"Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng"

Chiều nay (7/5), HĐXX cấp phúc thẩm tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Dương Chí Dũng; phúc thẩm; TAND tối cao
Đồ họa toàn cảnh đại án Vinalines. Click để xem ảnh to

 

14h45: HĐXX nhận định:

Đối với tội Cố ý làm trái: Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Ngoài ra, còn có trách nhiệm liên đới của những người khác.

Các lãnh đạo của Vinalines đã thừa nhận sai. Tuy nhiên các luật sư đã dựa vào những căn cứ như ụ nổi không phải là tàu để cho rằng nhóm bị cáo nguyên cán bộ hải quan không cố ý làm trái. Điều này là không phù hợp.

Dương Chí Dũng; phúc thẩm; TAND tối cao

 

Ảnh: Nam Phong

Trong hợp đồng mua bán ụ cũng thể hiện ụ nổi 83 M là tàu biển. Công ước HS mà các luật sư đưa ra chỉ có ý nghĩa mã hóa hàng hóa.

Dương Chí Dũng cũng đã khẳng định ụ nổi được xếp vào nhóm tàu biển vì hoạt động của nó phải được phép đăng kiểm.

Bị cáo Dương khai, ụ nổi là tàu biển. Bị cáo Đức cũng khai nhận, hồ sơ nhập khẩu ụ nổi của Vinalines có nhiều điểm chưa chuẩn nhưng Đức vẫn cho nhập khẩu.

Bị cáo Đức khai ụ nổi là tàu biển. Việc ký thông quan nhập khẩu ụ là trái quy định.

Bị cáo Triện cũng thừa nhận ụ nổi còn có tên gọi là con tàu nên việc nhập khẩu phải tuân theo quy định chung về điều kiện nhập khẩu tàu biển.

Bị cáo Lừng cũng thừa nhận, khi kiểm tra, thấy ụ cũ nát, bốc mùi hôi thối, nhưng vẫn cho thông quan.

Các bị cáo cũng không thực hiện đấu thầu theo đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc về các bị cáo như cấp sơ thẩm đã nêu là chính xác.

Vinalines là Cty Nhà nước nên việc gây thiệt hại, các bị cáo phải bồi thường thiệt hại là chính xác.

Việc các luật sư nêu, Vinalines không yêu cầu bồi thường nên cần xem xét bồi thường cho các bị cáo là không chính xác.

Tại các phiên tòa, các luật sư cho rằng, các thành viên HĐQT đều phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, qua điều tra, những thành viên HĐQT khi họp được cho biết ụ nổi đủ điều kiện nhập khẩu. Vậy nên vai trò chính trong việc quyết định mua ụ nổi thuộc về các bị cáo trong vụ án là chính xác.

Bị cáo Chiều thừa nhận, trước khi đi khảo sát đã lên báo cáo Phúc và được Phúc chỉ đạo mua ụ qua Cty AP, không mua qua công ty Nakhodka.

Chiều còn khẳng định, sau khi đi khảo sát về có báo cáo Phúc về việc giá cả cả bên bán ụ. Bị cáo Chiều còn có nhiều lời khai khẳng định đoàn khảo sát không đàm phán với bên cty Nakhodka mà chỉ làm việc với ông Goh. Biết ụ nổi không đủ điều kiện mua và nhập khẩu về VN nhưng đã đặt vấn đề nhờ Dương giúp đỡ để lập báo cáo.

Dương thừa nhận, thời gian kiểm tra ụ chỉ có 1 buổi chiều nên chỉ quan sát, trao đổi với thuyền viên, không chứng kiến ụ nổi, ụ ở trạng thái xấu. Dương đưa vào báo cáo sai sự thật về tình trạng ụ nổi.

Bị cáo Dương biết việc làm của mình là sai nhưng vì nể đã giúp.

Bị cáo Khang cũng thừa nhận, báo cáo khảo sát là không đúng thực tế. Nhưng theo chỉ đạo của Dũng và Phúc, Khang, Chiều, Sơn đã lập báo cáo không đúng thực tế.

Biết ụ có nhiều bộ phận không còn hoạt động, Cty Nakhodka chào giá dưới 5 triệu USD, nhưng vẫn làm báo cáo mua của Cty AP với giá 9 triệu USD. Đây được coi là hành vi cố ý làm trái.

Trước khi thanh toán tiền mua ụ, biết Cty AP không gửi đủ các chứng từ để thanh toán tiền nhưng Phúc vẫn chỉ đạo Loan thanh toán tiền mua ụ, không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.

Cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo cố ý làm trái đối với Phúc, Loan, Chiều là có căn cứ và chính xác.

U nổi 83M được vận chuyển về VN và được hải quan nhập khẩu dù không đủ các điều kiện nhập khẩu, đã bị hư hỏng nặng, bị dừng đăng kiểm. Nhưng các bị cáo hải quan đã tạo điều kiện cho nhập khẩu ụ 83M.

Việc các bị cáo hải quan kêu oan, các luật sư cho rằng các bị cáo hải quan không phạm tội là không chính xác.

Phương án thanh tóa ụ bằng việc tháo bán sắt vụn với giá 7 triệu đồng/ tấn, trừ chi phí phá rỡ, giá ụ bán đc là 45 tỷ đồng, giảm được thiệt hại trong vụ án. Điều này là chấp nhận được.

Đối với tội tham ô: Bị cáo Dũng và Phúc không thừa nhận có sự thỏa thuận về việc cty AP chuyển về 1,666 triệu USD và không có chuyện ăn chia. Nhưng Dũng đã có đơn xin nhận tội và xin khắc phục. Tại phiên phúc thẩm Dũng lại kêu oan.

Lời khai của 2 bị cáo tại CQĐT xác nhận chỉ có Dũng và Phúc mới có quyền thỏa thuận về số tiền 1,666 triệu USD. Việc Sơn rút tiền chia nhau chỉ có Dũng hoặc Phúc chỉ đạo. Sơn không có quyền phân chia như thế nào.

Việc này phải có sự thỏa thuận ngầm giữa Vinalines và ông Goh. Sơn không quyết định được mức ăn chia.

14h5: Tòa bắt đầu làm việc.

Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, đang tuyên đọc bản án.

Dương Chí Dũng; phúc thẩm; TAND tối cao
Quang cảnh phiên tòa chiều 7/5- Ảnh: Tuyết Nhung chụp qua màn hình

MỨC ÁN Ở PHIÊN SƠ THẨM (Ngày 16/12/2013):

1. Dương Chí Dũng: (SN 1957, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines): tử hình tội tham ô tài sản và 18 năm tù cho tội Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội là Tử hình.

2. Mai Văn Phúc: (SN 1957, cựu Tổng GĐ Vinalines): tử hình tội tham ô tài sản và 18 năm tù cho tội Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội là Tử hình.

3. Trần Hải Sơn: (SN 1960, cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm cho tội Tham ô tài sản và 8 năm tù tội cố ý làm trái, tổng cộng là 22 năm.

4. Trần Hữu Chiều: (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Tổng cty Hàng hải Việt Nam): 10 năm - 9 năm tù, tổng là 19 năm.

5. Bùi Thị Bích Loan: (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines): 4 năm tù (tính từ ngày 25/2/2012).

6. Mai Văn Khang: (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam): 7 năm tù.

7. Lê Văn Dương: (SN 1970, Đăng kiểm viên – Cục Đăng kiểm Việt Nam): 7 năm tù (tính từ ngày 25/7/2012).

8. Huỳnh Hữu Đức: (SN 1965, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 8 năm tù (tính từ ngày 25/7/2012).

9. Lê Ngọc Triện: (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục hải quan Vân Phong): 8 năm tù (tính từ ngày 25/7/2012).

10. Lê Văn Lừng: (SN 1959, cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong): 8 năm tù (tính từ ngày 25/7/2012).

THEO DÕI DIỄN BIẾN VỤ ÁN:

Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M - một hạng mục quan trọng trong dự án - gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô hơn 28 tỷ đồng.

Dương Chí Dũng và các đồng phạm biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi từ Nga về Việt Nam.

Dương Chí Dũng đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò là chủ mưu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.

Ngoài ra, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã cùng nhau tham ô hơn 28 tỷ đồng.

Ông Mai Văn Phúc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị phê duyệt đầu tư Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.

Dương Chí Dũng; phúc thẩm; TAND tối cao
Chiều nay, HĐXX sẽ tuyên án Dương Chí Dũng - Ảnh: Nam Phong

Bị cáo Trần Hải Sơn phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vai trò đồng phạm giúp sức, đã tham gia đoàn khảo sát, lập, ký nháy báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M không đúng với thực tế để hợp thức thủ tục mua, soạn thảo các văn bản đề nghị phê duyệt mua ụ nổi 83M.

Bị cáo Trần Hữu Chiều bị xác định đã ký các văn bản của Ban QLDA trình ông Mai Văn Phúc đề nghị phê duyệt Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Ông Chiều là trưởng đoàn khảo sát, ký báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M trình ông Phúc không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua ụ nổi, đề nghị và ký nháy chứng từ thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi.

Với vai trò đồng phạm giúp sức, bị cáo Mai Văn Khang đã tham gia đoàn khảo sát, lập, ký nháy báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi không đúng thực tế để hợp thức hồ sơ khảo sát, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi.

Bị cáo Lê Văn Dương cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Dương đã lập, ký biên bản kiểm tra giám định, đánh giá tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M không đúng thực tế, không đúng Hướng dẫn B10 của Cục Đăng kiểm VN, giúp Vinalines hợp thức hồ sơ khảo sát lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M.

Ông Huỳnh Hữu Đức đã ký quyết định cho thông quan ụ nổi 83M trái quy định.

Ông Lê Ngọc Triện đã thực hiện việc kiểm tra chi tiết hồ sơ nhập khẩu ụ nổi 83M, đề xuất thông quan nhập khẩu trái quy định, gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng của Nhà nước, phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Lừng đã tham gia vào việc kiểm tra thực tế ụ nổi 83M, đề xuất thông quan nhập khẩu trái quy định, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên sơ thẩm, bị cáo buộc tội Tham ô tài sản, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có vai trò ngang nhau trong việc nhận tiền và ăn chia, đều không nhận tội.

HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, chiếm đoạt số tiền 10 tỷ đồng là số tiền đặc biệt lớn, hai bị cáo lại chưa khắc phục hậu quả nên cần áp dụng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt mới đủ tác dụng trừng trị tội phạm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại