Trêu ghẹo cô gái rách nội y tại công viên nước: "Tâm lý bầy đàn"

Hoàng Đan |

Ông Cường cho rằng, hành động của một số nam thanh niên trêu ghẹo, thậm chí "sàm sỡ" các cô gái ở công viên nước Hồ Tây là thể hiện thái độ vô học trong xã hội.

Xấu hổ vì nghịch cảnh

Hình ảnh rất nhiều người, trong đó có không ít phụ huynh mang cả con cố gắng vượt hàng rào sắt nhọn để có thể vào tắm miễn phí tại công viên nước Hồ Tây trong ngày 19/4 đã khiến dư luận hết sức bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia truyền thông Vũ Mạnh Cường cho rằng, có thể nhiều người bức xúc khi nhìn thấy những tấm ảnh nghịch cảnh đó, nhưng với cá nhân mình thì ông thấy buồn.

"Nếu như những ông bố bà mẹ trẻ đó một mình trèo qua hàng rào thì còn trách họ là vô ý thức, không gương mẫu, làm tấm gương xấu cho con trẻ.

Còn đằng này họ ôm cả những con mình trèo rào qua những mũi sắt nhọn thì đó là sự mạo hiểm mạng sống một cách không đáng có.

Chúng ta nên nhớ lại bức ảnh siêu sao nhạc pop Michael Jackson đùa giỡn bằng cách đưa con trai 9 tháng tuổi ra khỏi ban công tầng 5 của khách sạn ở Berlin (Đức) hồi tháng 11/2002, bị dư luận cả thế giới chỉ trích.

Michael Jackson sau đó phải thừa nhận “sai lầm khủng khiếp” của mình và cam kết sẽ không bao giờ mạo hiểm mạng sống các con nữa", ông Cường chia sẻ.

 
chuyên gia vũ mạnh cường
Đây thực sự là biểu hiện của thái độ vô học trong xã hội. Thật trớ trêu khi thấy hàng trăm thanh niên trai tráng, mà tôi tin rằng trong số đó có những người được giáo dục, đã không có ai tìm cách ngăn cản hoặc giúp cô gái thoát khỏi tình huống dở cười dở khóc này mà vào hùa để trêu đùa, chòng ghẹo cô.

Cũng theo ông Cường, cá nhân ông đã cảm thấy rất xấu hổ sau khi theo dõi những hình ảnh trên.

"Tôi thấy xấu hổ. Xã hội càng phát triển thì càng bộc lộ những hành vi ứng xử không phù hợp của một bộ phận người.

Sở dĩ có những biểu hiện này là do xã hội đã không chú trọng giáo dục công dân của mình, cứ nghĩ rằng họ lớn thì tự biết.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải giáo dục thói quen văn minh cho con người ngay từ khi còn nhỏ", ông Cường nói.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, những hành động là những thói quen xấu, không được rèn giũa, uốn nắn, lại không có sự tham chiếu nên đã song hành cùng đời sống của nhiều người Việt Nam.

Đồng quan điểm đó, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Viện quản lý Việt Nam cũng cho rằng, những hành động, hình ảnh trên cho thấy, giáo dục con người của chúng ta đã dường như "thất bại".

Ảnh: Zing
Ảnh: Zing

"Ngay tại Thủ đô mà lại diễn ra những hành động dù sai nhưng vẫn nhởn nhơ như vậy đã cho thấy giáo dục con người của chúng ta dường như thất bại hoàn toàn và kỷ cương, pháp luật đang bị coi nhẹ, xem thường,

Chưa kể qua đó cũng cho thấy tâm lý bầy đàn, chộp giật của một bộ phận người dân. Họ hùa nhau để đoạt được cái lợi, dù chỉ là rất nhỏ mà không quan tâm đến người xung quanh, đến xã hội", ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Sự vô học

Bình luận về cảnh tượng đám đông nam thanh niên vây quanh cô gái bị rách bikini với những lời reo hò phấn kích, rồi trêu trọc, có hành động phản cảm với nhiều cô gái khác tại công viên nước, ông Cường cho rằng, đó là biểu hiện của thái độ vô học.

"Có thể họ chỉ nghĩ đó là trò đùa, không có ác ý gì. Nhưng nếu ai đó đặt địa vị mình là người thân của cô gái kia, sẽ thấy đó là hành vi bỉ ổi và thấy thật xót xa khi người thân của mình bị rơi vào tình cảnh đó.

Một trong những điều đầu tiên mà trẻ em nam cần được dạy đó là tôn trọng phụ nữ", ông Cường nhấn mạnh.

Còn ông Tuấn Anh nhìn nhận, sở dĩ có cảnh tượng này là do không ít các bạn trẻ đang sống với "rác văn hóa" nên họ mất đi sự tử tế cần có.

 
ông vũ tuấn anh
Đầu tiên là giáo dục con người của chúng ta dường như đã thất bại. Thêm nữa, ở đây, các bạn trẻ này đang sống với rác văn hóa nên sự tử tế của họ đã mất dần đi. Họ coi những trò trọc ghẹo, vui trước nỗi buồn của người khác mới là trò hay... Đó là điều rất đáng báo động.

Từ những sự cố như vậy, theo ông Cường, đã cho thấy rõ rằng phát triển kinh tế phải song song với phát triển giáo dục và văn hóa.

"Tôi mong các nhà giáo dục hãy soạn thảo những cuốn sách hướng dẫn cách ứng xử cho công dân trong xã hội hiện đại để dạy dỗ trẻ em cùng với các giá trị đạo đức truyền thống.

Những công dân đã  trưởng thành cũng cần được “giáo dục” thường xuyên thông qua các cuộc vận động thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi mà chính quyền các cấp chủ động tiến hành", ông Cường kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại