Đòi nợ thuê: “Nóng” những ngày gần Tết (Kỳ 1)

H.Sơn |

(Soha.vn) - Vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, khi thị trường mua bán hàng hóa cùng các dịch vụ khác trở nên sôi động, thì dịch vụ đòi nợ thuê cũng bắt đầu vào mùa “chạy đua nước rút”.

Không ngại “đổ máu”

“Dịch vụ đòi nợ thuê” là khái niệm không còn mới mẻ, nó đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cùng với thời gian, loại hình “dịch vụ đặc biệt” này càng trở nên phổ biến hơn, có tổ chức chặt chẽ hơn, quy mô hơn và cũng không kém phần… manh động hơn.

Nếu như các loại hình dịch vụ khác đòi hỏi cần phải đầu tư vốn và tổ chức thành các dây chuyền phục vụ khách hàng thì đòi nợ thuê lại khá “kén” người làm lẫn người sử dụng dịch vụ. 

Những người làm dịch vụ này là những người “đặc biệt” và người sử dụng loại hình dịch vụ này cũng là những khách hàng “đặc biệt”.

Hầu hết khi nói đến đòi nợ thuê thì ai cũng hiểu đó là đang nói đến thế giới ngầm của xã hội đen và ít nhiều dinh dáng đến pháp luật. 

Dân đòi nợ thuê thường là những đối tượng đã có tiền án tiền sự dù ít dù nhiều và người cầm đầu một “ê kíp đòi nợ” thường là dân anh chị, phải có “số má” và “có uy tín” trong giới giang hồ.

Những hiệu cầm đồ càng ngày càng
Những hiệu cầm đồ càng ngày càng "mọc" lên nhiều hơn.

Sau 5 năm tù về tội cố ý đánh người gây thương tích, cộng thêm 18 tháng tù giam về tội buôn bán, tàng trữ thuốc nổ trái phép, hồ sơ lý lịch của Đ.H (tên nhân vật được giấu) đủ tiêu chuẩn để lọt vào top “anh chị”. 

Ba tháng sau khi ra tù, H bắt đầu tụ tập “huynh đệ” để hình thành nên một nhóm chuyên bảo kê và đòi nợ thuê trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội).

Suốt dọc đường Xã Đàn đến khu vực hầm Kim Liên trở thành “đặc khu” của H và nhóm đàn em “ngự trị”, các băng khác không thể “lọt” vào.

Tiêu chí hoạt động của nhóm đòi nợ thuê mà H dẫn dắt là “lì, liều và khi cần thì… không sợ đổ máu”. 

Vào những ngày cuối năm, khi thị trường mua bán hàng hóa cùng các dịch vụ khác trở nên sôi động, thì dịch vụ đòi nợ thuê cũng bắt đầu vào mùa “chạy đua nước rút”. Nhóm của H cũng “đắt khách” hơn.

Khách hàng của nhóm H thường là chủ nợ bị con nợ “xù” tiền hoặc chậm trả. Khi có nhu cầu, khách chỉ cần đến đặt vấn đề là coi như xong, chuyện đòi nợ do nhóm làm đảm bảo “nhanh, gọn, hiệu quả”. 

T, một đàn em của H tiết lộ: cách thức đòi nợ phổ biến nhất là bỏ ra mấy ngày để đi điều tra gia cảnh, số điện thoại, lẫn mối quan hệ của con nợ.  Sau đó, sử dụng sim “rác” để nhắn tin, gọi điện đe dọa từ xa.

Theo T, thường thì những tin nhắn và cuộc gọi sẽ diễn ra liên tục, tạo áp lực tâm lý cho con nợ, những tin nhắn và cuộc gọi mà bất kì ai khi nhận được đều không khỏi “choáng váng”: “Ông anh định khi nào trả đây? Nói “vuông” một câu thôi nhé”, “Bà chị có hai đứa con học ở trường X cũng kháu khỉnh chứ nhỉ?”, “Mày cẩn thận, tao tính sơ sơ cả nhà mày chỉ khoảng 4 nhát”, “Mày hãy mua quan tài trước khi báo công an nhé”…

Cũng theo T, thường thì sau những loạt tin nhắn, đe dọa rầm rộ như vậy, con nợ sẽ phải cố xoay xở để trả bởi ai cũng hiểu nếu không trả đúng hẹn thì những lời đe dọa trên sẽ không còn là những lời nói suông!

“Sống” trên “đổ nát”

Tuấn “khùng”, một nhân vật có “máu mặt” trong giới đòi nợ thuê ở khu vực đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) tiết lộ: “Kinh tế càng khó khăn, người vay nợ và phá sản càng nhiều thì dân đòi nợ thuê càng đắt khách, càng nhanh phất. Bởi đây chính là cơ hội và thời điểm tốt để làm ăn”.

Sau 3 năm hành nghề đòi nợ thuê, Tuấn “khùng” đã có thể “kiếm” đủ vốn để mở riêng cho mình một hiệu cầm đồ ngay trên đường Láng. Tuấn “khùng” cho biết, muốn làm nghề đòi nợ thuê thì phải có máu liều, không liều thì không làm được.

“Những món nợ mà khách hàng phải nhờ đến dân đòi nợ thuê thường là những món nợ đã lâu, khó đòi và con nợ cũng thuộc thành phần “rắn”. Muốn đòi được thì mình phải biết cách, quan trọng là phải “rắn” hơn. Thậm chí, khi cần thiết thì không ngần ngại “chơi” luôn”, Tuấn “khùng” cho biết.

Vừa ngồi ăn trưa, Dũng

Vừa ngồi ăn trưa, Dũng "ba sọi" vừa lấy điện thoại ra gọi cho các con nợ để đòi tiền.

Theo Tuấn “khùng”, khi nhận lời với khách hàng thì phải đảm bảo là đòi được, bằng mọi giá, để còn “giữ uy tín” với khách, và quan trọng hơn là có đòi được thì mình cũng mới có tiền.

Cách “trả tiền công” của giới đòi nợ thuê cũng khá “dị”: trước khi đòi nợ, khách hàng sẽ thỏa thuận với người đòi nợ về phần trăm từ hợp đồng, thường thì từ 30 – 50% số tiền nợ đòi được sẽ được trả cho người đi đòi nợ.

Số tiền càng nhiều, càng khó đòi thì số phần trăm trích ra để trả cho dân đòi nợ thuê càng lớn. Chính vì số lượng “tiền công” hậu hĩ mà nhiều dân đòi nợ thuê đã bất chấp mọi thủ đoạn, cách thức, thậm chí sử dụng cả “hàng nóng” để cố đòi nợ cho bằng được.

Dũng “ba sọi”, một “đồng nghiệp” của Tuấn “khùng” trong các phi vụ đòi nợ thuê cho biết, từ năm 2010 đến nay nhóm của Dũng luôn “đắt khách”, có những hôm nhận tới “năm hợp đồng”, toàn “hợp đồng khủng”, tiền nợ nhiều.

Khác với các nhóm khác, cách thức đòi nợ của nhóm Dũng “ba sọi” và Tuấn “khùng” có vẻ “nhẹ nhàng” hơn nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Dũng “ba sọi” kể: Có lần, nhóm của Dũng nhận một hợp đồng đòi nợ thuê trên Mã Mây, số tiền là gần 6 tỷ đồng, con nợ thì đã trốn biệt tích trước đó mấy tháng, giờ chỉ có nước ép bố mẹ con nợ bán nhà để trả. Nhóm của Dũng bèn cử gần chục người “đóng vai” là các chủ nợ thường xuyên đến đòi nợ.

Nhóm này "phân công" người đến, hỏi: “Anh T có nhà không? Anh T đang mượn tôi 1 tỷ chưa trả, giờ tính sao đây?”, hai tiếng sau, lại một người khác đến hỏi mua nhà, rồi lại người khác đến đòi nợ,…

Theo Dũng “ba sọi”, trong vụ này nhóm của mình đã đòi nợ thành công. Với sự đeo bám liên tục, khủng bố tinh thần bố mẹ chủ nợ, chỉ hơn một tháng sau, chủ nợ đã phải “bán đứt” căn nhà trên để trả nợ. 

Người mua lại căn nhà chính là người của Dũng “ba sọi”, với giá rất “hời” sau khi đã ép giá. Ngoài ra, trong vụ này, nhóm của Dũng “ba sọi” còn kiếm được 30% số tiền đòi được để chia chác nhau.

Còn tiếp...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại