và đạo đức nghề nghiệp, cảm thấy mình có trách nhiệm liên đới trong các sai phạm của hiệu trưởng Bùi Trân Phượng.

TS Lưu Thanh Trà – Chủ nhiệm bộ môn Máy – Máy tính trường ĐH Hoa Sen khẳng định: “Các em SV hãy yên tâm. Đội ngũ giảng viên trường luôn tâm huyết và yêu thương SV. Qua cơn sóng gió, chắc chắn ĐH Hoa Sen sẽ thể hiện một diện mạo và vị trí mới, cao hơn!”

Ngày 6/8, Bộ GD&ĐT có quyết định đình chỉ tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo Vatel với Trường kinh doanh quốc tế quản lý Du lịch và Khách sạn Vatel (Pháp). Nguyên nhân là do Trường ĐH Hoa Sen vi phạm nghị định 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Sai phạm này bắt nguồn từ Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Vĩnh An do bà Bùi Trân Phượng làm giám đốc thu học phí vượt mức quy định, tự bố trí lịch học, ký hợp đồng thuê giảng viên, trong đó có một số giảng viên không đủ tiêu chuẩn...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại