Thuê côn đồ đòi nợ vì “ngại” tòa án?
Trên thực tế, dịch vụ đòi nợ thuê tồn tại được chính là có khách hàng theo đúng quy luật có “cầu” thì có “cung”. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao các chủ nợ lại tìm đến các băng nhóm côn đồ để thuê đòi nợ dù biết rằng đó là phạm pháp mà không nhờ đến chức năng, thẩm quyền của tòa án?
Ông Lê Hữu Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội), một chủ nợ từng thuê côn đồ đi đòi nợ cho biết: “Thực ra cũng biết thuê côn đồ đi đòi nợ là sai luật, thậm chí có thể gây ra thương tích hoặc án mạng đối với người nợ và chủ nợ cũng như người đòi nợ có thể bị ngồi tù, nhưng rồi vẫn phải thuê.
Có nhiều lý do lắm. Thứ nhất là thuê côn đồ việc đòi nợ được diễn ra nhanh chóng, người đòi nợ được trả tiền công hậu hĩ thì sẽ cố gắng đòi cho bằng được, dù bằng mọi giá, không có cơ hội cho con nợ bỏ trốn nợ. Thứ hai là nếu nhờ đến tòa án can thiệp thì thủ tục lằng nhằng phức tạp lắm, lại còn phải thuê mướn luật sư, mà có khi tiền nợ đòi được sau khi trừ các chi phí hầu tòa, số còn lại chẳng được bao nhiêu”.
Trên đây không phải chỉ là ý kiến của riêng ông Tùng mà rất nhiều người dân đều có chung suy nghĩ như thế. Chính vì vậy, mỗi khi xảy ra sự vụ như con nợ trốn nợ, “quỵt” nợ, chậm trả,… tất cả đều tìm đến và phó thác cho các nhóm côn đồ “giải quyết từ A đến Z”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Phạm Tiến Quyển (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho rằng sở dĩ xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng mấu chốt vẫn là do quy định nằm trong luật.
LS Quyển phân tích: “Cụ thể, để khởi kiện một vụ án đòi nợ, theo quy định thì tòa án phải thụ lý trong vòng năm ngày từ khi nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. Thực tế, nhiều vụ phải kéo dài từ 20 ngày đến một tháng mà tòa vẫn chưa thụ lý. Trong quá trình giải quyết những vụ án này, có vụ kéo dài từ một đến hai năm mà vẫn chưa có kết quả. Đây chính là cơ hội để bị đơn tẩu tán tài sản, không phải thi hành án”.
“Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về phong tỏa tài sản để hạn chế việc tẩu tán tài sản của bị đơn nhưng thực tế, việc áp dụng biện pháp này chưa có sự hướng dẫn cụ thể của Tòa án Nhân dân Tối cao cũng như việc áp dụng quy định về nộp tiền bảo đảm vào tài khoản ngân hàng của nguyên đơn cũng mỗi nơi mỗi khác, gây khó khăn cho chủ nợ”, LS Quyển phân tích.
LS Quyển cho rằng: “Có tòa án yêu cầu nguyên đơn nộp một phần nhỏ giá trị tài sản bị phong tỏa của bị đơn, nhưng cũng có tòa chỉ yêu cầu phải nộp bằng với giá trị tài sản bị phong tỏa của bị đơn. Điều này khiến các chủ nợ gặp nhiều khó khăn khi đòi nợ thông qua tòa án”.
Phí hầu tòa cao
Ngoài vấn đề khó khăn vì thủ tục kéo dài và rườm rà, nhiều chủ nợ thẳng thắn bày tỏ: không dám đệ đơn ra tòa vì “sợ” mức… án phí cao ngất ngưởng.
Về vấn đề này, LS Phạm Tiến Quyển giải thích: “Ngoài những bất cập trên, còn phải nhắc đến lãi suất phải thanh toán từ việc cho vay mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn. Nếu các giấy vay tiền không thể hiện lãi suất, tòa án sẽ áp dụng mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 8%/năm. Việc này gây thiệt hại cho nguyên đơn, bởi không ai cho vay mà áp dụng mức lãi suất cơ bản”.
Theo LS Quyển, chính những bất cập trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án dân sự đòi nợ đã khiến các chủ nợ ngán ngẩm không muốn nhờ đến sự can thiệp của luật pháp mà “nhờ” các băng nhóm “xã hội đen”.
Việc vẫn phải nhờ "xã hội đen" đòi nợ có nghĩa là hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập
“Nhiều trường hợp, đương sự khởi kiện ra tòa đòi nợ, đóng án phí đầy đủ nhưng vì thủ tục phức tạp, rườm rà và quan trọng nhất là kết quả sau phiên tòa không như ý nên người khởi kiện đã rút đơn, không nhờ đến sự can thiệp của cơ quan xét xử nữa”, LS Quyển dẫn chứng.
Trên thực tế, không ai muốn nhờ “xã hội đen” đòi nợ, bởi đó là hành động vi phạm pháp luật; nhưng để hạn chế đến triệt xóa dịch vụ đòi nợ thuê thì vấn đề đặt ra là phải chỉnh sửa những bất cập của luật pháp.
Chỉ khi đó, người dân mới thật sự tin tưởng vào khả năng thu hồi công nợ khi nhờ cậy đến cơ quan chức năng mà không cần nhờ đến các băng nhóm côn đồ chuyên đi đòi nợ thuê.
Tuy nhiên, để làm được điều trên thì không dễ, cần phải có lộ trình. Vì thế, câu chuyện “triệt xóa dịch vụ đòi nợ thuê” trên thực tế vẫn chỉ là câu chuyện nói thì dễ, làm thì… không dễ.