Trẻ mà giỏi: Sếp cao tay mới dùng được!

An Nguyễn |

“Điểm yếu chết người của nhân sự trẻ là thích thì làm, không thích thì để đấy. Hoặc khi đã thành công thì cho rằng tất cả là do chính tài năng của mình, trách móc những người đã dìu dắt họ. Nhưng dùng và giữ được nhiều người trẻ, giỏi là sếp rất giỏi”.

Thiếu kinh nghiệm là lợi thế?

Thường, các giám đốc trẻ, năng động, quản lý các công ty thiên về các lĩnh vực công nghệ, truyền thông... thích tuyển nhân sự trẻ.

Ông Ong Xuân Minh, Giám đốc trang tuyển dụng Timviecnhanh cựu Phó Tổng GĐ 24h  cho biết: Ngoài một số vị trí cần người có kinh nghiệm như tài chính, nhân sự, đa số nhân sự của công ty ông đều trẻ măng.

Với công ty đang tăng tốc, muốn nhanh chóng vượt lên như chúng tôi, môi trường có nhiều nhân sự trẻ sẽ khiến người đứng đầu những thích thú khi điều hành: “Người trẻ việc gì cũng dám làm, không sợ khó khăn, không sợ thất bại. Đấy là ưu điểm lớn nhất.

Làm việc với người trẻ còn cảm thấy “khoan khoái” ở chỗ giao gì là làm ngay, sai đâu thì sửa đấy và dễ sửa vì họ chưa bị lối mòn trong tư duy, thói quen trong hành động.” - ông Minh chia sẻ.

Với ông Phạm Minh Tuấn, người Việt duy nhất trong Top Lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL) 2012 được vinh danh bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thì khả năng học hỏi thật nhanh kiến thức mới và tinh thần "máu lửa" là mấu chốt trong ngành công nghệ.

Theo ông Tuấn, nhiều khi kinh nghiệm chính là rào cản. Thay vì thích nghi với công nghệ mới, cách làm mới phù hợp với từng thời điểm, thì người có kinh nghiệm lại chỉ một mực chứng minh rằng "ngày xưa chúng tôi hay làm như thế này".

Thiếu kinh nghiệm nhiều khi lại là lợi thế, vì học nhanh, học dễ, và ham đổi mới.

Những điểm yếu “chết người”

“Nhưng người trẻ đừng chủ quan, vì trẻ hay không không hẳn là tuổi tác” – ông Ong Xuân Minh cảnh báo.

Ong Xuân Minh kể: Tôi từng phỏng vấn hàng trăm người trẻ mà phát hoảng, vì mới ra trường mà họ còn cũ hơn cả mình.

Già hay trẻ không chỉ căn cứ vào tuổi tác mà quan trọng nhất là cách tư duy, nhiệt huyết và cách thức làm việc.

Đã vài lần nghe GS Nguyễn Văn Hiệu, nhà thơ Trần Việt Phương nói chuyện, tôi quên mất cảm giác đang nghe chuyện của các cụ già trên 80 tuổi, tư duy của họ rất mới mẻ, cách nói, cách viết của họ đôi khi còn hấp dẫn và có lửa hơn nhiều so với rất nhiều trí thức trẻ lười nghĩ, lười đọc.

Hoặc là bạn thử vào Facebook của GS Văn Như Cương mà xem, tôi luôn cảm thấy từ cụ một nhiệt huyết mạnh mẽ và trẻ trung lan tỏa sang người khác.

Trí tuệ của cụ là một giáo sư 75, nhưng sáng tạo và nhiệt huyết của cụ là một nam thanh niên 20. Có lẽ nhờ thế mà học sinh trung học của thấy luôn thấy thầy hấp dẫn, mới mẻ.

Điều đáng sợ là bạn đang già đi, cũ đi mỗi ngày mà không tự biết biết, dù bạn còn rất ít tuổi”.

Theo ông Minh, một mặt khác của nhiệt huyết trẻ là nếu đặt nhầm chỗ sẽ thành tính hung hăng. Đó là khi họ quá ham “chiến đấu” để thể hiện bản thân, đặt cái tôi lên cao hơn sự tương thích với hệ thống.

Vì vậy, tùy vào vị trí công việc và văn hóa công ty mà chọn người nhiều kinh nghiệm hay trẻ tuổi.

Các lãnh đạo đã trải qua nhiều thế hệ nhân sự trẻ cũng kể ra những điểm yếu “chết người” khác:

Thứ nhất, người trẻ có thể quá hướng đến hiệu quả công việc mà không quan tâm đến cảm xúc, năng lực của những người đồng sự.

Thứ hai là sự ảo tưởng sớm về bản thân, cho rằng với năng lực của mình phải được trả mức lương cao hơn.

Thứ ba là thích thì làm, không thích thì để đấy. Thứ tư là khi đã học được từ sếp và có chút thành công thì cho rằng tất cả là do chính tài năng của mình.

Có nhiều người trẻ dứt áo ra đi còn gây mâu thuẫn và trách móc những người đã dìu dắt họ, đánh mất một mối quan hệ với nhiều cảm tình.

Lửa trẻ - trí già

Người trẻ, muốn thực sự được tin dùng lâu dài, trước hết phải học cách làm việc nghiêm túc.

“Có những đêm mình thức trắng để kịp deadlines vì khối lượng công việc rất nhiều và các anh chị thì cực kỳ kỹ tính và cẩn thận.

Làm việc từ xa như mình cần phải nỗ lực và nghiêm túc gấp đôi, gấp ba để giữ được niềm tin của sếp có kính nghiệm.” –Nhung. T. Nguyễn (SN 1991) phụ trách Marketing của Trung tâm tiếng Anh và tư vấn du học Summit chia sẻ.

Học nhẫn nại để vượt qua thử thách cũng là một kinh nghiệm đáng giá khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng muốn được cống hiến trong môi trường nhiều áp lực.

Đang là sinh viên năm 3, Nguyễn Tiến Hiệp (SN 1993) vừa làm Trợ lý Giám đốc chuỗi nhà hàng Thế Giới Hải Sản, vừa là Giám đốc Marketing của EcoToys.

Làm vị trí cao khi mới 21 tuổi, Tiến Hiệp cũng từng bị sếp “vùi dập” mạnh tay vì trẻ: “Đó là lần tôi đợi anh Giám đốc gần 5 tiếng đồng hồ mà không được việc dù đã hẹn trước. Càng chờ tôi càng tự nhủ thôi thì mình đang rèn tính kiên nhẫn.”

Mãi sau đó, sếp mới cho biết thực ra anh muốn thử thách Hiệp trước khi để cho một “thằng sinh viên” làm ở vị trí Trợ lý Giám đốc, và Hiệp đã vượt qua.

Làm thế nào để vừa phát huy tối đa ưu thế của một môi trường làm việc nhiều người trẻ?

Ông Bùi Văn, cựu Phó Tổng TKTS Vietnamnet, GĐ Đối ngoại Học viện doanh nhân PACE chia sẻ:

“Cách đây 11 năm, khi ấy tôi 43 tuổi, cùng những nhà báo như anh Nguyễn Lương Phán đã gần 60, anh Trần Đăng Tấn 50 tuổi mới làm quen với môi trường báo điện tử và sự sục sôi của các phóng viên hăng hái.

Nhiều đêm, có sự kiện nóng, các phóng viên trẻ đi đến 11h đêm mới về gọi “Bác ơi dậy đọc bài cho em đi!”, tôi và các bác ấy lại lục cục dậy, hăng hái làm đến sáng. Lúc ấy không thấy mệt vì hình như lửa của bọn trẻ cũng lây sang mình”

Theo ông Văn, sự “máu lửa” luôn là điểm mạnh nhất của người trẻ, không chỉ tiếp thêm nhiệt mà còn làm thăng hoa những kinh nghiệm chinh chiến của lớp già. Chính cái kết cấu “lửa trẻ - trí già” đã tạo nên thành công của VNN thời đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại