Trà chanh shisha lên đời
Cách đây khoảng 4 năm, shisha là thú chơi của các bạn trẻ sành điệu, thường được bán cho khách quen trong các quán bar, vũ trường như một món hàng “khẳng định đẳng cấp”. Thời gian gần đây, shisha đã thành “món bình dân” trong các quán trà chanh khá phổ biến ở các thành phố lớn.
Ghé vào quán trà chanh ở khu hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội chúng tôi được cô chủ quán niềm nở giới thiệu các hương vị như: Cam, dâu, táo, kiwi, dưa hấu, đào, bạc hà, nho... Sau khi đem 2 ly trà chanh cho chúng tôi, chủ quán mang bình shisha nhét dưới gầm bàn. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Bọn em có gọi thứ này đâu”. Bà chủ nhanh nhảu nói: “Ở đây chị chỉ có loại này thôi, chứ có thêm “hàng” phiền hà lắm, cơ quan chức năng họ làm ghê lắm”.
Chúng tôi quyết định khám phá thế giới shisha được mệnh danh đầy quyến rũ này bằng cách tiếp cận một tay chơi. Không “giấu nghề”, Đạt “bèo”, một tay chơi có tiếng trong lĩnh vực này thể hiện sự hiểu biết khi được tôi xin tham vấn. Theo Đạt: Ngày nay dân chơi tìm đến shisha để thử cảm giác chơi ma túy kiểu mới, nhưng quan trọng hơn, nó là tấm áo ngụy trang qua mắt cơ quan chức năng khá hữu hiệu.
Chỉ cần vào bất cứ quán nào, gọi một bình shisha, tự mua “kẹo” để “chế” vào bình, “dân bay” cũng đạt được cảm giác “tới bến”. Thậm chí, để câu khách, một số quán còn chiều theo yêu cầu của khách để chế thêm “hàng” (tức chất ma túy thực thụ - PV).
Giá một bữa shisha trọn vẹn dao động từ 150.000 - 300.000 đồng, với một con nghiện thì một tháng, trung bình phải chi hơn 3 triệu đồng mới thỏa mãn thú chơi. Ăn theo đó, dịch vụ shisha trà chanh giá rẻ ra đời. Giá của dịch vụ này chỉ dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/suất và thường được quảng cáo tràn lan trên mạng. Đạt “bèo” phân tích: Thành phần chủ yếu của shisha là dược liệu thiên nhiên nghiền nhuyễn nhưng để tiết kiệm chi phí, “shisha trà chanh” chỉ có lớp vỏ bên ngoài, trộn thêm bột hương: Cam, chanh, bạc hà, cappuchino, gum buble... xuất xứ từ Trung Quốc được mua theo cân.
Thấy chúng tôi tò mò về sức hút của shisha, Đạt “bèo” hào hứng kể: “Năm ngoái sinh nhật đứa bạn, cả nhóm tạt vào quán uống trà chanh, cao hứng bọn em thử hút shisha cho biết, thấy hay hay nên cách vài tuần lại đi một lần rồi “nghiền” lúc nào không biết. Giờ đây, ngày nào không hút thì trong người thấy bứt rứt, khó chịu”. Đạt “bèo” còn bật mí, để shisha thêm đậm đặc và có độ “phê” cao, dân chơi thường chế thêm sữa, rượu hoặc ma túy.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên phố Nguyễn Hữu Huân để có thêm thông tin về thú vui hút shisha trà chanh. Cách đó vài chục mét là quán trà chanh và shisha H2O, cũng là một điểm quen thuộc của giới trẻ. Quán nhỏ nhưng chủ quán khéo léo kê hơn 10 bàn làm bằng mây tre, ghế nhựa nhỏ. Không gian nội thất cũng thiết kế lung linh kiểu Ả Rập, tông màu đỏ làm chủ đạo và thể loại nhạc vũ trường sôi động. Trong quán, trên các bàn đều có bình shisha của từng nhóm.
Chúng tôi gặp Huyền, SV một trường ĐH cho biết: “Bữa trước sinh nhật, em kéo đám bạn tới đây hút thử shisha. Có nhiều đứa hút lần đầu không quen nhưng hút vài vòng quen, dần dần rồi “nghiền””.
Trào lưu “thả nổi”
“Trào lưu” hút shisha đang được đáp ứng bằng một dụng cụ mới: Bút shisha điện tử, có giá từ 1.800.000 - 2.500.000 đồng tặng kèm 2 lọ dung dịch. Nhiều “dân buôn” đã lập hẳn diễn đàn để giới thiệu sản phẩm và đăng clip hướng dẫn sử dụng. Các tay buôn còn “mạnh dạn” trưng hình bút shisha kèm lời rao trên trang facebook cá nhân. Không khó để chúng tôi liên lạc được với Thiện (một tay buôn), tôi ngỏ ý muốn xem bút, cậu ta liền cho chúng tôi số điện thoại của người bạn tên Chiến để sắp xếp giao dịch. Qua giới thiệu từ trước chúng tôi được biết Chiến là một tay buôn cung cấp bút và cả thuốc hút shisha… Qua cuộc điện thoại, Chiến hẹn chúng tôi tại quán cà phê trên đường Thanh Niên nhưng sau đó dời địa điểm, hẹn gặp chúng tôi ở quán cà phê ở hồ Đền Lừ. Khoảng 1g trưa, chúng tôi gặp một người đi xe SH đỏ (dấu hiệu nhận biết Chiến mà chúng tôi đã được thông báo qua điện thoại) tại hồ Đền Lừ. Sau một thoáng dè chừng, Chiến thao thao giới thiệu về xuất xứ, ưu điểm, cách sử dụng bút, còn “tận tình” châm shisha, bật bút cho chúng tôi hút thử. Những câu trả lời của anh ta về bút shisha luôn hướng đến những từ khóa như: An toàn, tiện lợi, nên mua... Chiến còn cho biết mình đã bán hơn 50 bút và 100 lọ dung dịch shisha với các mùi và nồng độ nicotine khác nhau.
Dù shisha là loại thuốc nhập ngoại, song dường như hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự quản lý chặt chẽ. Việc mua bán vẫn được “thả nổi” trên thị trường. Và dĩ nhiên, giá bán cũng đủ loại. Một hộp thuốc shisha nhỏ (phục vụ cho 2 lần hút) nơi thì bán 90.000 đồng, chỗ có giá tới 150.000 đồng. Không kể những khoản đính kèm khác như thuốc ngủ, rượu…
Xu thế các bạn trẻ hút shisha trộn với thuốc ngủ vô tình biến thành cái bẫy êm ái để kẻ gian cuỗm tài sản của các con nghiện shisha vì khi hút xong, các con nghiện không hề hay biết mà vẫn cho rằng do mình quá phê thuốc nên mới ngủ quên. Tuy nhiên, việc xảy ra những câu chuyện đáng tiếc bắt nguồn từ hút shisha cũng không phải là ngoại lệ.
Đối với phái nữ khi việc hút shisha trở thành “mốt” thì hệ lụy mà nó mang tới sẽ là gì? Một hình ảnh méo mó hay bê tha, thác loạn? Và không ai dám khẳng định liệu họ có trở thành mồi ngon cho những kẻ lạm dụng hoặc sa đà vào tệ nạn?
Bạn Mai Lan (trường ĐH TM) cho biết: “Có lần vì quá buồn, mình đi hút một mình giải khuây. Vừa rít được vài hơi thì cảm thấy buồn ngủ vô cùng, lúc tỉnh dậy phát hiện ví tiền và điện thoại không cánh mà bay”.
Không ít những vụ xâm hại tình dục bắt nguồn từ thú chơi hút shisha bầy đàn của các bạn trẻ. Trường hợp của bạn Hải Y, 21 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai là một trường hợp điển hình. Hải Y nhớ lại: Trong một buổi sinh nhật cùng đám bạn, cô cũng thử hút shisha, hôm đó rui rủi thế nào cô không biết shisha đã được trộn với thuốc ngủ… lại thêm các đồ uống có ga kết hợp. “Lúc em say thuốc ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy mình ở trong nhà nghỉ, trên người không một mảnh vải, lúc đó em tối sầm mặt mày…”, Hải Y nhớ lại. Đó thật sự là bài học cho một phút nông nổi, không kiềm được bản thân đã làm cho Hải Y giờ đây rất ân hận.
Hiểm họa từ làn khói shisha
Nhiều bạn trẻ đã biết những nguy hiểm tiềm ẩn của việc hút shisha nhưng vẫn cho rằng, hút shisha mát, ngọt và hấp dẫn như vậy, thỉnh thoảng hút sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cho thấy mức độ độc hại của shisha rất cao. Cụ thể, hút shisha một lần, người hút cũng có thể bị ngộ độc khí CO (carbon monoxide), có khả năng mắc các bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, cúm và kể cả lao. Sử dụng shisha lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim và nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư tuyến tiền liệt. Shisha cũng gây ra các biến chứng khi mang thai tương tự như với thuốc lá. Bên cạnh đó, việc cùng ngậm hút chung một ống hút shisha cũng lây truyền virus viêm gan C và các bệnh dị ứng, mụn rộp.
Thanh Loan (trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội), từng rất mê shisha nhưng nay đã từ bỏ, cô kể về một lần bị ngộ độc do hút shisha: “Sau vài lần sử dụng êm thấm thì có dấu hiệu đau cổ, nhức đầu. Mình đi khám bệnh thì mới biết bị ngộ độc nhựa do ống shisha chịu không được nóng chảy ra. Sau lần đó, mình từ bỏ hẳn không bao giờ dám hút lại nữa”.
Việc hút shisha cũng là biến tướng gây ra bệnh ung thư vòm họng và miệng do sự tăng trưởng tế bào ung thư trong khoang miệng. Ngoài ra còn có thể bị ung thư lưỡi, niêm mạc má, nướu, môi… 75% ung thư dạng này có liên quan đến việc hút khói thuốc. Hiểm nguy là vậy nhưng xem ra, trong khi shisha đang “biến hình” từng ngày, “bất chấp thủ đoạn” để tiếp cận dễ dàng với teen thì một số bạn trẻ vẫn chưa trang bị cho mình một chút bản lĩnh, một thái độ “đề kháng”, cần thiết lên án đối với “mốt” chơi nguy hiểm này.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy, trong một lượt hút shisha kéo dài 1 tiếng, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100-200 lần lượng khói và lượng nicotine hít vào nhiều hơn 70% so với hút một điếu thuốc lá. Một nghiên cứu cũng cho thấy người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi gấp 5 lần người không hút và làm tăng đáng kể lượng carcinoembryonic antigen (CEA) - một chất trong máu - chỉ dấu của một vài loại ung thư.