TQ đặt giàn khoan trái phép, ngư dân khốn khó vì đi đường vòng

Ngư dân miền Trung lo ngại việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ngay trên lãnh thổ Việt Nam, khiến nhiều tàu thuyền bị xua đuổi, đi đường vòng.

Cập âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), tàu cá QNg 96291TS của ông Trần Văn Định (An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa đủ tốn sau chuyến ra khơi gần tháng trời. Ông Định bảo: Giá cá mực tốt, sản lượng khá cao, nhưng chi phí đi lại lớn do phải đi đường vòng tránh vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc nên không có lời.

Ông Định kể, khi từ ngư trường Hoàng Sa về, ông bất ngờ phát hiện nhiều tàu trực của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan HD 981, đặt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

“Vị trí này chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý. Khi chúng tôi đến gần 3 hải lý đã bị tàu chiến Trung Quốc xua đuổi, không cho lại gần. Anh em phải đi đường vòng mới có thể vào được bờ”, ông Định nói.

Tàu ông Định cùng 2 tàu thuyền trong tổ đội khai thác số 20 (Nghiệp đoàn nghề cá An Hải) do ông Nguyễn Chí Thạnh (thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 96048TS) phải chạy đường vòng dài thêm cả chục hải lý.

Vị trí giàn khoan của Trung Quốc nằm trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN HUY

Ngư dân Phạm Văn Thạch (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), chủ đôi tàu QNg 92125TS và 92124 lo ngại: Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan án ngữ ngay hải trình từ Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi. Để ra ngư trường này, ngư dân phải đi vòng, tránh giàn khoan phi pháp, khiến phí tổn tăng cao.

Theo anh Phùng Văn Thành (38 tuổi, An Hải, Lý Sơn) thuyền trưởng tàu cá QNg 90647TS: Giá xăng dầu ngày một tăng, sản lượng khai thác không ổn định, tình hình biển Đông phức tạp, gia tăng sức ép từ phía Trung Quốc khiến ngư dân thêm khó khăn. Chúng tôi gửi kiến nghị lên Nghiệp đoàn nghề cá, đồng thời kiên quyết ra khơi đánh bắt để bảo vệ ngư trường.

Những tháng đầu năm 2014, tàu anh Thành 2 lần bị tàu kiểm ngư, hải giám Trung Quốc uy hiếp, dùng vòi rồng xua đuổi, gây hư hại, chiếm đoạt ngư cụ, hải sản. Các ngư dân cho rằng: rõ ràng hành động đưa giàn khoan vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Hành động phi pháp này không chỉ vi phạm chủ quyền, mà còn gây khó khăn cho hoạt động khai thác của ngư dân. Chỉ tính riêng An Hải hiện có trên 80 tàu công suất lớn của các hội viên trực tiếp khai thác vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tất cả bất bình, phản đối hành vi phi pháp của phía Trung Quốc.

Mỹ điều tra động thái di chuyển giàn khoan của Trung Quốc

Theo Reuters, ngày 6/5, Mỹ cho biết đang điều tra động thái di chuyển giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc mà Việt Nam nói rằng đã đi vào vùng biển của Việt Nam.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết Mỹ đang xem xét vụ việc trên, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thận trọng.

Trả lời báo giới trong chuyến thăm Hong Kong trước thềm chuyến thăm Hà Nội theo kế hoạch vào ngày 7/5, ông Russel nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng việc mỗi nước có tuyên bố chủ quyền thể hiện sự thận trọng và kiềm chế là điều hết sức quan trọng”.

Cáo buộc của Việt Nam được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á để khẳng định cam kết với các đồng minh ở đây, trong đó có Nhật Bản và Philippines - hai nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Theo TTXVN

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại