Nhọc nhằn kiếm tiền
Chúng tôi tìm đến bến xe Mỹ Đình nơi vừa xảy ra vụ việc hai "cò" xe đâm thấu phổi nhau vì tranh giành khách. Tại đây, từng dãy xe thay phiên nhau tấp nập ra vào bến, hành khách tất tả vội vàng để lên kịp chuyến xe. Những phụ xe, lái xe và “cò” lôi kéo, mời chào khách hết công suất.
Khi tìm đến quầy bán vé của hãng xe Đức Phúc để hỏi về chuyện của Lê Thanh Tú, "cò" khách cho hãng này, Tú chính là người bị hại trong vụ tranh giành khách vừa qua. Một nhân viên đã chỉ cho chúng tôi gặp người phụ nữ tên Phạm Lan Hương người được cho là "thủ lĩnh" của Lê Thanh Tú. Vừa mới gặp mặt, Hương đã rất đon đả chào đón và mời chúng tôi vào một căn-tin tại sảnh bến xe.
Hương được cho là "thủ lĩnh" của một số "cò" khách tại bến xe Mỹ Đình đang chia sẻ về cuộc sống và công việc.
Không giấu diếm điều gì, Hương thẳng thắn kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của những “cò” xe như chị. Thỉnh thoảng trong đôi mắt Hương lại ngấn ngấn những giọt nước mắt tủi hờn cho số phận của bản thân và đồng nghiệp của mình.
"Hầu hết chúng em đều là dân ngoại tỉnh, tụ tập về đây để cùng nhau kiếm miếng cơm manh áo. Vì là lao động tự do nên chúng em không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào. Bọn em bắt mối với các chủ xe và được họ thuê bắt khách, mỗi một khách chúng em được trả công 5 đến 10 nghìn đồng. Chỉ chủ xe nào cần chúng em bắt khách, thì chúng em sẽ làm cho xe đó. Như nhóm của bọn em có bốn người gồm: em, Tú ( cậu bé bị đâm) và hai bạn nữa. Tiền thu được trừ ăn uống sinh hoạt còn đâu chúng em chia nhau", Hương kể.
Tuy nhiên, để kiếm được những đồng tiền “cò” thì nhóm của Hương cũng va chạm và đối điện với những cuộc tranh cướp nghiệt ngã. Hương rươm rướm nước mắt kể lại với chúng tôi về hoàn cảnh của Lê Thanh Tú - một “đệ tử” thân cận mới bị “đồng nghiệp” đâm thấu phổi do tranh giành khách.
Theo lời Hương thì nạn nhân Lê Thanh Tú (1990) là một thanh hiền lành, ngoan ngoãn. Tú có một gia cảnh hết sức thương tâm, bố mất sớm mẹ lại đau ốm triền miên. Là con trai cả trong gia đình nên từ nhỏ Tú đã phải bươn trải bằng nghề đi buôn đủ thứ cùng mẹ để kiếm kế sinh nhai. Mẹ già sức yếu cùng đứa em nhỏ dại là gánh nặng đè lên vai đã khiến bề ngoài của Tú như một người đàn ông đứng tuổi. Trước sự túng quẫn của gia đình, Tú đành phải bỏ học nửa chừng để đi kiếm tiền đỡ đần mẹ và em. Cách đây 3 tháng, Tú được một người bạn cùng quê giới thiệu, xin cho vào làm "cò" xe dưới sự quản lý của "thủ lĩnh" Phạm Lan Hương.
Cũng theo lời Hương, Tú là người quê miền núi hiền lành, chất phác nên rất được lòng bạn bè và các anh chị ở khu vực bến xe Mỹ Đình. Với bản tính cần cù cam chịu, Tú dễ dàng thích nghi với công việc một cách nhanh chóng. Hàng ngày công việc của Tú là ra bến mời chào khách đi xe của hãng mình, dù bất kể mưa hay nắng cậu ta đều phải “lăn xả” lôi kéo khách. Bởi vì chỉ có mời được khách lên xe, Tú mới có tiền gửi về cho người mẹ đang đau yếu ở nhà.
“Không bặm trợn liều lĩnh như những cò xe khác, Tú rất hiền lành và luôn thể hiện mình là người dễ mến, đáng tin cậy nên rất nhiều khách có thiện cảm và nhận lời mời của em. Cũng chính vì lẽ đó mà đối với những cò xe khác Tú bỗng nhiên trở thành cái gai trong mắt họ, em thường xuyên bị họ bắt nạt và gây sự thậm chí là bị cướp khách một cách trắng trợn”. Hương kể.
Thân phận nghiệt ngã của kiếp làm "cò" xe khách
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bến xe Mỹ Đình có khoảng trên mười hãng xe chạy tuyến từ Hà Nội về các tỉnh và ngược lại. Trong những hãng xe này có cả những xe tư nhân mua thương hiệu hãng nên sự cạnh tranh giữa các hãng xe thậm chí là giữa các chủ xe trong một hãng vô cùng khốc liệt. Chính vì vậy mà dịch vụ "cò" xe ở bến xe Mĩ Đình ngày một phát triển và có rất nhiều biến tướng.
Một trong số những tuyến xe có thuê các "nhân viên" của Hương dẫn khách.
Không khó để nhận ra những cò xe mồ hôi nhễ nhại, tất tả chạy ngược chạy xuôi để lôi kéo khách về xe của hãng mình. Những khuôn mặt luôn trong trạng thái căng thẳng, bực bội và sẵn sàng nổi cáu chửi bới đối thủ cạnh tranh khi bị đối phương nẫng mất khách khỏi tầm tay.
Lê Thanh Tú và Nguyễn Việt Anh vốn là "cò" xe chuyên bắt khách cho hãng xe Đức Phúc. Tuy nhiên hãng này đã cho tư nhân thuê thương hiệu nên sự cạnh tranh khách hàng giữa các chủ xe của hãng rất gay gắt.
Nói là "cò" xe của hãng, nhưng trên thực tế những "cò" xe ấy không thuộc sự quản lí của hãng xe, họ chỉ là người những chủ xe ấy thuê để bắt khách và được trả thù lao mỗi một khách khoảng năm nghìn . Số tiền này được người đứng ra quản lý nhóm "cò" cầm, sau khi trừ đi những khoản chi phí sinh hoạt còn lại họ chia theo phần trăm.
Theo chị Hương công việc của một "cò" xe vô cùng vất vả , ngày nắng cũng như ngày mưa, kiếp “cò” xe phải đứng chầu trực bắt khách từ sáng đến tối.
Những vất vả mệt nhọc của việc làm "cò" chưa thấm vào đâu so với nỗi tủi nhục của những con người được cho là hành nghề trái phép. Họ luôn phải trông chừng, thậm chí là chui lủi để tránh giáp mặt với công an. Mỗi khi không may bị công an bắt và phải nộp phạt coi như tháng đó những "cò" xe đã làm không công mấy ngày.
Ngoài những vất vả, tủi nhục thì để kiếm được miếng cơm, những "cò" xe nơi đây cũng sẵn sàng đối mặt và chấp nhận trả giá đắt, đôi khi bằng cả mạng sống của mình.
Trước đó, ngày 25/3, tại bến xe khách Mỹ Đình đã xảy ra một vụ xô xát giữa hai cò xe là Lê Thanh Tú (Yên Bái) và Nguyễn Việt Anh (Hải Dương). Cả hai cùng bắt khách cho hãng xe Phúc Đức chạy tuyến Hà Nội- Quảng Ninh. Hậu quả là Tú bị Việt Anh đâm thấu phổi đang phải điều trị cấp cứu tại viện 108.