Trao nhầm con 42 năm: Một Trung tâm miễn phí mọi xét nghiệm ADN cho chị Trang

N. Huyền |

Chỉ cần lấy tóc, móng tay, móng chân của người mẹ, chị hoặc em gái mẹ, bà ngoại, chị em với bà ngoại.... của tất cả những người nghi ngờ xét nghiệm sàng lọc ADN là xác định được mẹ đẻ của chị Trang.

Trước việc chị Tạ Thị Thu Trang (Quán Thánh, Ba Đình, HN) bị trao nhầm mẹ tại nhà hộ sinh Ba Đình cách đây 42 năm, ông Trần Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm xét nghiệm Gentis cho biết chỉ có xét nghiệm ADN mới có thể tìm được người mẹ sinh học của chị Trang chính xác nhất.

Theo đó, để nhanh chóng xác minh được người mẹ này, ông Quân cho rằng ở mỗi địa chỉ nghi ngờ, gia đình chị Trang có thể lấy tóc có chân, móng tay, móng chân của người mẹ, chị hoặc em gái mẹ, bà ngoại, chị em với bà ngoại....để làm xét nghiệm AND.

Ông Quân cho biết, sau khi lấy được các mẫu nghi ngờ thì việc tìm ra ai là mẹ đẻ của chị Trang khá đơn giản. Bởi tại Gentis có hệ thống phần mềm xử lý trường hợp này.

Cụ thể, việc lấy mẫu sẽ tùy thuộc vào 2 trường hợp: Thứ nhất người mẹ nghi vấn còn sống: lấy mẫu người mẹ này để làm trực hệ.

Trường hợp thứ 2, người mẹ nghi vấn đã mất: phân tích quan hệ theo dòng mẹ. dòng ngoại như: Chị hoặc em gái mẹ, bà ngoại, chị em với bà ngoại....

“Phân tích này được sử dụng để xác định xem hai hoặc nhiều hơn nữ giới có mối quan hệ với nhau thông qua dòng họ ngoại của họ.

Các trình tự ADN ti thể chỉ được truyền từ mẹ cho con (cả gái và trai) và có một tỉ lệ đột biến rất thấp, do đó nó vẫn giữ nguyên qua nhiều thế hệ họ ngoại

Ví dụ: 2 anh em muốn biết liệu họ có cùng một người mẹ sinh học, Phân tích trình tự ADN ty thể, nếu họ có cùng một kết quả phân tích X-SV thì thực tế chứng minh rằng họ chia sẻ cùng một người mẹ.

Nếu kết quả không trùng lặp, thì họ không chia sẻ cùng một người mẹ sinh học”- ông Quân nói.

Ông Quân cũng cho biết thêm, sau khi có kết quả phân tích ADN của những người nghi vấn có quan hệ huyết thống sẽ được đưa vào hệ thống phần mềm.

Phần mềm sẽ đảm nhận công việc còn lại là tìm ra ai là người có quan hệ huyết thống với chị Trang.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với trường hợp này theo ông Quân là sự hợp tác của các gia đình nghi vấn có quan hệ huyết thống với chị Trang.

Liệu họ có chấp nhận tham gia xét nghiệm hay không? Chưa kể nếu tìm ra người mẹ thật thì liệu người mẹ ấy, đứa con ấy có chấp nhận sự thực này không?

“Độ chính xác nếu thông qua phân tích trực hệ (nếu lấy được mẫu của các người mẹ nghi vấn) lên tới 99,99999%. Nêú phân tích thông qua họ hàng, anh chị em thì độ chính xác là 99,99%.

Chỉ sau 4 ngày nhận mẫu, chúng tôi sẽ có lời giải đáp chính xác nhất cho gia đình”- ông Quân chia sẻ.

Chung quan điểm này, đại Tá Hà Quốc Khanh - nguyên giám đốc trung tâm giám định ADN, Viện phó Viện Khoa học hình sự, giám định viên tư pháp cho biết: Phân tử ADN là vật liệu di truyền có nhiều chức năng khác nhau.

Vật liệu di truyền này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở người, các vật liệu di truyền được truyền lại cho thế hệ sau thông qua tế bào giao tử đực và cái là những tế bào đơn bội (tinh trùng và trứng).

Khi trứng kết hợp với tinh trùng để tạo hợp tử là những tế bào lưỡng bội.

Từ tế bào lưỡng bội này sẽ phát triển thành một cơ thể mới mang đầy đủ các thông tin di truyền từ thế hệ bố mẹ. Các thông tin di truyền này được quy định bởi các gen.

Vậy phân tích ADN để xác định huyết thống chính là phân tích đặc điểm, cấu trúc các kiểu gen bằng các kỹ thuật sinh học phân tử với sự hỗ trợ của các thiết bị và bộ KIT chuyên dụng.

Trên cơ sở các dữ liệu thu được sẽ so sánh giữa mẫu với nhau để đưa ra kết quả.

Đối tượng dùng để phân tích ADN trong xác định huyết thống bao gồm: máu, lông tóc, tế bào niêm mạc miệng, xương, móng…, nghĩa là tất cả các tế bào có chứa nhân, bởi trong nhân tế bào có chứa ADN.

Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, thông qua mạng xã hội đã nhờ cộng đồng cung cấp và tìm kiếm thông tin về người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh Ba Đình.

Ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Thời đó, những đứa trẻ được đánh số bằng cách , cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32.

Thắc mắc bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33 sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng, trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết.

Ôm con về nhà nhưng bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng không yên và đứa bé được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang.

Đứa con nhận "nhầm" được gia đình bà hết mực thương yêu. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất, bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy.

Ông Trần Quốc cho biết thông qua báo điện tử Infonet, ông rất chia sẻ với hoàn cảnh chị Trang, đồng thời phía công ty ông sẽ nhận xét nghiệm ADN miễn phí cho tất cả các mẫu nghi vấn có quan hệ huyết thống với chị Trang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại